Kinh tế

Chuyên gia Singapore dẫn thành công đặc khu Trung Quốc làm hình mẫu cho Việt Nam

Trên thế giới có hàng ngàn đặc khu kinh tế (ĐKKT), khu công nghiệp, khu chế xuất và các loại hình tương tự. Chỉ có vài khu là thành công trong việc tạo ra các hoạt động kinh tế đáng kể. Phần lớn còn lại thì không.

Ông Teo Eng Cheong, Giám đốc Quốc tế của Tập đoàn Surbana Jurong, Singapore, chuyên gia về đặc khu kinh tế của Singapore, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã nhấn mạnh tại Hội thảo Đặc khu - Thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công vừa được tổ chức hôm qua (18/5) tại Hà Nội.

Thâm Quyến, một trong gần 1.000 đặc khu thành công nhất của Trung Quốc.

Vị chuyên gia Singapore cho rằng, để xây dựng ĐKKT thành công, các nước phải có mục tiêu rõ ràng: Đổi mới chính sách táo bạo; địa điểm thuận lợi, thiết kế mang tính đặc thù và quản lý hiệu quả

Bên cạnh đó, cần xác định rõ ràng các mục tiêu của việc thiết lập một ĐKKT để làm gì, ví dụ như đặc khu được xây dựng nhằm tạo ra việc làm, đặc biệt là khi tỉ lệ thất nghiệp đang cao; thúc đẩy xuất khẩu để tạo ra dự trữ ngoại tệ, đặc biệt khi đang bị thiếu hụt dữ trữ ngoại tệ và thâm hụt thương mại; phát triển các ngành đặc thù, ví dụ như lĩnh vực du lịch và chuyển giao công nghệ.

Theo ông Teo Eng Cheong, đối với các nước đang phát triển, việc tạo công ăn việc làm cho số đông người dân là rất quan trọng. "Trong những trường hợp như vậy, một chiến lược phát triển được đặt ra rõ ràng là thu hút lao động cho các hoạt động sản xuất chuyên sâu, hoặc phát triển lĩnh vực dịch vụ tương đương với trình độ học vấn của người dân", ông Cheong nói.

Ông này cũng cảnh báo, việc xác định mục tiêu không rõ ràng ngay từ đầu và không có khả năng duy trì tính nhất quán của các mục tiêu, thường dẫn đến kết quả của một ĐKKT không chỉ không hoàn thành các mục tiêu, mà còn không thành công.

Vị chuyên gia Singapore dẫn thành công của đặc khu tại Trung Quốc là Thâm Quyến, làm hình mẫu cho Việt Nam. Ông này cho biết, Thâm Quyến là đặc khu được hình thành vào năm 1980 khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa kinh tế. Vào thời điểm đó, nước này đang ở trong giai đoạn chuyển ý thức hệ từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường.

"ĐKKT Thâm Quyến được thực hiện như một thử nghiệm của Trung Quốc để kiểm tra kết quả của việc cải cách kinh tế. Các mục tiêu được đặt ra rất rõ ràng cùng với các chính sách đi kèm phù hợp, ví dụ như ưu đãi thuế và các chính sách kinh doanh thông thoáng hơn đã được triển khai để tạo điều kiện thực hiện thành công các mục tiêu đề ra. Thậm chí đến ngày nay, Thẩm Quyến vẫn đang là một trong những thành phố năng động và đổi mới nhất ở Trung Quốc", ông Cheong cho hay.

Một ví dụ khác về mô hình đặc khu thành công cũng được vị chuyên gia Singapore dẫn dụ là Khu Công nghiệp Tô Châu Trung Quốc-Singapore (CSSIP) được thành lập vào năm 1994 để Trung Quốc học hỏi và triển khai một số chính sách phát triển công nghiệp của Singapore. Đặc biệt, nó được thành lập để phát triển lĩnh vực chế tạo định hướng xuất khẩu nhắm đến các Tập đoàn đa quốc gia của nước ngoài ở Tô Châu.

Một chính quyền chuyên biệt đã được lập ra để quản lý khu công nghiệp và hàng loạt các chính sách về đầu tư từ nước ngoài đã được tự do hóa dựa trên kinh nghiệm của Singapore.

Ngày nay, Khu Công nghiệp Tô Châu Trung Quốc-Singapore là một trong những khu công nghiệp hàng đầu Trung Quốc về sản lượng công nghiệp, xuất khẩu và giá trị gia tăng với hơn thị phần của các công ty Fortune 500 toàn cầu.

Về đổi mới chính sách táo bạo, vị chuyên gia Singapore nói: Sau khi đã xác định các mục tiêu của ĐKKT, bước tiếp theo là hoạch định các chính sách mới một cách táo bạo hoặc mở rộng các quy định hiện hành.

"Một thất bại chung của rất nhiều ĐKKT là trì hoãn đổi mới các chính sách cần thiết vì sợ việc tự do hóa diễn ra quá nhanh và mất kiểm soát. Điều này là không tốt vì ý tưởng thiết lập một khu vực như một ĐKKT chính xác là cho phép thử nghiệm và tự do hóa các chính sách mà không làm ảnh hưởng đến phần còn lại của đất nước. Để thành công, ĐKKT cần phải tạo cảm hứng đầy tự tin rằng nó sẽ khác so với các khu vực khác của đất nước", ông Cheong nói.

Vị chuyên gia người Singapore khuyên, ĐKKT có thể là một chương trình hiệu quả đối với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, rất nhiều ĐKKT thất bại vì các mục tiêu không rõ ràng, hạn chế trong tự do hóa chính sách, lựa chọn địa điểm sai, thiết kế tồi hoặc quản lý kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, nếu ĐKKT có một tầm nhìn rõ ràng, thay đổi chính sách táo bạo, lựa chọn địa điểm cẩn thận, thiết kế thông minh và quản lý chặt chẽ sẽ là một cơ hội tốt để thành công.

Theo bà Lưu Dung Hân, Viện Phát triển Trung Quốc: Sau hơn 30 năm phát triển, Trung Quốc có 571 Đặc khu Kinh tế, được phân thành 3 hệ thống và 12 loại khác nhau. Nếu tính thêm cả Đặc khu Kinh tế cấp Tỉnh, Thành Phố, cấp huyện, Trung Quốc có gần 10.000 Đặc khu Kinh tế

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP