Hai cổ đông lớn của Apple đã bày tỏ sự lo ngại về việc iPhone có thể gây nghiện và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em và yêu cầu Apple phải tiến hành nghiên cứu về vấn đề này.
Cụ thể trong một bức thư được gửi đến cho Apple, hai cổ đông lớn của Apple là Jana Partners LLC và CalSTRS đã kêu gọi Apple tạo ra những công cụ để giúp cha mẹ hạn chế quyền truy cập iPhone của trẻ em. Hai cổ đông này cũng yêu cầu Apple tiến hành nghiên cứu những tác động của việc sử dụng iPhone lên sức khỏe tâm thần của trẻ em.
Việc trẻ em quá “nghiện” iPhone cũng đang khiến các cổ đông của Apple lo lắng |
“Có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng đối với những người trẻ thường xuyên sử dụng iPhone có thẻ dẫn đến những hậu quả tiêu cực không chủ ý”, bức thư của cổ đông gửi cho Apple có đoạn viết. “Vấn đề trầm cảm trong xã hội ngày càng tăng có thể ảnh hưởng đến cả Apple. Giải quyết vấn đề này là cách để tăng cường giá trị lâu dài cho các cổ đông”.
Được biết hiện Jana Partners LLC và CalSTRS đang nắm giữ cổ phần trị giá khoảng 2 tỷ USD tại Apple.
Phát ngôn viên của Apple đã từ chối đưa ra bình luận về yêu cầu của các cổ đông.
Vấn đề nhạy cảm
Trên thực tế vấn đề “gây nghiện” của smartphone với giới trẻ là một vấn đề nhạy cảm từng được nhắc đến từ lâu. Một vấn đề chung của các công ty công nghệ đó là tạo ra một sản phẩm khiến giới trẻ quá yêu thích, chẳng hạn như Facebook với Snapchat cũng từng nhiều lần là tâm điểm của dư luận vì giới trẻ đã quá “nghiện” những sản phẩm của 2 công ty.
Với smartphone, chính phủ nhiều quốc gia và các hãng sản xuất cũng đang tìm cách để hạn chế khả năng “gây nghiện” của sản phẩm với giới trẻ. Chẳng hạn tại Pháp đã ban hành lệnh cấm sử dụng smartphone tại các trường tiểu học và trung học. Nhiều hãng sản xuất smartphone cũng đã trang bị tính năng cho phép phụ huynh hạn chế khả năng sử dụng smartphone của con em mình.
Apple cũng đã trang bị một số tính năng cho phép phụ huynh quản lý sử dụng smartphone, chẳng hạn tính năng “Ask to Buy” sẽ yêu cầu sự xác nhận của phụ huynh để mua một mặt hàng nào đó trên mạng. Apple cũng trang bị một số tính năng để hạn chế truy cập các ứng dụng, nội dung... trên iPhone.
Tuy nhiên với nhiều người dường như Apple vẫn làm chưa đủ, nhất là khi “quả táo” vẫn đang tiếp tục kiếm ra được rất nhiều tiền từ iPhone và thị trường di động. Phải chăng “quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn” nên Apple phải luôn đi đầu trong việc hạn chế khả năng “gây nghiện” của smartphone?
Tác giả: T.Thủy
Nguồn tin: Báo Dân trí