Hạnh phúc vì được thưởng 200 nghìn đồng
Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Thổ Chu, nằm trên quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang tận cùng phía Nam của Tổ quốc. Với 30 thầy cô giáo đang công tác giảng dạy ở trường thì mỗi khi Tết đến xuân về ai cũng đều mang trong mình tâm trạng xốn xang.
Đa phần đội ngũ giáo viên ở đảo Thổ Chu có quê miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh), có người còn quê ở Hải Phòng. Mỗi khi gần Tết, nỗi nhớ gió mùa Đông Bắc, những cánh hoa đào, những giọt mưa xuân lất phất trong gió lại ùa về.
Tâm sự với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hiệu trưởng Phạm Quang Tiệp cho biết: “Công tác trên đảo Thổ Chu, chắc chắn sẽ vất vả nhiều hơn công tác trên đất liền. Để được về quê ăn Tết, mọi người đều phải chuẩn bị từ giữa năm. Không phải thầy cô nào cũng có điều kiện về ăn Tết cùng gia đình. Đa phần cô thầy công tác trên đảo Thổ Chu phải hai, ba năm trời mới sắp xếp được một chuyến về quê ăn Tết”.
Có lẽ, đã xác định dạy học trên đảo Thổ Chu, cách xa đất liền, cô thầy ở đây đều đã ý thức được những vất vả, khó khăn nên họ chưa một lần kêu ca. Nói về chuyện thưởng Tết, thầy Phạm Quang Tiệp vui vẻ chia sẻ: “Tết nay, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang có ra đảo Thổ Chu chúc Tết quân dân trên Đảo. Lãnh đạo tỉnh có gửi tiền 6 triệu đồng cho đội ngũ giáo viên trong trường. Chia đều ra mỗi người được 200 nghìn. Món quà tuy nhỏ nhưng chúng tôi rất là hạnh phúc vì được quan tâm”.
Tàu từ đảo Phú Quốc ra đảo Thổ Chu cứ 13 ngày có một chuyến. Để về được đảo Phú Quốc, thời gian di chuyển gần 8 tiếng đồng hồ. Quà Tết và thưởng Tết chỉ có vậy nhưng không một lời kêu ca. Đơn giản, họ biết cái nghiệp "lái đò" ở xứ sở bốn bề là biển trời bao la, tình cảm của đất liền mới là điều quý giá nhất,
Những ngày sóng yên biển lặng không sao, những lúc sóng gió nổi lên thì hành trình từ đảo Thổ Chu về Phú Quốc là một quá trình rất gian nan. Đặc biệt, với những giáo viên nữ, hành trình đó rất mệt vì say sóng. Không ít giáo viên về tận đảo Phú Quốc thì người đã kiệt quệ.
Vất vả là vậy, nhưng được về quê ăn Tết luôn là mong muốn cháy bỏng trong mỗi người.
Từ Phú Quốc, họ mua vé máy bay để hành trình ra Bắc về quê ăn Tết. Chi phí đi lại cho mỗi người về quê ăn Tết mất gần 6 triệu đồng. Có người, đưa cả gia đình về quê nên chi phí rất lớn, coi như tiêu gần nửa năm tiền lương. Chính vì thế, muốn về quê ăn Tết, các cô thầy trên đảo Thổ Chu phải có kế hoạch từ giữa năm. Vé máy bay phải mua từ rất sớm để có được giá rẻ.
Theo thầy Nguyễn Quang Tiệp, năm nay có hơn một nửa thầy cô giáo nơi đây bố trí được về quê ăn Tết. Số giáo viên còn lại ở lại trên đảo Thổ Chu cùng quân dân trên đảo đón Tết, vui xuân. Điều kiện ở đảo Thổ Chu giờ cũng tốt hơn trước rất nhiều.
Gần Tết, các chuyến tàu từ đất liền ra đảo đã mang các vật phẩm Tết như các loại bánh kẹo, mứt trái...và nhiều nhu yếu phẩm khác phục vụ nhu cầu dân quân trên đảo. Ăn Tết ở đảo bây giờ điều kiện gần với việc ăn Tết trên đất liền. Điều duy nhất thiếu, đó là một nhành đào Tết từ đất liền gửi ra.
Điều kiện ở đảo xa, thổ nhưỡng trên đảo khắc nghiệt. Đã nhiều người mang đào từ đất liền ra trồng với mong muốn mỗi dịp Tết đến được ngắm hoa đào cho đỡ nhớ nhà nhưng không thành.
Cuộc sống trên các đảo tiền tiêu khó khăn, nên những mong muốn tưởng như bé nhỏ đều trở nên xa vời với những cô thầy giáo dạy học trên những hòn đảo này.
Được về quê là vui như Tết rồi!
Cô giáo Lương Thị Trang, Giáo viên Trường Tiểu học Đông Hải, Phú Quý, Bình Thuận tâm sự với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: “Thời gian đầu ra dạy học ở đảo Phú Quý cô chỉ biết khóc vì nhớ nhà, nhớ đất liền. Nhưng đã 16 năm nay, cô gắn bó với sự nghiệp trồng người trên huyện đảo Phú Quý. Tại đảo, mỗi khi Tết về, không khí Tết cũng vui không kém đất liền là mấy”.
Kể về chuyện thưởng Tết, cô Trang vu vẻ chia sẻ: “Công đoàn cũng chăm lo Tết cho cán bộ, mỗi người có một gói quà 200 ngàn đồng”.
Qua cách trò chuyện với cô Lương Thị Trang và thầy Phạm Quang Tiệp, có thể hiểu được, những giáo viên trên đảo không hề đặt nặng về lợi ích đồng tiền trong thưởng Tết.
Có lẽ, vất vả khó khăn đối với những giáo viên dạy học trên các đảo đã trở thành một cái gì đó quen thuộc đến thân thuộc.
Phú Quý mấy hôm nay biển động, gió thổi mạnh, sóng lớn. Phải qua các đồng nghiệp của cô Trang, phóng viên mới biết được mẹ cô ở quê đang bệnh nặng nhưng vì điều kiện gió mạnh, thuyền từ đảo Phú Quý về đất liền khó khăn nên cô chưa thể về thăm mẹ dịp Tết này.
Hỏi cô Trang về điều này nhưng cô không muốn chia sẻ sâu hơn. Có lẽ, với cô Trang những ngày Tết, người ta hay nói đến niềm vui, đoàn tụ nên cô rất ngại nói ra tâm trạng giấu kín của mình.
Không chỉ các giáo viên trên đảo Thổ Chu, đảo Phú Quý mà những giáo viên trên các đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) xa xôi đều có chung một tâm trạng. Những thầy cô giáo không thu xếp được về quê thì ở lại cùng bà con trên đảo đón Tết.
Còn với những giáo viên được về quê với gia đình để ăn Tết chính là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất.
Năm nay, cô giáo Vũ Thị Hà người công tác tại đảo Bạch Long Vĩ hơn 30 năm nay sắp xếp được về quê đón Tết nên rất vui vẻ chia sẻ với phóng viên: “Năm nay được về quê đón Tết, chị vừa về xong, vui lắm em à!”.
Nghe giọng nói của chị Hà mới biết được, niềm vui Tết được đoàn tụ với gia đình, anh em ở đất liền lớn như thế nào...
Tác giả bài viết: Trinh Phúc
Nguồn tin: