Làm việc cho Tổng thống Trump chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng những cấp dưới của ông sẽ phải đối mặt với sự hỗn loạn ở mức độ cao hơn nếu đảng Dân chủ chiến thắng ở Hạ viện.
Chỉ cần phe Dân chủ kiểm soát được một trong hai viện, họ sẽ mở cuộc tấn công dữ dội bằng những buổi điều trần, những buổi triệu tập, các yêu cầu văn bản và mọi thứ sẽ bị xem xét hết sức kỹ càng, từ tờ khai thuế cá nhân của tổng thống cho đến những chính sách gây tranh cãi về nhập cư, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Thay đổi hoàn toàn
Trả lời phỏng vấn Politico, những cựu quan chức trong chính phủ trước đây của các Tổng thống Clinton, Obama và George W. Bush đều cho rằng sự giám sát của đảng đối lập sẽ khiến cho cuộc sống thường ngày ở Nhà Trắng trở nên không thể chịu nổi đối với các quan chức cấp cao và phụ tá của họ.
Những đánh giá này cho thấy tương lai u ám cho các quan chức trong chính quyền ông Trump nếu như đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát một trong hai viện hoặc cả hai vào tháng 1 tới.
Tương lai u ám cho các quan chức và phụ tá làm việc trong chính quyền Tổng thống Trump nếu như đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện. Ảnh: AP |
Các nhân viên Nhà Trắng sẽ phải chấp nhận làm việc đến quá nửa đêm để chiến đấu với các ủy ban của quốc hội và phải tranh cãi kịch liệt về những thay đổi trong các văn bản.
Không chỉ vậy, họ sẽ phải tham gia những cuộc gặp căng thẳng với luật sư của chính phủ để thảo luận về đặc quyền hành pháp, những ghi chép và email của họ cũng có thể được những điều tra viên của đảng Dân chủ tiết lộ cho giới truyền thông.
Một cựu quan chức từng làm việc trong chính quyền Clinton so sánh trải nghiệm này với việc đi chữa răng mà không dùng thuốc gây tê. Một phụ tá khác trong chính quyền Obama thì miêu tả giai đoạn sau khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện vào năm 2010 bằng cụm từ “như bị tra tấn”.
Một cấp dưới của Tổng thống George W. Bush chia sẻ đây là giai đoạn mà người này cảm thấy như bị hủy hoại về mặt tinh thần.
“Tôi nhớ rằng mình từng bước ra khỏi Nhà Trắng vào một ngày tháng 8 và nhận ra rằng đã rất lâu rồi tôi mới bước ra khỏi đó khi vẫn còn mặt trời”, ông Chris Lehane nhớ lại, chia sẻ về quãng thời gian phụ trách giải quyết khủng hoảng truyền thông dưới thời Clinton, vào thời điểm diễn ra scandal Whitewater.
Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống 2016 đã phần nào giúp các phụ tá Nhà Trắng tích lũy kinh nghiệm trong việc đối phó với các trường hợp tương tự. Nhưng các cựu quan chức cho rằng phe Dân chủ sẽ giám sát chính quyền ông Trump với một thái độ thù địch hơn nhiều.
Một số cựu quan chức Nhà Trắng khác nhận định, việc tổng thống để mất một hoặc hai viện vào tay đảng đối lập, đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống thường ngày của họ. Điều này xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Clinton và ông Obama, xảy ra trong nhiệm kỳ thứ hai của ông George W. Bush.
Ông Leon Panetta, Chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Clinton nhận xét: “Chán nản một cách khủng khiếp, đó là bầu không khí chung ở Nhà Trắng, bạn nhận ra rằng người dân không hài lòng với những gì tổng thống đang làm, tinh thần của ông ấy thì đi xuống rõ rệt”.
Leon Panetta là Chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton. Ảnh: New York Times |
Một luật sư Nhà Trắng dưới thời ông Obama thì chia sẻ: “Bạn thấy giống như mình đang tham gia vào một cuộc đấu đá chính trị. Bạn phải làm việc trong môi trường mang tính đảng phái rất cao”.
Nếu phe Dân chủ quyết định mở những cuộc điều tra, bất cứ nhân viên nào trong chính quyền Tổng thống Trump cũng có khả năng đối mặt với sự nổi tiếng không mong muốn, một khi quốc hội yêu cầu công khai email và những ghi chép của họ.
Dưới thời ông Obama, một số quan chức ít tiếng tăm chứng kiến email của họ xuất hiện trên truyền hình khi đang phải điều trần trước quốc hội.
Nhân viên bị vướng vào cuộc điều tra của quốc hội sẽ phải thuê luật sư riêng, điều này khiến họ bị phân tâm trong công việc. Neil Eggleston, cựu cố vấn Nhà Trắng của ông Obama cho biết ông từng cảm thấy hoang mang vì bị hút vào vòng xoáy của các cuộc điều tra: “Đó là một cảm giác gây suy nhược, và nó là sự thật”.
Một luật sư Nhà Trắng khác dưới thời ông Obama thì chia sẻ câu chuyện các nhân viên phải dành cả ngày để trấn an một đồng nghiệp, chuẩn bị người này cho cuộc điều trần.
“Đó là một quá trình vô cùng, vô vùng căng thẳng nếu bạn dính vào đó”, luật sư này cho biết.
Nhà Trắng chưa sẵn sàng
Tới nay, phe Dân chủ đã có hàng loạt mục tiêu để điều tra, từ những câu hỏi về sự liên hệ của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016, cho đến những vấn đề khác như việc xung đột lợi ích của một số thành viên nội các.
Những thành viên của phe Dân chủ cũng có kế hoạch yêu cầu cung cấp kê khai thuế của ông Trump, và một đảng viên Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện bày tỏ ý định muốn làm sáng tỏ cáo buộc rửa tiền đối vớitháng tập đoàn Trump.
Các chuyên gia cho rằng, nếu đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát, Tổng thống Trump sẽ phải làm mới toàn bộ cấu trúc hiện tại của Nhà Trắng, mang về những luật sư và các nhân viên truyền thông hoàn toàn mới, cùng với đó là việc bổ sung những nhà tư vấn chiến lược.
Những người gần gũi với ông Trump đang lo lắng vì họ cho rằng Nhà Trắng chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để đối phó với những gì diễn ra khi phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện.
Hai năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump diễn ra tương đối suôn sẻ khi đảng Cộng hòa là phe đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện, nhưng hai năm tiếp theo có thể diễn biến theo chiều hướng tệ hơn nếu đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát một trong hai viện. Ảnh: Getty |
Ông Trump hiện không có sự phục vụ dài hạn ở vị trí Cố vấn Nhà Trắng. Tổng thống đề cử Pat Cipollone, nhưng người này vẫn đang trong quá trình kiểm tra lý lịch và chưa thể làm việc toàn thời gian, ít nhất là cho đến giữa tháng 11.
Ở bên trong Nhà Trắng, những sự chuẩn bị được dự kiến sẽ diễn ra sau cuộc bầu cử giữa kỳ, các quan chức từ chối thảo luận kế hoạch chi tiết của họ, cho rằng đảng Dân chủ chưa đảm bảo chiến thắng ở Hạ viện.
Những đồng minh của ông Trump cho rằng, mặc dù đã quen với việc đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện trong hai năm đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump sẽ tìm cách thích ứng với những thay đổi diễn ra.
Nhưng họ cũng cho rằng những hành động gây tranh cãi trong quá khứ của ông Trump sẽ khiến ông trở thành mục tiêu hàng đầu của các điều tra viên.
Ông Harold Ickes, Phó chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời Clinton nhận định: “Hầu hết mọi người chưa từng trải qua điều này. Rất nhiều quan chức Nhà Trắng chưa từng trải qua một buổi điều trần trước quốc hội”. Ông Ickes từng trải qua hơn 30 buổi triệu tập và lấy lời khai khi còn làm việc.
“Dù bạn làm mọi cách cố gắng để lờ nó đi, nó vẫn khiến bạn mất tập trung và tốn rất nhiều thời gian”, ông Ickes chia sẻ.
Tác giả: Sơn Trần
Nguồn tin: zing.vn