Tin địa phương

Chuyện dân thiếu nước sạch, nhà máy nước dở dang tại Phong Nha

Cách trung tâm TP Đồng Hới hơn 30km, khu vực xã Sơn Trạch, (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đang được xây dựng và lớn mạnh từng ngày, hướng đến phát triển phân khu đô thị du lịch Phong Nha. Ấy vậy mà nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân phải thường xuyên sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm vôi. Vậy nguyên nhân do đâu?

Nguồn nước khu vực xã Sơn Trạch, nhân dân phản ánh bị nhiễm phèn, nhiễm vôi

Tìm đâu lối thoát

Gia đình anh Nguyễn Ngọc Điệp (thôn 1 Phong Nha, xã Sơn Trạch) sử dụng nguồn nước mặt nhiễm phèn đã từ rất lâu, nước giếng nhà anh khi múc lên có màu vàng, đổ vào thau một lát sau là có một lớp phèn bám dưới đáy, xung quanh thành giếng phèn cũng bám một lớp dày. May thay, gia đình hàng xóm bên cạnh cũng cùng hoàn cảnh trên, nhưng kinh tế khá giả hơn nên đã thuê nhân công khoan giếng. Từ đó, gia đình anh Điệp được chia sẻ, cho phép dẫn nguồn nước này về bể chứa của gia đình mình. Tuy nguồn nước ngầm này đã qua bể lọc cát nhưng vẫn bị nhiễm vôi. Vẫn nguy hại nên hạn chế dùng nấu ăn, thường dùng tắm rửa.

Biết rằng sử dụng nước này là không đảm bảo cho sức khỏe nhưng do điều kiện kinh tế quá khó khăn nên gia đình chị vẫn chưa thể tiếp cận được với nguồn nước sạch. Gia đình anh Điệp cũng như rất nhiều hộ dân khác ở đây đang mong chờ có được nguồn nước sạch để cuộc sống ổn định hơn.

Nhấp nhẹ ly trà, anh Nguyễn Ngọc Điệp nói: “Nước dùng pha trà này là nước bình chúng tôi mua đấy. Để nấu ăn thì bà con phải mua nước bình, loại bình dung tích 20L. Một tháng dùng ít thì 5 bình, dùng nhiều thì phải hơn. Mỗi năm tốn kha khá tiền mua nước. Nhưng các anh biết không, chỗ chúng tôi có công trình cấp nước sạch nông thôn đấy, đáng lẽ khu vực này được cấp nước sạch sử dụng từ 10 năm trước rồi. Ấy vậy mà...”

Cũng là thực trạng của chòm xóm, ông Hồ Bắc (65 tuổi) góp lời: Khu vực dân cư quanh xã Sơn Trạch đa phần nguồn nước đều bị nhiễm bẩn, nước giếng thì bị nhiễm phèn, khoan nước ngầm thì bị nhiễm vôi. Giếng nước gia đình hàng ngày phải lọc hai đến ba lần qua bể lọc bằng cát mới sử dụng để giặt giũ, chăn nuôi; chứ không nấu nướng gì được vì mùi rất hôi. Giếng khoan thì bị nhiễm vôi, bởi khi khoan mũi khoan đã chạm vào đá vôi.

Đặc điểm nước nhiễm phèn thường có mùi tanh, mặn và chát. Nước nhiễm vôi thì để lâu sẽ lắng đọng kết tủa trắng. Vì phải thường xuyên sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn nên người dân hay mắc các bệnh về da liễu, đường tiêu hóa và bệnh thận.

Nước mặt nhiễm phèn, nước ngầm qua bể lọc cát vẫn bị nhiễm vôi tại hộ anh Nguyễn Ngọc Điệp.

“Phải chăng lãng phí?”

Từ bối cảnh thực tế đời sống của bà con nơi đây và câu chuyện bên bàn trà với thông tin bởi họ cung cấp. Chúng tôi đã đi sâu hơn vào vấn đề này. Thấy kĩ hơn những mặt khuất của đời sống...

Đầu năm 2005, công trình nước Phong Nha (huyện Bố Trạch) do Sở Thương mại - Du lịch tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng được khánh thành trong niềm hân hoan của người dân xã Sơn Trạch và cán bộ, nhân viên khu Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng. Sau ít tháng cấp nước thì công trình “vặn” mình... rỉ ra những giọt nước cuối cùng và khô cong cho đến bây giờ.

Dân cư bản địa cho biết: Trước đây, khuôn viên công trình này cỏ mọc um. Hàng rào bị kẻ xấu đập phá. Do không có ai canh giữ nên hệ thống van, khoá, ốc vít cũng bị kẻ xấu tháo. Nhân dân bức xúc và bất bình vì sự vô trách nhiệm của chủ đầu tư công trình cấp nước và trên hết là việc lập đề án để xây công trình lên rồi không khai thác hiệu quả, vứt hoang hóa.

Trước sự băn khoăn ấy, chúng tôi đã liên hệ với chính quyền xã Sơn Trạch để nắm bắt sự vụ. Ông Nguyễn Công Trứ - Chủ tịch UBND xã thẳng thắn cho biết: Công trình này được xây dựng vào cuối năm 2003. Không hiểu vì nguyên do thiếu vốn hay gì mà họ không khai thác công trình, để cấp nước cho đơn vị, cá nhân có nhu cầu. Sự việc cứ thế hơn 10 năm trôi đi, công trình xuống cấp.

Nguồn nước tại nhiều thôn ở xã Sơn Trạch bị nhiễm phèn, nhiễm vôi. Nhân dân dùng nguồn nước trên để tắm giặt, chăn nuôi; bên cạnh đó phải mua nước bình để ăn uống. Các bệnh liên quan đến nguồn nước tuy không thống kê và biểu hiện rõ nét tuy nhiên vẫn có.

Công trình cấp nước sạch bỏ ngỏ không khai thác tại khu vực Phong Nha.

Thời điểm khởi công, Sở Thương mại - Du lịch tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư dự án trên. Những bất bình, bức xúc, khó khăn mà nhân dân hiện gánh chịu, nếu xét trách nhiệm thì chủ đầu tư phải gánh đầu tiên.

Cuối cuộc trao đổi, chúng tôi được lãnh đạo UBND xã Sơn Trạch “rỉ tai” rằng công trình cấp nước sạch nói trên hiện đang được sửa chữa, lắp đặt lại đường ống... Và đã chuyển giao cho đơn vị khác làm chủ đầu tư.

Việc công trình ngốn tiền Nhà nước gần 4 tỷ đồng này dần trở thành hoang phế. Giờ duy tu, sửa chữa, chuyển chủ đầu tư. Cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm về sự lãng phí này. Thiệt thòi của nhân dân ai gánh vác?!

Tác giả: Nhất Linh

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP