Trang Ha cùng trò chuyện với ông Roger Young, điều phối viên của Tổ chức bảo vệ quyền lao động người khuyết tật Americans with Disabilities Act, ở trường đại học Ảnh chụp màn hình Youtube/University Arkansas – Fort Smith
Trang tin của Trường ĐH Arkansas Fort Smith (UAFS), bang Arkansas, Mỹ, ngày 1.12, giới thiệu một tấm gương của trường khiến nhiều người ngưỡng mộ. Đó là cô gái người Việt có tên là Trang Ha.
Khi Trang Ha đến sống ở thành phố Fort Smith (bang Arkansas, nước Mỹ) vào năm 2012, cô cảm thấy cô đơn và cảm giác như mất tất cả. Với đôi mắt bị mù hoàn toàn, cô gái nhỏ như chơ vơ ở một đất nước xa lạ, với những người xung quanh nói ngôn ngữ mà cô không sao hiểu nổi.
Vậy mà 4 năm sau đó, nơi xa lạ ấy trở thành ngôi nhà thân thuộc của Trang. Với nghị lực mạnh mẽ cùng sự giúp đỡ của mọi người, Trang là sinh viên nổi bật với điểm trung bình môn GPA 4.0 (mức điểm cao nhất tính theo thang điểm 4) cuối năm học đầu tiên tại Trường ĐH Arkansas Fort Smith (UAFS).
Hành trình để Trang trở thành sinh viên với số điểm trung bình đó không hề dễ...
Vật lộn với tiếng Anh
Trang và em gái bị mù bẩm sinh và lớn lên ở Bình Dương. Năm 2012, khi Trang 19 tuổi, cô cùng gia đình được ông bảo lãnh sang Mỹ và sống ở thành phố Fort Smith.
Và khi ở đất nước mới, Trang hoàn toàn bị lạc lõng với một nơi xa lạ về văn hóa, ngôn ngữ,... mọi thứ xung quanh cô. Và tiếng Anh là một trong những thứ khiến Trang cảm thấy khó khăn nhất khi ở Mỹ.
Khi còn ở Việt Nam, Trang đã phải vật lộn để đọc chữ braille trong khi làm bài tập về nhà.
Trang kể: “Hầu như ngày nào về nhà tôi cũng khóc vì tôi đã chẳng hiểu gì ở trường. Tôi được học ở trong lớp với rất đông bạn bè nhưng tôi cảm giác như chỉ có một mình ở đó”.
Nhưng không vì thế mà cô gái này bỏ cuộc.
Trang là người ghét cái cảm giác ngồi không. Khi trong nhà cúp điện, buồn quá cô lại đi tìm nhiều đồ lặt vặt quanh nhà để làm màn cửa. Trang còn biết nấu nhiều món ăn nhờ những lần giúp các cô nấu bếp, chuẩn bị bữa ăn ở trường lúc còn nhỏ.
Mới đầu, giáo viên tiếng Anh của Trang phải dùng Google dịch để nói chuyện với cô. Họ gõ từng chữ tiếng Anh trên điện thoại của cô và cho phát âm bằng tiếng Việt. Đến khi Trang hiểu được chút ít tiếng Anh thì cô có thể nói chuyện với giáo viên trực tiếp mà không phải dùng điện thoại nữa.
Mỗi học kỳ mới, Trang Ha phải cố nhớ từng con đường tới lớp và mò mẫm đi Ảnh chụp màn hình Youtube/University Arkansas - Fort Smith
Đặt mục tiêu học đại học
Năm đầu tiên ở Mỹ đối với Trang rất khó khăn. Nhưng cô dần dần hiểu được tiếng Anh và cô tốt nghiệp trung học năm 2014. Sau đó, cô lại đặt mục tiêu đi học đại học.
Trang đã mất 6 tháng để học lớp sử dụng máy tính và các công nghệ khác ở gần nơi cô sống. Năm tiếp theo, cô quyết định đăng ký vào Trường đại học UAFS. Ở đây cô gặp ông Roger Young, điều phối viên của Tổ chức bảo vệ quyền lao động người khuyết tật ADA (Americans with Disabilities Act) làm việc tại Trường đại học UAFS.
Ông Young đã đánh giá mức độ khuyết tật của Trang và quyết định nơi cô sẽ được gửi đào tạo phù hợp với khả năng của cô ở Trường UAFS. Ở căn phòng cô được gửi tới, người ta tạo điều kiện cho cô làm các bài kiểm tra và có các thiết bị giúp cô ghi chép.
Cùng với dịch vụ hỗ trợ cho người khiếm thị ở thành phố Fort Smith do ông Young hợp tác, Trang được cung cấp khóa đào tạo về di động và xu hướng mới. Cô còn được cung cấp các thiết bị ứng dụng đặc biệt để có thể hoàn thành những năm học đại học của mình.
Trang đã phải mất một tháng để nhớ được những con đường tới lớp. Cô dùng gậy của mình để định hướng và lắng nghe các âm thanh trên đường. Và khi bắt đầu năm học mới, cô đã dễ dàng đi bộ tới trường.
Ở học kỳ đầu tiên, Trang chỉ đăng ký một môn học. Học kỳ sau đó, cô lại thong thả đăng ký hai môn học. Sau khi kết thúc năm học đầu tiên với số điểm trung bình GPA 4.0, cô lại tiếp tục đăng ký bốn môn học khác trong học kỳ mùa thu năm 2016.
Mỗi học kỳ cô phải đối mặt với thử thách mới, đó là cô phải nhớ những con đường mới để tới lớp. Cô phải tự tìm tài liệu bằng chữ braille, phải tập làm quen với nơi học mới.
Ông Young tin rằng Trang sẽ thành công, mặc dù có rất nhiều khó khăn.
Ông nói: “Cô ấy là tấm gương tuyệt vời! Là mẫu người muốn học đại học và biến nó thành sự thật nhờ ý chí mạnh mẽ. Không chỉ vậy, cô ấy rất thông minh và tài năng. Mọi thứ cô muốn, cô nỗ lực hết mình để có được và tôi nghĩ cô ấy sẽ tiếp tục thành công”.
Tác giả bài viết: Minh Quyên
Nguồn tin: