Những ngày qua, cư dân mạng dành nhiều thời gian và sự quan tâm đặc biệt cho đoạn clip ngắn Tôi vẫn ở đây, không bỏ bà đi đâu... của vợ chồng người cao tuổi quê An Giang.
Đoạn clip này có thời lượng khoảng một phút, ghi lại cảnh một cụ ông và một cụ bà nằm trên hai giường bệnh sát nhau. Dù mệt mỏi, cụ ông vẫn đưa tay tìm và nắm lấy tay cụ bà. Cụ bà gần như mê man nhưng vẫn cố gắng nhúc nhích đôi chân, cố trở mình về hướng cụ ông. Cụ ông tựa như hiểu được điều cụ bà mong muốn nên vuốt ve đôi bàn tay còm cõi và nhẹ nhàng an ủi: “Tôi vẫn ở đây, không bỏ bà đi đâu...”.
Xung quanh hai cụ, con cháu luôn túc trực, tận tình chăm sóc. Theo tìm hiểu của PV, đoạn clip ngắn này được đăng tải trên trang cá nhân của chị Đặng Vân Anh, hiện đang sống tại TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang). Chỉ một thời gian ngắn, đoạn clip đã thu hút gần 1 triệu lượt người xem cùng vô số lượt chia sẻ, bình luận.
Được biết, hai cụ già trong đoạn clip chính là ông bà nội của chị Vân Anh. Chị Vân Anh quay lại cảnh này khi hai ông bà nằm cạnh nhau trong bệnh viện. Khi biết thông tin này, cư dân mạng ngưỡng mộ cho rằng sự quan tâm, yêu thương của hai ông bà mới thật là tình yêu vĩnh cửu. Lớp trẻ hiện đại cần nhìn vào tình yêu ấy để trưởng thành hơn, bớt ích kỷ đi và quan tâm mọi người nhiều hơn.
Trên giường bệnh cụ ông vẫn nắm chặt tay vợ.
Chị Vân Anh chia sẻ: “Lúc đến bệnh viện thăm ông bà, tôi thấy cảnh ông nắm tay bà an ủi, xúc động quá nên quay lại làm kỷ niệm. Sau đó, tôi đưa đoạn clip lên trang cá nhân để họ hàng, con cháu trong nhà xem. Không ngờ, đoạn clip được cộng đồng mạng yêu thích và chia sẻ nhiều đến thế. Tôi tự hào khi thấy tình yêu của ông bà được người dân ngưỡng mộ”.
Chị Vân Anh thông tin, cụ ông tên Đặng Văn Hy, năm nay 92 tuổi, còn cụ bà là Trần Thị Thảo, 91 tuổi. Hơn một tháng trước, cụ Hy vào bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang để điều trị bệnh phổi và tiểu đường. Ông nằm viện được hơn 3 tuần thì bà cũng nhập viện với triệu chứng phình động mạch chủ.
Lúc chưa nhập viện, ngày nào, ông bà cũng có nhau. Thế nên, lúc nằm viện, ông cứ luôn miệng nói nhớ bà, muốn gặp bà. Khi ông nằm viện được hơn 3 tuần, do không gặp được bà nên cảm thấy bất an. Con cháu đến thăm phải báo cáo tình hình sức khỏe của bà thì ông mới an lòng.
Sau đó 3 tuần, bà nhập viện. Gia đình xin cho ông bà nằm chung phòng. Theo tìm hiểu của PV, chỉ sau 3 ngày nhập viện, bà đã bỏ ông mà đi. “Biết tin bà mất, ông mặc dù đau đớn lắm nhưng nằm im, không nói lời nào. Nhưng rồi chợt hiểu ra điều gì, ông nghẹn ngào nói lời từ biệt vợ: “Bà có theo tổ tiên cho đỡ đau thì bà đi, tới giờ phút này mà tôi không tiễn bà được. Bà thông cảm cho tôi nghe bà”. Nghe ông nói, con cháu đều rớt nước mắt”, chị Vân Anh kể lại.
Mối tình 70 năm thủy chung
“Khi gia đình đưa bà về nhà để an táng, vài tiếng đồng hồ sau, ông nói với chúng tôi là muốn về với bà. Thế nhưng, lúc đó, ông đang phải truyền máu nên không thể ra viện. Chúng tôi hứa khi nào ông khỏi bệnh, con cháu sẽ đặt cho ông một bàn trà bên cạnh mộ bà để mỗi ngày ông bà trò chuyện cùng nhau. Nghe vậy, ông mới chịu ăn uống.
Mấy ngày qua, sức khỏe ông đã ổn định phần nào”, chị Vân Anh kể. Không chỉ con cháu, người dân xã Vĩnh Chánh (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đều ngưỡng mộ chuyện tình đẹp hơn cả cổ tích của hai cụ.
Bà Nguyễn Kim Hoa (60 tuổi, ngụ xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết: “Người ở đây ai cũng biết tình cảm sâu nặng của hai ông bà Hy-Thảo dành cho nhau. Trước đây, dù tuổi cao sức yếu, đi đâu, ông Hy cũng chở bà Thảo bằng xe đạp. Già cả vậy đó mà họ còn tình cảm lắm”.
Hình ảnh thường ngày của hai vợ chồng.
Chị Vân Anh nói với PV, theo lời kể của người lớn trong nhà, ông bà nội chị đến với nhau bằng tình cảm chân thành, chứ không thông qua mai mối như rất nhiều cặp vợ chồng thời đó. Bà nội là tiểu thư con một ông xã trưởng, xinh đẹp, được nhiều chàng trai dòm ngó, đến hỏi. Tuy nhiên, bà chỉ đem lòng yêu thương và chấp nhận làm vợ ông, một cậu học trò nghèo.
Thời trẻ, ông bà chị đều tham gia cách mạng chống Pháp, chống Mỹ. Trước những khó khăn, thăng trầm, ông bà vẫn dành cho nhau tình cảm sâu nặng. Sau giải phóng, ông về làm ở UBND xã Vĩnh Chánh, bà ở nhà nuôi dạy các con và chăm lo cho gia đình.
Sống với nhau 70 năm, ông bà có với nhau 6 người con, ai cũng học hành, thành đạt. Nhà cửa thuận hòa, ông bà có những ngày an nhiên ở tuổi xế chiều. Những năm tháng bước sang tuổi 90, sức khỏe hai ông bà ngày càng giảm sút. Trí nhớ bà không được tốt như ngày trước nữa. Bà gần như quên hết tên con cháu, bà con... trừ tên ông.
Còn ông, dù mang bệnh nhưng thần trí luôn tỉnh táo. Bà bị lẫn nên cần có người trông nom sát sao. Ông đành để bà sang ở với người con thứ tư để tiện bề chăm sóc, còn ông ở nhà người con trai út. Ngày nào, ông cũng sang thăm bà 3 lần. Mỗi lần sang thăm, ông tranh thủ nhắc bà uống thuốc, ăn cháo. Có ông, bà cũng vui hơn, chịu ăn, chịu uống thuốc.
Niềm vui lớn nhất của bà mỗi ngày là được nắm tay ông. Và, hạnh phúc lớn lao mà ngày nào ông cũng thực hiện là chìa đôi bàn tay đầy vết đồi mồi cho bà siết chặt. Ông dựa vào cái siết chặt đó mà đoán hôm nào bà khỏe, bà vui. “Mỗi ngày, ông cứ sang đều đặn để kể chuyện cho bà nghe. Ông cứ nói, dù không được bạn đời đáp lại lời nào.
Có lúc bà tỉnh táo thì đáp lại một hai câu, ông vui đến chảy nước mắt. Bà đi rồi, ông buồn lắm. Thế nhưng, những giây phút cuối, ông được ở gần bà, được nói lời tạm biệt. Được vậy, chắc ông bà cũng thanh thản. Đến cuối đời, ông vẫn giữ đúng lời hứa “Tôi vẫn ở đây, không bỏ bà đi đâu...”, chị Vân Anh chia sẻ.
Chuyện tình được nhiều người ngưỡng mộ Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Ngọc Lợi, Chủ tịch hội Người cao tuổi xã Vĩnh Chánh (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cảm động: “Cụ Đặng Văn Hy là Chủ tịch hội Người cao tuổi của xã hai nhiệm kỳ thời điểm trước năm 2005. Cụ rất tích cực trong công tác Hội. Dù tuổi cao, cụ vẫn hay đạp xe đi khắp xã để trao quà, vận động người già sống vui khỏe, có ích. Trước đây, cả hai cụ đều tham gia kháng chiến. Lúc giải phóng, cụ Hy giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Chánh rồi sau đó về hưu chuyển sang làm công tác hội Người cao tuổi xã. Cụ Hy được người dân yêu mến và kính trọng. Đặc biệt, chuyện tình của hai cụ được cả xã ngưỡng mộ. Đi đâu, cụ Hy cũng chở cụ bà bằng xe đạp, dù xa hay gần. Hai ông bà ở với nhau rất chí tình chí nghĩa, là tấm gương cho con cháu noi theo”. |
Tác giả bài viết: Ngọc Lài