Kinh tế

Chuyện lạ ở Đặc khu kinh tế Vân Đồn: Mua, bán xăng như… bia hơi

Cả huyện có mỗi một cây xăng nhưng lại nằm xa trung tâm. Mỗi lần mua xăng, người dân lỉnh kỉnh mang theo can nhựa, chai lọ không khác gì đi mua bia hơi. Câu chuyện người dân “khát xăng” này đang diễn ra trong vùng Đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh).

Đặc dị cung ứng xăng kiểu bia hơi. Ảnh: PV.


Huyện đảo Vân Đồn nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh, dân số gần 50 nghìn người và chủ yếu sống bằng nghề cá. Đây là một trong những địa bàn có nhiều lợi thế, được Bộ Chính trị ưu tiên huy động các nguồn lực, kêu gọi đầu tư để sớm xây dựng nơi đây trở thành đặc khu kinh tế biển đạt đẳng cấp quốc tế.

Cả xóm đi mua xăng

Trước đây, huyện Vân Đồn có 2 cây xăng, chuyên phục vụ nhu cầu của người dân toàn huyện, đặc biệt là phục vụ đội tàu cao tốc chuyên chở khách đi các đảo trong vùng và huyện đảo Cô Tô. Do để rò rỉ xăng dầu từ bể chứa làm hàng chục giếng nước của các hộ dân sống xung quanh đốt là cháy, ngày 4/8/2016, tỉnh Quảng Ninh ra lệnh đóng của cây xăng Đông Xá.

“Từ ngày cây xăng này bị đóng cửa, dân chúng tôi rất khổ vì cứ mỗi lần hết xăng lại phải xách theo chai lọ để mua về dự trữ. Cây xăng còn lại thì quá xa mà nhu cầu xăng dầu vẫn diễn ra hàng ngày. Đi gần chục cây số mới mua được lít xăng đúng là không bõ công. Có hôm cả xóm góp tiền kéo cả xe bò đi mua xăng về dùng dần” – Bà Nguyễn Thị Thiết, người dân Đông Xá, Vân Đồn cho biết.


Đến xe ô tô cũng phải đổ xăng lẻ dọc đường.


Dọc tuyến đường chính của huyện Vân Đồn, có đến hàng chục điểm bán xăng lẻ ven đường. Xăng được cho vào các chai nhựa xếp sẵn trên vỉa hè với giá bán 20 - 22 nghìn đồng/lít. “Gia đình tôi mỗi lần mua khoảng 30 lít xăng về bán dần, chủ yếu phục vụ xe máy trong xóm, còn muốn mua số lượng lớn phải chạy xuống cây xăng Bãi Dài hoặc chạy sang Cửa Ông” – Anh Nguyễn Quang Huề, chủ một điểm bán xăng lẻ tại Vân Đồn cho biết.

Ngay tại vị trí của cây xăng Đông Xá đã bị đóng cửa cũng mọc lên mấy điểm bán xăng lẻ. Hàng trăm chai xăng được người dân dựng ven đường, mỗi hộ gia đình bán xăng lẻ đều tích trữ hàng chục lít, thậm chí hàng trăm lít trong nhà.

“May bây giờ là mùa đông nên rảnh khách đi ra các đảo chứ không thì chúng tôi cũng không biết xoay xở ra sao. Thường tàu biển thì chạy bằng dầu nhưng tàu cao tốc như của tôi là động cơ xăng nên mỗi lần đi mua xăng rất khó khăn. Toàn phải tiếp nhiên liệu từ ngoài đảo Cô Tô chứ về đây không thể mua xăng nhỏ giọt thế này được” - Ông Cao Thành Nam, chủ tàu cao tốc chạy tuyến Cái Rồng - Cô Tô nói.

Chúng tôi tìm đến cây xăng Bãi Dài, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn (cây xăng độc nhất của huyện). Tại đây, chúng tôi bắt gặp gần 10 người dân đang lỉnh kỉnh nào can lớn, chai nhỏ đứng đợi đến lượt mua xăng. Đa số là người dân các xã trung tâm đến mua xăng về bán lẻ, số ít còn lại là người dân của xã Hạ Long đến đổ xăng.

“Vị trí cây xăng nằm cách xa trung tâm nên rất khó khăn cho người dân khi có nhu cầu. Nhiều lúc chỉ một người đến mua xăng nhưng dùng cho cả xóm. Nhiều lần chúng tôi cũng khuyến cáo bà con không nên mua xăng về tích trữ vì nguy cơ cháy nổ rất cao nhưng vì nghĩ đến cảnh chạy gần chục cây số chỉ để đổ đầy bình xăng nên đành phải đổ vào can cho họ” – Chị Nguyễn Thị Thủy, nhân viên cửa hàng xăng dầu Bãi Dài cho biết.

“Không biết sau này huyện có mở thêm cây xăng nào nữa không chứ tình trạng này quả thực rất trớ trêu. Như xe taxi của tôi cũng mấy phen phải đổ xăng bằng chai nhựa. Nhà thì ở Vân Đồn nhưng mỗi lần đổ xăng lại phải chạy sang tận Cửa Ông mới đổ được xăng. Mua về nhà tích trữ thì sợ mất an toàn, lúc nào cũng phải “canh me” bình xăng để không phải đổ xăng lẻ dọc đường” – anh Phan Anh Tú, lái taxi tại Vân Đồn nói.

Xăng được đóng chai bán như bán bia hơi tại huyện Vân Đồn.


Chưa có hướng xử lý?

Huyện Vân Đồn có cảng Cái Rồng, nơi tập trung đa số tàu thuyền của miền Đông Quảng Ninh. Tại đây có một tàu dầu chuyên phục vụ nhu cầu của các tàu thuyền đánh cá, còn đội tàu cao tốc chở khách du lịch thường phải đổ xăng từ huyện đảo Cô Tô.

Về tình trạng “khát xăng” của người dân huyện Vân Đồn, chúng tôi tìm gặp đại diện UBND huyện và được biết, sau khi đóng cửa cây xăng Đông Xá, huyện cũng cho chỉnh trang lại cây xăng Bãi Dài. Nhưng do vị trí khá xa trung tâm nên cũng khó khăn cho người dân khi có nhu cầu đổ xăng. “Hiện huyện vẫn chưa có phương án mở thêm cây xăng tại địa bàn” – Ông Đỗ Mạnh Ninh, Phó chánh văn phòng UBND huyện Vân Đồn nói.

“Với tình trạng có nhiều cơ sở bán xăng lẻ tự phát, chúng tôi cũng đã thành lập đoàn kiểm tra và xử phạt theo quy định, nhưng thật sự gặp rất nhiều khó khăn. Khi đi kiểm tra, các điểm bán xăng lẻ này thu hết chai lọ vào nhà, nhưng khi chúng tôi đi qua thì mọi chuyện đâu lại vào đấy” – ông Ninh nói.

Thế nhưng, khi phóng viên Tiền Phong trao đổi với ông Mạc Thành Luân, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn được biết, huyện đã phê duyệt đề án và vị trí mở mới cây xăng cho Công ty CPTM vật tư Vân Đồn tiếp tục kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đã mấy tháng nay, hiện dự án vẫn đang được triển khai. “Do đây là khu đô thị mới nên giao thông chưa được khớp nối. Chủ đầu tư muốn xây dựng cây xăng tại đây cũng phải bỏ thêm nhiều tiền để xây dựng đường nối từ khu đô thị tới cây xăng nên đang gặp khó khăn. UBND tỉnh và huyện cũng đang tìm phương án giải quyết” - ông Luân nói.

Với tầm vóc của một đặc khu kinh tế nhưng Vân Đồn đang gặp phải những khó khăn. Liệu cơ sở hạ tầng có đáp ứng được những dự án mang tầm chiến lược? Và câu chuyện người dân “khát xăng” có được giải quyết trong nay mai?

“Xăng dầu là một trong những mặt hàng kinh doanh có điều kiện với những yêu cầu khắt khe về nơi bảo quản, thiết bị bán hàng, trang thiết bị PCCC... Tuy nhiên, với trường hợp của cây xăng Vân Đồn thì rất dễ để khắc phục tình trạng “khát xăng”. Một khi đã được chính quyền cấp phép và phê duyệt xây dựng cửa hàng thì trong vòng 5 tháng, cửa hàng đã có thể đi vào hoạt động”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, đại diện Xí nghiệp Xăng dầu Quảng Ninh nói

Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11/2016 của Chính phủ thống nhất về nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) thuộc tỉnh.

Tác giả bài viết: Hoàng Dương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP