Tôi sẽ không để mình trở thành người vô tâm. Ảnh minh họa |
Vợ chồng tôi quê xa, cưới nhau rồi định cư ở Hà Nội luôn nên thời gian về quê thăm bố mẹ chồng rất hãn hữu. Thời gian mẹ chồng tôi bị bệnh rồi mất, chúng tôi cố gắng dành nhiều thời gian về quê hơn với bố cho ông đỡ buồn. Thế nhưng công việc, rồi việc học hành, chăm sóc con cái... cứ cuốn đi. Mỗi lần về quê, tôi thấy bố tôi vui lắm! Vui nhất là được chơi với hai đứa cháu một năm gặp được hai, ba bận.
Thực ra, chúng tôi yên tâm ở xa làm ăn, một phần là cũng nhờ cả vào chị chồng tôi. Cuộc sống hôn nhân của chị gặp trục trặc nên sau khi li hôn, chị và con gái về sống cùng bố chồng, tiện chăm sóc ông luôn. Mọi việc to, việc nhỏ, phần lớn chúng tôi đều nhờ cậy cả vào chị.
Dịp giỗ chạp, không có điều kiện về quê, chúng tôi gửi biếu chị ít tiền mặt và nhờ chị lo công việc ở nhà giúp. Chị vốn là người chu đáo và tình cảm nên làm tròn mọi công việc ở quê, đặc biệt là chăm sóc cho bố, khiến vợ chồng tôi yên tâm và có phần biết ơn chị.
Lần đó là dịp giỗ 5 năm của mẹ chồng tôi. Năm nào cũng vậy, vợ chồng con cái kéo nhau về trước hôm giỗ mẹ một ngày để có thể tiện chủ động giúp chị và bố làm cơm giỗ cho bà. Mặc dù là con dâu trong nhà nhưng vì điều kiện ở xa, lại không quen chợ búa nên tôi với chị thống nhất là chị sẽ đi chợ chuẩn bị mọi thứ. Chúng tôi gửi tiền trước về cho chị để chị chủ động.
Thế nhưng, năm nay, trước ngày giỗ mẹ tôi vẫn chưa thấy chị chuẩn bị gì nhiều, chị bảo cũng khá nhiều việc ở cơ quan nên sáng hôm chính giỗ chị sẽ đi chợ sớm để mua đồ. Và vì không chuẩn bị trước như mọi lần nên sáng ấy, việc cúng cho mẹ có phần chậm trễ do đồ lễ nhiều hơn dự tính.
Có một người chị họ trong gia đình chồng đến thắp hương cho mẹ tôi, thấy sự tình vậy liền góp ý: “Sao em không chuẩn bị trước cho đỡ vội? Mình dù sao cũng là con dâu trong nhà, chị nghĩ không nên dựa hết vào chị chồng như thế, biết là ở xa nhưng không hẳn cứ lo về tài chính hết thì là sẽ xong!”.
Lúc ấy nghe xong, tôi ấm ức lắm, cứ như là lỗi hoàn toàn của tôi và cảm giác như là mình bị mắng oan vậy. Nhưng sau đó về nghĩ lại, mới thấy lời nhắc nhở của chị ấy, tuy thẳng thắn nhưng là đúng. Vợ chồng tôi vẫn tư tưởng “con út”, rồi thì nghĩ lo lắng về tài chính thì sẽ thay cho việc góp công.
Nhưng không phải việc nào cũng áp dụng được điều này! Nhìn chị dâu tôi tất bật lo lắng, tôi hối hận nhiều lắm! Lần giỗ tới của mẹ, tôi sẽ về sớm hơn và cùng chị đi chợ, vừa tình cảm, vừa thể hiện sự chu đáo và bổn phận vẹn tròn của một người con dâu, người em dâu trong gia đình và không trở thành người quá vô tâm.
Tác giả: Nhật Lam
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam