Giáo dục

​Chuyện thầy giáo Tiến

Thầy giáo Nguyễn Duy Tiến có tới hơn nửa đời người gắn bó với huyện vùng cao Trạm Tấu, Yên Bái. Ông trải qua thời tuổi trẻ của mình ở mảnh đất này chỉ vì “không nỡ bỏ mặc những học sinh khó khăn, cần giúp đỡ”.



Thầy giáo Nguyễn Duy Tiến - Ảnh: Thu Minh

Con đường thầy Nguyễn Duy Tiến chọn được bắt đầu bằng lời kể mộc mạc: “Để đến được trường học, chúng tôi vừa đi bộ vừa phát đường, có hôm phải mất 4-5 tiếng đồng hồ mới đến được trường. Gặp trời mưa, đường lầy lội, trơn như mỡ. Nhưng hồi ấy hăng lắm, cứ đi phăm phăm, không biết mệt”...

Và thầy Tiến đã đi về trên những con đường như thế suốt 30 năm, trải qua năm ngôi trường đều ở những vùng khó khăn nhất cho tới khi làm hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS & THPT Phình Hồ.

Xây dựng mô hình trường học bán trú là một trong những giải pháp để giữ học sinh ở trường. Tuy nhiên trong tình hình cơ sở vật chất thiếu thốn, không có kinh phí hỗ trợ, thầy Nguyễn Duy Tiến đã nghĩ tới việc tận dụng các nguồn lực từ dân. Nhưng để làm được điều này, bản thân thầy hiệu trưởng và tập thể giáo viên phải xắn tay lao vào việc.

Từ trồng rau, nuôi gà, xây nhà, tổ chức bữa ăn, nơi nghỉ đến xây dựng nề nếp tự học, các hoạt động giáo dục học sinh... tất tần tật thầy cô làm trước, học trò làm theo.

Qua đó, nhiều người dân từ ngờ vực đến tin tưởng, không chỉ ủng hộ công sức mà còn ủng hộ vật chất, cùng xây dựng trường.

Nấu ăn ba bữa cho học sinh/ngày, ngoài gạo của chính quyền và người dân đóng góp, thực phẩm đều do thầy trò nhà trường làm ra. Việc cùng học trò lao động trồng rau, nuôi gà, heo cũng là cách mà nhà trường dạy trẻ cách lao động, tự lập, vượt khó.

Từ chỗ tỉ lệ học sinh bỏ học cao, hiện nay việc huy động học sinh tới trường đã đạt trên 90%, trường có nhiều học sinh khá, giỏi.

Thầy Tiến nói: “Tôi muốn học sinh vì yêu trường mà ở lại, chứ không chỉ đến trường vì miễn cưỡng do bị vận động”.

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP