Giáo dục

Cô giáo không thể thành... chủ nợ

Tâm sự của những người làm thầy, làm cô tự ví mình như “người đi đòi nợ” học trò với danh sách dài các khoản thu làm hàng trăm bạn đọc bức xúc, chia sẻ...


Tại sao thầy cô phải “lãnh trách nhiệm" đi đòi các loại tiền: học phí, quỹ cha mẹ học sinh, bảo hiểm y tế, tiền quỹ lớp, quỹ đội,…?

Sao thầy cô giáo, những người theo đúng lẽ là người truyền đạt kiến thức cho học trò lại phải kiêm thêm việc là “cánh tay nối dài” cho phòng tài vụ? Để rồi khi có thất thoát hay sai sót nào đó xảy ra, họ lại phải đứng ra chịu trách nhiệm cho một nhiệm vụ bất đắc dĩ và hoàn toàn nằm ngoài chuyên môn của mình.

Đó là chưa kể ở một số trường, việc thu và nộp đúng hạn các khoản cũng là một trong các tiêu chí… xét thi đua, đánh giá thầy cô.

Một giáo viên ở Hậu Giang tâm sự: "Tôi là một giáo viên chủ nhiệm (GVCN), đã và đang gánh trách nhiệm đòi tiền học, tiền bảo hiểm, tiền sổ liên lạc điện tử... Giờ học, giờ sinh hoạt phải nhắc đi nhắc lại học sinh đóng tiền suốt. Riết rồi thấy mình giống đi đòi nợ thuê, nhưng không biết kêu ai. Lớp còn học sinh chưa đóng thì họp sẽ bị hiệu trưởng phê bình, đánh giá năng lực thu tiền kém".

Để giáo viên thu tiền là không đúng chuyên môn

Thầy Trương Quang Ngọc, hiệu trưởng THCS-THPT Lạc Hồng (Q.12, TP.HCM) kể cách đây vài năm, khi còn là GVCN, thầy cũng được giao nhiệm vụ thu tiền học phí của lớp và cảm thấy “rõ ràng việc này ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến tiếng nói, uy tín của người đứng trên bục giảng”.

ThS. Lê Hoàng Giang, giảng viên Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh tuyệt đối phải dựa trên nền tảng kiến thức, nếu dính dáng đến tiền nong sẽ có những cái nhìn không hay. Khi học sinh đóng tiền trễ, dĩ nhiên giáo viên phải nhắc nhở, thúc giục để không bị nhà trường đánh giá, lúc này, uy tín, sự trân trọng người làm thầy, làm cô trong mắt học trò cũng bị lung lay ít nhiều.

Thầy Phú Vinh, một giáo viên dạy Toán ở TP.HCM cho biết mình không đồng tình với việc bắt GVCN phải thu các khoản phí, quỹ... vì đó không phải là việc của người thầy giáo.

“Người giáo viên phải được làm đúng chuyên môn của mình, Bất kỳ sự điều động hay yêu cầu giáo viên làm công việc gì khác cũng phải được sự đồng ý của họ, không thể bắt ép. Tôi phản đối chuyện bắt giáo viên phải thu tiền, thu phí”, thầy Vinh nói.

Về vấn đề phân công công việc, ThS Lê Hoàng Giang cho rằng Ban giám hiệu nhà trường không nên đẩy công việc của những bộ phận khác vào tay giáo viên. Áp lực chuyên môn của giáo viên đứng lớp đã không nhỏ, nay lại phải lo lắng thêm việc thu, giữ, ghi chép, nhắc nhở chuyện phí, quỹ… thì sẽ rất nặng nề cho họ.

“Phụ huynh chậm đóng phí, quỹ vì những lý do nào đó để rồi giáo viên không nộp lại tiền đúng hạn và nhà trường lấy đó làm một trong các tiêu chí đánh giá giáo viên là sai hoàn toàn”, ông Giang nói.

Vì sao không để phòng kế toán, tài vụ làm?




NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) bày tỏ sự chia sẻ với những tâm tư của người thầy, người cô khi phải làm công việc đôn đốc, thu phí, quỹ.

“Giáo viên mong muốn tập trung toàn tâm toàn ý vào chuyên môn, không dính dáng đến tiền nong là nguyện vọng hết sức chính đáng”, ông Lâm nói.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, ở góc độ quản lý, nhà trường cũng mong có sự chia sẻ của giáo viên trong vấn đề này bởi thực tế cho thấy khi các bộ phận khác như văn phòng, kế toán-tài vụ nhắc nhở việc đóng học phí thì lại không hiệu quả bằng khi giáo viên làm.

“GVCN có uy tín, tiếng nói hơn với phụ huynh. Do đó có trường hợp bộ phận văn phòng nhắc nhiều lần không được nhưng GVCN chỉ cần lên tiếng thì phụ huynh liền mang tiền đến đóng. Để giáo viên tham gia vào việc thu phí là chuyện không mong muốn nhưng trong điều kiện hiện tại, nhà trường vẫn mong GVCN chia sẻ vì công việc chung, nếu không thì các khoản thu của trường trì trệ, dẫn đến những khó khăn khác”, ông Lâm nói.

Tuy vậy, TS Nguyễn Tùng Lâm vẫn mong muốn trong tương lai sẽ có cơ chế tốt hơn để giáo viên không phải nặng lòng với những chuyện này nữa.

Không nhắc tên học sinh đóng tiền trễ trên lớp

Theo các chuyên gia, nếu phụ huynh đóng trễ, bộ phận kế toán, giám thị nên gọi điện nhắc nhở trực tiếp với phụ huynh, thay vì phải thông qua GVCN hay nhắc trực tiếp trên lớp.

“Nhắc nhở học sinh đóng tiền học phí trễ trên lớp, trước mặt các học sinh khác là việc làm không không nên. Làm như vậy có thể ảnh hưởng đến tinh thần của các em”, thầy Trương Quang Ngọc lưu ý.

Đồng tình, ThS Lê Hoàng Giang cho rằng hành động nhắc nhở một em học sinh nào đó đóng học phí trước tập thể có thể gây mặc cảm lớn trong lòng các em. Từ chuyện bị nhắc đóng học phí muộn, có thể em sẽ cảm thấy bị động chạm đến hoàn cảnh, dẫn đến việc tự ti, tiếp thu kém hay thậm chí là không dám đến lớp vì xấu hổ.

Bên cạnh đó, ông Giang cho rằng nhà trường cũng nên có sự thống nhất với phụ huynh về phương án thu tiền học phí như thế nào (thu một lần hay chia ra nhiều đợt), bố trí thời gian linh động và tạo điều kiện để phụ huynh đóng học phí đúng hạn theo khả năng của mình.

Tác giả bài viết: VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP