Giáo dục

Cô giáo miền núi nhận học bổng học tập tại Singapore

Trong số những cô giáo vinh dự có mặt trong Lễ tuyên dương các nhà giáo, học sinh tiêu biểu năm học 2015 – 2016 do Bộ GD&ĐT tổ chức vừa qua có cô Đỗ Thị Ngà – Giáo viên trường THCS Thị trấn Phố Lu (Lào Cai) - một trong hai cô giáo được nhận học bổng đi tham quan học tập tại Singapore.

Cô giáo Đỗ Thị Ngà (bên trái) cùng đồng nghiệp được nhận học bổng học tập ngắn hạn tại Singapore

Từ cô giáo hay khóc….

Vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Nam Định, cô giáo trẻ Đỗ Thị Ngà tình nguyện lên Lào Cai công tác với tâm trạng phấn chấn vì được lên vùng đất mới cống hiến sức mình ngành giáo dục. Cô được phân công công tác tại trường THCS thị trấn Phố Lu.

Ngày đầu, dù đã lường trước nhưng cô giáo trẻ không khỏi bỡ ngỡ và có chút hụt hẫng khi chưa bao giờ biết đến nhà sàn, nhà gỗ, rồi trường lớp lụp sụp, ẩm thấp, đường sá đi lại khó khăn, lợn bò thả khắp nơi... Đó là năm 1998, cách đây cũng gần 20 năm, cô Ngà vừa lên đã muốn về bởi nhớ nhà quá, xa lạ quá!

Thời gian đó, mọi thứ đối với cô giáo trẻ đều chưa quen từ phong tục, cách sinh hoạt thậm chí cả cách xưng hô cũng khiến cô Ngà thấy…lạ! Buổi học đầu tiên, trò nhìn cô cười tủm tỉm khi cô giáo miền xuôi lại dạy học trò miền núi môn học tưởng như “đánh đố” – môn Tiếng Anh. Cô nói đằng cô, trò hiểu đằng trò…

Những buổi học sau đó, cô Ngà vất vả tìm những phương pháp dạy tốt nhất, thường xuyên làm mới đồ dùng học tập và các tự chế giáo cụ giảng dạy, tổ chức nhóm học tập và giao tiếp, hát bằng tiếng Anh. Dường như công sức ấy của cô cũng có kết quả tốt, học trò thích lắm mỗi khi được học môn tiếng Anh là một chủ đề khác nhau mà cô giáo luôn có đồ dùng cho trò dễ nhớ, dễ thuộc.

“Ngày ấy, tôi khóc nhiều lắm vì xa người thân, xa gia đình và là cô giáo miền xuôi ngược núi, nhà cửa thưa thớt, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề. Nhưng chỉ hai tháng sau, khi tôi được làm quen với học sinh, được gần gũi với các trò, tôi lại thấy thú vị bởi học sinh miền núi thật dễ mến, dễ gần và rất thương cô giáo. Từ đó, tôi lại thêm yêu nơi này, và những thứ lạ đã thành quen”.

Người dân nơi đây rất thương mến các thầy cô giáo. Mỗi ngày lễ, tết, bà con tổ chức chương trình văn hóa văn nghệ, lại mời các cô giáo tham dự, ngồi ở vị trí trang trọng nhất. Đi đâu, bà con gặp cô giáo cũng cười tươi hỏi han, động viên khiến tình cảm ngày càng gắn kết. Có lẽ chính vì gắn bó hơn với nhân dân, cô Ngà lên Lào Cai không lâu thì đây đã trở thành quê hương của mình khi cô lập gia đình, sinh con tại đây.

“Giờ, Lào Cai đã thay đổi nhiều lắm, nhà cửa san sát, học trò bạo dạn hơn và càng ở lâu càng thấy người dân nơi đây thật tình cảm, luôn trân trọng các thầy cô giáo. Tôi đã không còn muốn về xuôi như trước đây nữa rồi” – cô Ngà vừa tâm sự vừa cười tươi như nhớ lại những kỉ niệm thời mới bước vào nghề.

… đến giáo viên tiêu biểu nhận bằng khen của Bộ trưởng

Gần 20 năm gắn bó với nghề, cô giáo Ngà đã quá quen thuộc với thị trấn phố Lu. Chừng ấy thời gian, bằng khen, giấy chứng nhận thành tích các cấp của cô cũng nhiều hơn. Được bạn bè, đồng nghiệp tin tưởng nên cô càng có động lực để cố gắng.

Từ công tác phát hiện, hiểu được tâm lí và nắm bắt được thực trạng dạy và học kĩ năng nói Tiếng Anh của học sinh miền núi, cô Ngà đã sáng kiến đưa ra một số các giải pháp nhằm khích lệ, động viên các em tham gia thực hành nói tiếng Anh mọi thời gian, mọi hoạt động, khuyến khích các em thành lập các nhóm, các câu lạc bộ để phát triển khả năng giao tiếp, từ đó giúp các em tự tin hơn khi giao tiếp bằng ngôn ngữ này.

Sáng kiến của cô giáo Ngà đã quan tâm đúng mức đến việc tạo tâm lý tích cực, niềm say mê đối với bộ môn Tiếng Anh cho học sinh - một yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến kết quả dạy và học; đề cao việc tự học, tự nghiên cứu của học sinh; đưa ra các giải pháp giúp giáo viên dạy nói Tiếng Anh những kỹ năng cần thiết và quan trọng, đồng thời giúp học sinh tự tin hơn, năng động hơn khi giao tiếp bằng Tiếng Anh.

Mỗi giải pháp cô Ngà nêu ra đều có ví dụ minh họa được lấy từ chính thực tế giảng dạy của bản thân, từ bài làm của học sinh.

Sau khi tiến hành áp dụng từ lý thuyết đến thực hành, cô Ngà vui mừng thấy kỹ năng nói của học sinh đã biến chuyển rõ rệt. Hiện tại không còn học sinh nào trong hai lớp 7A1, 7A2 không có khả năng nói trước tập thể. Học sinh trước còn hạn chế, nay đã tự giới thiệu được các thông tin về cá nhân, về trường lớp. Học sinh khá giỏi đã có khả năng giao tiếp với người nước ngoài qua các hoạt động trải nghiệm. Hơn thế nữa mỗi nhóm đã biết tổ chức luyện thi nói theo đúng bố cục của bài thi nói để giúp nhau cùng tiến bộ.

Mới đây, cô Ngà vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tuyên dương các nhà giáo, học sinh tiêu biểu. Cô chia sẻ: “Tôi cảm ơn sự động viên của đồng nghiệp, và quan trọng nhất là chỗ dựa vững chắc của người bạn đời, đồng hành, giúp tôi vượt mọi khó khăn. Anh là chỗ dựa luôn ủng hộ và tạo niềm tin cho tôi sáng tạo không ngừng. Hàng năm, gia đình tôi vẫn nhận được giấy chứng nhận gia đình hiếu học, tôi rất tự hào về gia đình của mình".

Sắp tới, cô Ngà được nhận học bổng tham quan học tập kinh nghiệm giảng dạy môn tiếng Anh tại Singapore. Cô rất háo hức với mong muốn được đi để học hỏi, để về truyền đạt lại cho học sinh: “Chắc các em thích lắm vì học sinh miền núi tài liệu, môi trường tiếp xúc với ngôn ngữ này còn hạn chế. Tôi sẽ cố gắng tận dụng cơ hội này để "ruyền lửa" cho các em học sinh của mình" – cô Ngà chia sẻ.

Tác giả bài viết: Ngọc Trang

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP