Giáo dục

[Chùm ảnh] Thầy giáo lội suối băng rừng 'bắt' học trò

Học trò bỏ học, không quay trở lại trường nên những thầy giáo vùng biên của tỉnh Nghệ An phải băng rừng, tìm bắt đến lớp và những cuộc 'đuổi bắt' vô cùng gian nan này không phải lúc nào cũng có kết quả.

Các thầy giáo ở Trường THCS xã Môn Sơn băng rừng, tìm học sinh thuyết phục trở lại trường.K.HOAN

Hằng năm, cứ sau kỳ nghỉ hè và tết Nguyên đán, hàng chục học sinh tộc người Đan Lai sống trong rừng sâu ở huyện Con Cuông (Nghệ An) lại tự động bỏ học, không quay trở lại trường. Nguyên nhân là do các em không muốn rời bản, trong khi nhiều phụ huynh thì bắt con vào rừng hái măng kiếm sống, hoặc ở nhà lấy chồng, lấy vợ.

Trước tình hình trên, mỗi năm vài ba bận, các thầy giáo ở Trường THCS xã Môn Sơn, huyện Con Cuông lại phải băng rừng, vào chốn thâm sơn, cùng cốc để tìm "bắt", thuyết phục học sinh trở lại trường học...

Dưới đây là những hình ảnh về một chuyến đi tìm “bắt” học sinh quay lại trường học của các thầy giáo Trường THCS Môn Sơn mà PV Thanh Niên ghi lại.

Con đường từ trung tâm xã Môn Sơn vào bản Khe Búng bằng đất vừa được mở cách đây vài năm với nhiều đoạn dốc dựng đứng, lởm chởm đất đá khiến 7 thầy giáo Trường THCS Môn Sơn và 1 chuyên viên Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Con Cuông phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới vào đến bản Khe Búng để “bắt” học trò. ẢNH: K.HOAN

Các thầy giáo tìm đến nhà em Lê Thị Mai (lớp 8). Mai không quay lại trường vì bố vừa mất. ẢNH K.HOAN

Các thầy giáo thuyết phục mẹ của Mai để đón em đến trường. Sau một hồi chần chừ, khi nghe các thầy bảo vết thương của Mai đã bị nhiễm trùng nặng, các thầy phải đưa Mai ra để chữa vết thương rồi đi học, người mẹ 5 đứa con này mới gật đầu đồng ý. ẢNH: K.HOAN

Các thầy giáo đến nhà em La Văn May (lớp 7) khi bố mẹ em đang đi rừng. Mặc cho các thầy cố gắng thuyết phục quay lại trường, May vẫn không hé nửa lời. ẢNH: K.HOAN

Không thuyết phục được May, các thầy giáo đến 3 gia đình khác gần đó nhưng các gia đình đều đang đi rừng hái măng, chỉ có một em bé ở nhà, nhưng em này đã bỏ trốn khi thấy thấy các thầy giáo. ẢNH: K.HOAN

Nỗi buồn in rõ trên khuôn mặt của các thầy giáo đi tìm học trò. ẢNH. K.HOAN

Lội suối để tìm "bắt" học trò. ẢNH: K.HOAN

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hào gặp em La Văn Tuấn (lớp 7) và thuyết phục Tuấn đến trường, Tuấn nói thầy phải đến gặp ông nội để xin, nếu ông nội đồng ý thì Tuấn sẽ trở lại trường. ẢNH: K.HOAN

Các thầy giáo lập tức đến nhà ông nội Tuấn nằm sâu trong rừng. ẢNH K.HOAN


Để đến nhà ông nội Tuấn, phải qua 4 lần lội suối và nhiều đoạn dốc. ẢNH K.HOAN

Sau chừng hơn nửa giờ đi bộ, các thầy mới đến được nhà ông nội Tuấn. ẢNH K.HOAN

Sau chừng 10 phút, khi nghe các thầy quả quyết “ông không cho Tuấn đến trường, các thầy sẽ ở lại đây” thì ông mới gật đầu đồng ý để Tuấn đi học. ẢNH: K.HOAN

Đêm, các thầy theo chân trưởng bản Khe Búng đi tìm, thuyết phục phụ huynh và học trò đến trường. ẢNH K.HOAN

Người dân Đan Lai sống trong những căn nhà sàn nghèo nàn. ẢNH: K.HOAN

Thầy giáo thuyết phục em Lê Thị Hằng và mẹ Hằng để Hằng đến trường học tiếp lớp 6. ẢNH K.HOAN

Các thầy giáo đến nhà anh Lê Văn Hoa để thuyết phục anh Hoa cho con đi học tiếp lớp 7 nhưng anh Hoa bảo nhà nghèo, học đến đó là được rồi. ẢNH K.HOAN

Sau 1 ngày, 1 đêm tìm đến 22 gia đình để thuyết phục học trò trở lại trường, sáng hôm sau chỉ có 6/22 em đồng ý đi học tiếp và thầy trò lội suối trở lại trường. ẢNH K.HOAN

Niềm vui của các thầy khi thuyết phục được em Lê Văn Cang học tiếp lớp 8 với yêu cầu của Cang: “Các thầy phải mua xe đạp và dép mới cho em thì em mới đi học”!. ẢNH K.HOAN

Thầy trò quay trở lại trường. ẢNH K.HOAN

Trên đường về trường, các thầy giáo bắt gặp 2 học sinh lớp 6 vừa nhập học được 2 tuần đã bỏ trốn về bản vì nhớ nhà và các thầy phải thuyết phục, đưa trở lại trường. ẢNH K.HOAN

Đến trung tâm xã, 6 em chịu quay trở lại trường được các thầy sắm dép mới. ẢNH: K.HOAN

Tác giả bài viết: K.Hoan

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP