"Tất nhiên là tôi chủ động xin làm hướng dẫn cho ĐTQG Việt Nam rồi. Vì năm ngoái, tôi cũng đã làm hướng dẫn cho đội U19 của các bạn và thấy thoải mái (VL U19 châu Á, U19VN đừng đầu bảng – pv)".
Thậm chí, Zaw Min Naing còn khoe khi ĐTVN sang Myanmar dự AYA Bank Cup rồi Hè vừa rồi, anh cũng có quan hệ rất tốt với một trợ lý của HLV Hữu Thắng. Những lý do đó tạo ra một sợi dây liên kết vô hình giữa Zaw và Đoàn quân đỏ chơi tại AFF Cup lần này, để rồi chính thức làm việc cùng nhau.
Khẳng định ĐTVN rất thân thiện và tốt bụng khi phối hợp cùng mình nhưng khi được hỏi ấn tượng với ai, Zaw bỗng… ngớ người và thừa nhận "tôi không biết hết các cầu thủ trong đội tuyển của bạn".
Sau một hồi được gợi ý, anh cũng chẳng nghĩ nổi ai nổi bật và cuối cùng trả lời "chắc là… thủ môn" nhưng cũng không biết tên chính xác của Người gác đền ấy.
Zaw Min Naing yêu bóng đá, quý các đội tuyển Việt Nam nhưng chẳng biết mấy về những học trò của HLV Hữu Thắng. Phải chăng, không có ai thật sự nổi bật?
Một câu chuyện khác về anh phóng viên ảnh vui tính của Malaysia mà tôi không tiện nêu tên ra đây thì chỉ nhớ đến ĐT Việt Nam có cầu thủ chơi tại K-League Classic (Xuân Trường), song không biết tên.
Khi được hỏi ấn tượng thêm ai nữa, anh nói: "Đó là một cậu mà có khuôn mặt như người Mỹ ấy, mũi cao, người cao và rất trắng". Chúng tôi đoán và hỏi có phải Đặng Văn Lâm không, anh chỉ biết lắc đầu vì không rõ tên.
Trong ít ngày ngắn ngủi đã qua trên đất Myanmar, việc gặp một fan bóng đá bản địa không biết nhiều về ĐT Việt Nam, hay những "siêu sao" như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh là rất dễ, dù chúng ta đôi khi từng nghĩ họ là tên tuổi tầm cỡ ĐNÁ hoặc nổi cả trên… châu lục.
Tại Việt Nam, ĐTQG đang được đưa lên "mây xanh", với độ phủ cực nhiều trên các mặt báo, truyền hình. Nhưng tại Myanmar thì khác. Thậm chí, số lượng phóng viên Myanmar tới xem ĐTVN cũng rất ít (tất nhiên, một phần vì Myanmar không phát triển truyền thông).
Có nhiều lý do cho việc ấy. Có thể một bộ phận nào đó ảo tưởng về sự nổi tiếng của ĐT Việt Nam, về các ngôi sao trong đội tuyển hoặc cấp độ trẻ.
Và một phần cũng do tại Myanmar, rất nhiều người dân không dùng mạng internet, không sử dụng cả facebook, hoặc quay lưng với chính ĐTQG họ như anh nhân viên khách sạn nơi tôi ở thì ĐTVN là gì mà cần biết?
Đặt ngược lại vấn đề, nếu đến Việt Nam và hỏi một fan bóng đá về ĐT Thái Lan, câu trả lời sẽ là gì nhỉ? Kiatisak hay Thong Lao gần như chắc chắn sẽ là cái tên được biết đến rộng rãi với cả những fan lớn tuổi không hay hoặc không biết sử dụng internet cùng mạng xã hội.
Cậu trai trẻ có biệt danh Messi Thái Lan, Chanathip Songkrasin chắc cũng rất quen với NHM Việt Nam và còn không ít những gương mặt, những cái tên khác.
Hình ảnh của bóng đá Thái Lan tốt hơn Việt Nam rất nhiều.
Nếu tính riêng ở sân chơi AFF Cup, ĐT Việt Nam mới chỉ bằng Malaysia, 1 lần vô địch. Trong khi đó, Singapore và Thái Lan đã 4 lần đăng quang tại sân chơi này. Với riêng người Thái, họ vẫn thường xuyên thể hiện được sức mạnh vượt trội, cùng lối chơi đẹp mắt cũng như các CĐV vô cùng cuồng nhiệt, chuyên nghiệp trên sân đấu.
Một cách rất rõ nét, Thái Lan đủ sức gây ấn tượng mạnh ở những nơi họ tới. Khi ĐTVN thua Thái Lan 0-3 ở Mỹ Đình năm ngoái, chắc chắn các fan chủ nhà dù rất buồn cũng phải thán phục sức mạnh của tập thể áo xanh, cũng như một lượng fan đối thủ rất hùng hậu, chuyên nghiệp trên khán đài.
Khi hỏi người lái taxi rằng ông chọn đội nào vô địch AFF Cup năm nay, bác tài Myanmar đã không do dự lựa chọn Thái Lan.
Ngay cả khi ĐTVN có vô địch giải đấu năm nay thì phía sau đó vẫn là một câu chuyện rất dài. Làm thế nào để một ngày quay trở lại Thái Lan và hỏi fan bóng đá nơi này về ĐT Việt Nam, không chỉ có vài người nói được tên Công Vinh, hay chia sẻ chung chung rằng "ĐT các bạn mạnh"?
Dưới thời HLV Hữu Thắng, ĐTVN đang muốn trình diễn thứ bóng đá đẹp. Chúng ta cũng không thiếu những nhân tố trẻ nổi bật như Xuân Trường, Tuấn Anh hiện tại.
Bên cạnh đó, NHM bóng đá Việt Nam đang có những hạt nhân vừa cuồng nhiệt, vừa chuyên nghiệp như Hội VFS sắp cử 50 thành viên chủ chốt tới Myanmar cổ vũ, cũng như kết nối fan Việt tại nước bạn.
Hy vọng rằng trong tương lai, khi có một lối chơi xuyên suốt, một lộ trình phát triển dài hạn, bền vững, bóng đá Việt Nam sẽ thật sự ghi được dấu ấn tại các nước ĐNÁ, rồi mới mong tiến ra thêm nữa.
Tác giả bài viết: Đoàn Dự (Từ Yangon, Myanmar)
Nguồn tin: