Người phụ nữ ấy là bà Bùi Thị Gián, năm nay 81 tuổi, đang sinh sống ở khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội. Bà Gián xin Vân từ bệnh viện về, trao em bé còn đỏ hỏn cho em gái mình, là bà Bùi Thị Bảy, một giáo viên nghỉ hưu không chồng, không con. Bùi Thị Hà Vân lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của những người phụ nữ không cùng huyết thống, cho đến một ngày, trái tim cô mách bảo, cô phải đi tìm mẹ đẻ của mình.
“Tôi không biết tên của mẹ”
Khi Vân về với gia đình mẹ nuôi, bà Bùi Thị Bảy đã ngoài 50 tuổi, nghỉ hưu. Bà Bảy yêu thương Vân hết mực và không bao giờ nói với Vân rằng cô không phải con do bà sinh ra. Năm Vân học lớp 11, bà Bảy mắc bệnh, ốm yếu rồi qua đời. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, bà nói với bà Gián, chị gái mình rằng cố gắng thương yêu, chăm sóc Vân thay bà.
“Ngày còn nhỏ, khi tôi nghe chúng bạn trêu chọc, rồi hàng xóm người này người kia nói tôi chỉ là con nuôi, tôi không nghi ngờ gì hết, vì mẹ Bảy luôn yêu thương tôi vô cùng, bà cũng mắng luôn những ai nói tôi là con nuôi. Nhưng sau khi mẹ Bảy mất, bác Gián tôi đã nói hết sự thật", Vân bộc bạch.
Cô gái trẻ trải lòng: “Bác tôi ngày càng già yếu. Bác bảo không biết mình khi nào chết, trước khi chết chỉ mong tôi tìm được máu mủ để mẹ con, chị em gặp nhau, để tôi có chỗ dựa, ít nhất về mặt tinh thần”.
Bà Bùi Thị Gián là người đón Bùi Thị Hà Vân từ Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa từ tay người mẹ trẻ bất hạnh không đủ điều kiện nuôi con vào năm 1993. Tuy nhiên, ngày đó, người phụ nữ còn rất trẻ sau khi trao đứa con mình dứt ruột đẻ ra cho một người xa lạ không hề để lại bất cứ một kỷ vật gì, thậm chí chỉ là một cái tên.
“Bác Gián tôi chỉ nhớ rằng, đó là một ngày cuối năm 1993, mẹ đẻ tôi khi đó chừng ngoài 25 tuổi. Ngoài tôi, bên cạnh mẹ còn có một bé gái, là chị gái ruột của tôi, khi đó chừng 4 - 5 tuổi. Lúc bác Gián tôi đến bế tôi khỏi tay mẹ, chị ấy cứ khóc ngằn ngặt và hét lên: “Không được mang em đi”. Thế nhưng, một cô y tá chạy đến và bảo, “mẹ cháu khó khăn lắm, không nuôi cả hai chị em được, nếu em không đi thì cháu phải đi”. Mẹ đẻ tôi khóc như mưa, chỉ nói mấy câu với bác Gián tôi, đại ý rằng trăm sự nhờ chị trông nom cháu”, Bùi Thị Hà Vân bồi hồi kể lại câu chuyện của mình.
“Không biết bây giờ mẹ có khỏe không”
Năm Vân học lớp 11, mẹ nuôi cô gặp bạo bệnh rồi qua đời. Các chú bác nuôi cũng đều lớn tuổi, Vân một mình sống trong căn nhà nhỏ ở thôn Viên Hỷ, xã Định Hưng, huyện Yên Định, Thanh Hóa, mái nhà có bao nhiêu kỷ niệm của cô và người mẹ nuôi sớm hôm tần tảo. Vân không đói ăn, không thiếu mặc vì có bác Gián và các chú cô khác cho tiền, cho gạo.
Tuy nhiên, nhiều đêm thao thức trong căn nhà lạnh lẽo phảng phất mùi nhang khói, cô thấy mình cô đơn, lạc lõng, không biết mình là ai, mẹ đẻ mình nơi đâu, chị gái mình hiện giờ có cuộc sống ra sao.
Vân nuốt nước mắt, cố gắng học hết cấp 3 tại Trường THPT Yên Định 1, Thanh Hóa, sau đó thi đỗ vào Trường CĐ du lịch Hà Nội. Những năm gần đây, bác Gián của Vân theo các con ra Hà Nội sinh sống (tại khu đô thị Văn Quán), do đó đón Vân về chung sống cùng để cháu gái đỡ buồn tủi.
Cô gái trẻ 24 tuổi đến hôm nay đã có một công việc tạm thời ổn định, có thu nhập đủ nuôi sống bản thân vẫn khao khát tìm được mẹ ruột, chị ruột để giải đáp một câu hỏi bấy lâu trăn trở trong mình: “Mẹ đẻ của tôi đang nơi đâu?”.
Vân bộc bạch: “Tôi không hề oán trách mẹ tôi. Chỉ vì mẹ khổ quá, không nuôi được tôi nhưng mẹ đã gửi tôi cho một gia đình rất tốt, ai cũng chăm sóc, yêu thương tôi, đến tận ngày hôm nay. Nhưng một giọt máu đào hơn ao nước lã, con người phải biết nguồn cội của mình ở đâu. Tôi muốn tìm thấy mẹ, để ôm mẹ, khóc trong lòng mẹ. Ngày trao tôi cho người khác, mẹ rất khó khăn, không biết bây giờ mẹ có khỏe không?”.
Suốt thời gian qua, Bùi Thị Hà Vân đã nhờ người quen tìm kiếm thông tin trong Bệnh viện phụ sản thành phố Thanh Hóa, nhiều người gợi ý Vân có thể nhờ chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly giúp đỡ, nhưng cái khó khăn nhất, Vân không biết tên mẹ, tên chị gái là gì, một tấm ảnh, một đặc điểm khuôn mặt, hình dáng... của mẹ, của chị, Vân cũng không hay biết. Đến ngày sinh của Vân, 24.12.1993 cũng chỉ do mẹ nuôi tự đặt trong giấy khai sinh, không phải ngày sinh chính xác của Vân.
“Nhưng còn hi vọng, tôi còn ước mơ. Tôi nghĩ rằng mẹ tôi, chị tôi bây giờ cũng đang nóng lòng muốn gặp lại tôi, nhưng mọi người không biết tôi đang nơi đâu. Xin hãy giúp tôi tìm mẹ, tìm chị của mình”, Vân mong mỏi...
Tác giả bài viết: Thúy Hằng
Nguồn tin: