Cuộc sống

Chuyện chưa biết ở ngân hàng sữa mẹ Đà Nẵng

Nơi ấy có những bà mẹ trẻ tình nguyện chia sẻ cho nhau từng dòng sữa ngọt lành. Nơi ấy có những “thiên thần áo trắng” ngày ngày vẫn quên ăn quên ngủ để thanh trùng từng mẻ sữa hiến tặng.

Cũng chính nơi ấy, có biết bao sinh linh bé bỏng đã được cứu sống nhờ những dòng sữa yêu thương.

Một chiều giữa tháng 5, đôi mắt của các bác sĩ, điều dưỡng BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng nhòe đi khi chứng kiến sự ra đi của một sản phụ quê Quảng Ngãi. Do sức khỏe yếu, lại sinh non nên chị qua đời ngay khi em bé cất tiếng khóc chào đời. Điều đáng thương là chị không còn người thân, còn người chồng bỏ đi mất dạng. Nhìn bé con vừa chào đời đã mồ côi mẹ, ai nấy đều không cầm được nước mắt.

Nguồn sống của trẻ sơ sinh bất hạnh

Đứa trẻ sau đó được các bác sĩ chuyển xuống khoa Nhi sơ sinh với chế độ chăm sóc đặc biệt. Từ đó đến nay, nhờ được uống sữa mẹ đầy đủ nên sức khỏe của bé đã ổn định. Nâng niu bé trên tay, nữ điều dưỡng Hoàng Thị Thanh Tâm cười hiền: “Nhìn con bé hạt tiêu vầy thôi chứ háu ăn lắm. Không còn cha mẹ nên bây giờ bé là con chung của các bác sĩ, điều dưỡng khoa Nhi và ngân hàng sữa mẹ”.

Chị Tâm cho biết trước đây những trường hợp trẻ bị bỏ rơi thường phải sử dụng sữa công thức hoặc sữa xin từ các bà mẹ khác trong BV. Tuy nhiên, chất lượng các nguồn sữa này không được đảm bảo, trẻ dễ bị mắc các mầm bệnh đường ruột. Từ khi ngân hàng sữa mẹ (NHSM) đi vào hoạt động, các bé được uống 100% sữa mẹ đã qua thanh trùng nên phát triển rất tốt.

Ngoài các trường hợp trẻ bị bỏ rơi, NHSM còn ưu tiên hỗ trợ sữa cho các trẻ sinh non, sản phụ bị tắc sữa. Chị Bùi Thị Thanh Vị, quê Quảng Ngãi sinh con thiếu tháng, bé nặng 2,1 kg. Những ngày đầu sau sinh, chị thường xuyên bị tắc sữa. “Cũng may có sữa của NHSM hỗ trợ nên con tôi được uống sữa mẹ đầy đủ. Đều đặn khoảng hai, ba tiếng tôi lại lấy sữa cho bé uống một lần” - chị Vị cho hay.

Ngân hàng sữa mẹ đang là nơi cung cấp nguồn sống cho những trẻ sơ sinh thiếu sữa. Ảnh: TÂM AN

Bác sĩ, điều dưỡng hiến cả lít sữa mẹ mỗi ngày

Điều khá bất ngờ là những giọt sữa đầu tiên mà NHSM đón nhận đến từ chính các cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng đang công tác tại BV Phụ sản-Nhi. Trong đó có Khánh Ly, điều dưỡng viên của BV, sinh con hồi đầu năm 2017 tại BV tỉnh Gia Lai. Tuy mới chuyển về BV Phụ sản-Nhi công tác nhưng Ly đã hiến tặng tới 16,9 lít sữa, có những ngày chị hiến cả lít sữa.

BS Lê Thị Thanh Hương, điều dưỡng viên của NHSM, cho biết những ngày đầu thấy chị và đồng nghiệp đi vận động hiến sữa, nhiều người còn tỏ ra nghi ngờ. Thậm chí có người hỏi thẳng: “Sữa có thật sự được chuyển tới người cần không hay là sử dụng cho mục đích khác?”. Có người lại kiên quyết: “Để tôi tự vắt, ai cần tôi tự mang tới cho”. Những lần ấy, chị Hương thường kiên nhẫn giải thích cặn kẽ để mọi người hiểu rõ.

Theo BS Lê Thị Thanh Hương, trong giai đoạn đầu, ngân hàng chỉ tiếp nhận sữa trong phạm vi BV để có thể quản lý tốt nguồn sữa cũng như quá trình vắt sữa, xét nghiệm, thanh trùng… Tuy nhiên, khi nhu cầu sữa ngày càng cao, đơn vị này đã tận dụng mạng xã hội Facebook để kêu gọi thêm các bà mẹ trẻ tham gia hiến sữa. Tổng số sữa mẹ hiến tặng hiện đạt khoảng 417 lít, trong đó có khoảng 25%-30% lượng sữa hiến tặng thông qua mạng xã hội Facebook.

Chị Hương bảo nhớ nhất là khoảng thời gian đầu, NHSM rơi vào cảnh thiếu sữa. Họ buộc phải ưu tiên dành sữa cho những trẻ có nguy cơ cao như nhẹ cân, thiếu tháng, bệnh lý hoặc mồ côi mẹ. “Có nhiều người vượt hàng trăm cây số từ Quảng Ngãi, Bình Định tới xin sữa.

Bởi vậy, khi nghe chúng tôi từ chối, họ bực tức rồi nói những câu rất nặng nề. Là một người mẹ, tôi hiểu được những bức xúc của họ. Thế nên chúng tôi đã đề đạt với lãnh đạo BV tìm thêm nguồn sữa hiến tặng, đồng thời mở rộng đối tượng nhận sữa. Dĩ nhiên để được hiến sữa, các bà mẹ phải trải qua hàng loạt khâu sàng lọc, xét nghiệm bệnh lý, được trang bị các kỹ năng vệ sinh đầu vú mẹ, vệ sinh bình sữa, máy hút sữa…” - BS Hương cho biết thêm.

BS Hương chẳng thể nhớ nổi những khó khăn, nhọc nhằn mà những người sáng lập NHSM đã trải qua. “Giống như xây một căn nhà vậy, mọi thứ đều rất bề bộn. Nhân sự của NHSM bấy giờ chỉ vỏn vẹn hai người. Chúng tôi được cử sang Anh học hỏi kinh nghiệm trong vòng một tuần, sau về nước vừa làm vừa rút kinh nghiệm” - BS Hương tâm sự.

Đến nay mỗi ngày NHSM hỗ trợ sữa cho hơn 30 trẻ đang nằm tại BV. Lãnh đạo BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng kỳ vọng NHSM sẽ góp phần hỗ trợ chăm sóc dinh dưỡng và điều trị bệnh cho khoảng 3.000-4.000 trẻ mỗi năm.

Hiến sữa để trả ơn nhận sữa

Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 10 bà mẹ đang đều đặn hiến sữa cho NHSM hằng ngày. Trong đó, người đang giữ kỷ lục là chị Trần Thị Hồng Thương (sinh năm 1993, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) với tổng cộng khoảng 42 lít sữa. Chị Thương sinh con gái đầu lòng khi thai mới 28 tuần tuổi và phải nhờ vào nguồn sữa từ NHSM để nuôi con trong những ngày đầu. Bởi vậy ngay khi có sữa trở lại, chị liền xung phong hiến tặng sữa cho ngân hàng. Kể cả sau khi xuất viện, chị Thương vẫn bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục hiến sữa.

__________________________

NHSM BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng là NHSM đầu tiên tại Việt Nam. NHSM hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận với sự chỉ đạo và hỗ trợ từ Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) và Sở Y tế TP Đà Nẵng. Đây là NHSM theo tiêu chuẩn quốc tế do Quỹ Margaret A. Cargill và Bill & Melinda Gates tài trợ với sự hỗ trợ kỹ thuật của PATH và Alive & Thrive.

Tác giả: Tâm An

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP