Ngày 9/6, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Văn Thinh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho biết, lãnh đạo Sở đã nắm được thông tin, đồng thời sẽ cho kiểm tra việc mua chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với giá "cắt cổ".
Trước đó, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) có công văn số 94/PGDĐT-TS ngày 25/4/2017 về việc đăng ký nhu cầu bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, tin học của cán bộ quản lý, giáo viên.
Các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn huyện đăng ký lập danh sách cán bộ giáo viên có nhu cầu bồi dưỡng để đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ, tin học theo quy định.
Theo đó, việc đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ/tiếng Anh bậc 2/cấp độ A2 là 90 tiết, với tổng số tiền là 3,5 triệu đồng.
Tiếng Anh bậc 3/cấp độ B1 là 90 tiết, với tổng số tiền là 5 triệu đồng.
Tiếng Anh bậc 4/cấp độ B2 là 90 tiết, với tổng số tiền là 7,5 triệu đồng.
Tiếng Anh bậc 5/cấp độ C1 là 90 tiết, với tổng số tiền là 8,5 triệu đồng.
Kinh phí ôn tập, thi, cấp chứng chỉ tin học là 1,6 triệu đồng.
Việc tổ chức đào tạo sẽ được tiến hành tại 3 địa điểm gồm, thị trấn Sơn Dương, Sơn Nam, Hồng Lạc.
Tuy nhiên, phản ánh tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một số giáo viên tại Tuyên Quang cho biết, việc học và cấp chứng chỉ nói trên không đảm bảo về mặt thời gian, chất lượng đào tạo.
"Hiện nay tại tỉnh Tuyên Quang đang ào ạt đào tạo cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong vòng 9 ngày, mỗi ngày 10 tiết.
Nhưng thực tế, giáo viên chỉ học có 6 ngày, vừa học vừa chơi là xong chương trình.
Số tiền phải nộp để có các loại chứng chỉ trên là 9 triệu đồng.
Vậy đây là hình thức học thật, hay là hình thức học trá hình để mua bằng một cách công khai và đúng quy trình?
Vậy chất lượng ở đâu khi giáo viên cầm chứng chỉ tiếng
Trước những phản ánh nêu trên, ngày 9/6, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đỗ Trọng Dương, trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Dương cho rằng, đây là những phản ánh không có căn cứ.
Tuy nhiên, ngay cả khi vị trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện không nắm rõ được quy định trọng việc nâng ngạch, chuyển ngạch... nhưng vẫn "xúi" giáo viên đi học để được cấp các loại chứng chỉ nói trên.
Ông Dương giải thích: "Việc đào tạo bồi dưỡng này chúng tôi làm theo quy định của Bộ Giáo và Đào tạo. Ai muốn nâng ngạch thì phải có cái đó (chứng chỉ tin học, ngoại ngữ) hay sao ấy chứ?
Hiện nay chúng tôi còn nhiều giáo viên chưa được nâng ngạch. Giả sử bây giờ nâng ngạch người ta bắt phải có những chứng chỉ nói trên thì làm thế nào được?
Còn chuyện nộp 9 triệu để lấy chứng chỉ thì chắc là không phải đâu", ông Dương nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Thinh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang lại có quan điểm ngược lại.
"Sở chưa có chỉ đạo gì về việc học, cấp chứng chỉ này cả. Họ (phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Dương) cũng không có thông tin gì cho chúng tôi về việc ra thông báo nói trên.
Khổ thế chứ! có ai bắt buộc giáo viên học đâu mà phải học.
Nhưng bây giờ nó trở thành trào lưu nên người ta sợ, đành phải đi học. Nhiều người cả tin còn bị các tổ chức, cá nhân lừa đảo bán chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với giá cao.
Đối với cấp 3, chúng tôi đã làm hồ sơ chuyển ngạch rồi, không vấn đề gì cả.
Bây giờ anh em ở dưới đó họ đồn thế này đồn thế kia, rồi sợ không được sếp vào ngạch này, ngạch nọ nên sinh ra chuyện tổ chức học, mua chứng chỉ.
Tôi ủng hộ các anh làm việc này. Các anh cứ làm thẳng thắn, phản ánh trung thực để làm rõ vấn đề đó", ông Thinh đề nghị với phóng viên và hứa sẽ kiểm tra thông tin việc tổ chức mua, bán chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.
Ông Thinh thông tin thêm, hiện cơ quan cảnh sát điều tra cũng đang làm rõ nhiều thông tin liên quan tới việc cấp, bán chứng chỉ tin học, ngoại ngữ của một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Tác giả: THỤY DU
Nguồn tin: Báo Giáo dục Việt Nam