Câu chuyện được chia sẻ trên diễn đàn sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân, cô gái bày tỏ sự thất vọng khi trong một ngày bạn trai có 3 lần khi trả tiền đều tính đếm từng nghìn đồng tiền lẻ. Cho rằng chàng trai sân si, cô gái quyết định không tiếp chuyện nữa.
(Ảnh minh họa: Phạm Minh Tài) |
Câu chuyện như sau:
“Em năm nhất, có một anh năm bốn bên tán em, nói sơ qua thì ngoại hình anh cũng ổn, cũng cao, không béo không gầy, về học thức thì anh này năm cuối nhưng vừa làm vừa học, cũng tự kiếm được tiền để chi trả cho việc ăn học của anh ở trên này.
Anh ấy mới làm quen em một tháng trước và hôm chủ nhật vừa rồi là lần đầu tiên 2 đứa đi chơi với nhau. Đầu tiên là 2 đứa đi ăn cơm, em sẽ bỏ qua đoạn ăn cơm mà đến đoạn thanh toán luôn.
Lúc thanh toán hết 178 nghìn đồng, em thấy anh ấy đưa 180 nghìn đồng xong em nghĩ là thôi 2 nghìn lấy làm gì vì bạn nhân viên kêu không có tiền lẻ, chờ tí bạn ấy đi lấy tiền lẻ trả cho. Vậy mà anh ấy đứng đấy, chờ trả 2 nghìn bằng được xong còn bảo “bạn nhanh giúp mình nhé, mình đi có việc bây giờ”.
Ôi dào, bận thế thì thôi cho người ta 2 nghìn rồi đi cho xong. Sau khi lấy xong 2 nghìn còn thừa, 2 đứa lại đi uống trà sữa. Uống trà sữa thì có mình em mua uống thôi, hết 49 nghìn đồng.
Anh ấy đưa 50 nghìn, bạn nhân viên kêu không có tiền lẻ trả lại, em thì nghĩ là thôi chuẩn bị lên rạp chiếu phim rồi, phim sắp chiếu rồi còn chưa mua vé, đi cho nhanh, vậy mà anh ấy còn hỏi “bạn có 5 nghìn không, mình có 4 nghìn nữa này”.
Rút tiền trong ví 2 tờ 2 nghìn đưa thêm, người ta đành trả lại anh 5 nghìn xong lại còn trách là “các bạn bán lẻ như này thì nên chuẩn bị tiền lẻ để trả khách chứ”.
Đã muộn thì chớ, phi thẳng đến rạp chiếu phim, mua vé xong mua bỏng, hình như lại thừa 2 nghìn tiếp, hình như người ta vội làm nên quên trả. Em mới bảo thôi anh vào luôn rạp xem cho nhanh. Vậy mà anh ấy vẫn cố với ra “bạn ơi mình còn thừa 2 nghìn nữa”.
Bạn nhân viên mới xin lỗi xong gửi lại anh ấy 2 nghìn. Người ta có câu “quá tam ba bận”, 3 lần trong 1 ngày thấy khó chịu vì một việc ấy làm em đi xem cũng mất cả vui. Đến lúc đưa em về tới phòng em nói thẳng luôn là:
“Anh bỏ cái tính sân si mấy đồng tiền lẻ đi, người ta làm được mấy đâu cho người ta 1,2 nghìn thì đáng là gì mà anh cứ sân si. Thời gian đòi 1,2 nghìn đó anh đi làm nhiều việc khác có phải hay hơn không”.
Xong anh ấy bảo: “Người ta có công ăn việc làm, có người trả lương cho người ta rồi, anh lấy mấy đồng lẻ ấy sau này cho người vô gia cư với ăn xin. Cũng là cho nhưng cho như vậy có phải hay hơn không?”.
Em không thèm nói chuyện với anh ấy nữa, cứ thích lý sự cùn, có khi anh ấy đòi 1,2 nghìn như vậy nên mới có tính để dành tiền ăn học được hay sao ấy.
Có ai thấy khó chịu như em không, dân kinh tế mà không biết làm kinh tế gì cả. Thời gian ấy đầu tư làm việc khác, bỏ qua mấy đồng tiền lẻ ấy có phải em với anh ấy vui hơn rồi không. Giờ em không tiếp chuyện anh ấy nữa”.
|
Câu chuyện của cô gái nhanh chóng thu hút sự chú ý, nhiều ý kiến được đưa ra. Phần lớn mọi người đều cho rằng cô gái trong câu chuyện suy nghĩ đơn giản, không biết quý trọng đồng tiền.
Bạn Thanh Vy viết: “Chỉ mấy đồng lẻ thôi nhưng đối với những người vô gia cư thì nó quý giá lắm, còn những nhà hàng sang trọng họ cũng chả thiết gì, vậy tại sao lại không để những đồng lẻ đó phát huy được giá trị của nó. Bạn vốn dĩ đã không biết coi trọng đồng tiền mà đi chơi với người ta, người ta đã trả hết rồi còn này nọ”.
Thùy Dung khá nặng lời: “Em gái chắc chưa đi làm, chưa tự kiếm tiền nên không quý trọng đồng tiền nhỉ. Tiền của mình thì dù là 1 hay 2 nghìn lẻ cũng vẫn phải nhận lại.
Bạn trai em đúng khi bạn ấy lấy lại tiền của bạn ấy và để dành cho những người ăn xin. Em cứ tinh vi tiêu tiền mà bỏ qua những đồng lẻ của chính bản thân thì nghèo suốt đời thôi em. Anh bạn trai đó nên tránh xa em mới đúng”.
“Mình cũng hay chờ người ta trả lại 1,2 nghìn tuy nhỏ nhưng có thể dùng vào việc khác, trả tiền gửi xe trả hạn, hoặc là cho người vô gia cư. Bạn nữ làm thế là quá đáng, đáng lẽ hãy khen bạn nam đó chứ không phải là đi chỉ trích”, Lightsea Nguyễn bình luận.
Ảnh: NEU Confessions
Tác giả: Kim Bảo Ngân
Nguồn tin: Báo Dân trí