Theo thống kê mới đây của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cả nước hiện có 41 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn mía/ngày nằm tại 25 tỉnh thành.
Tuy nhiên, trong số 41 nhà máy, có tới 22 nhà máy chỉ có công suất dưới 3.000 tấn. Một nhà máy đã dừng hoạt động từ cuối năm 2017. 21 nhà máy còn lại thì đều thuộc những công ty có nhà máy lạc hậu, cũ kỹ và thực sự là nỗi lo với ngành đường trong nước khi mở cửa hội nhập.
|
Theo VSSA, Hiệp định thương mại hàng hóa tự do ASEAN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 được dự báo sẽ tác động trực tiếp đến 41 nhà máy đường, 33 vạn hộ nông dân, 1,5 triệu lao động và 35 vạn công nhân công nghiệp chế biến. Trong đó, khoảng 22 nhà máy có công suất dưới 3.000 tấn sẽ bị tác động nặng nề nhất và khả năng cao sẽ phải đóng cửa do thua lỗ.
Điều này nhìn trước được là sẽ ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và thu nhập của 11 vạn hộ nông dân trồng mía, 38 vạn người lao động và 10 vạn công nhân chế biến. Ước tổng số tiền thiệt hại do tác động dẫn đến thua lỗ, phá sản cỡ khoảng 10.000 tỷ đồng.
Cũng theo VSSA, sau khi các nhà máy dừng hoạt động, vùng trồng mía cũng rất khó có thể tìm được cây trồng có hiệu quả hơn để thay thế. Điều này không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, thu nhập, đời sống người dân mà còn tác động không nhỏ đến vấn đề xã hội, an ninh trật tự ở nông thôn trong vùng.
Thế nhưng, trong đề án phát triển mía đường đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt hồi cuối tháng 4, cơ quan này không chỉ đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, tận dụng các phế phẩm để sản xuất điện, cồn, phân vi sinh… mà còn từng bước tiến tới xuất khẩu.
Trong đó, mục tiêu toàn ngành đến năm 2020, diện tích sản xuất ổn định 300.000 ha, đạt sản lượng mía trên 20 triệu tấn, cho sản lượng đường là 2 triệu tấn. Đến năm 2030, toàn ngành giữ ổn định diện tích nhưng năng suất được tăng lên với mục tiêu đạt sản lượng 24 triệu tấn mía, cho sản lượng đường 2,5 triệu.
Theo đề án, đến năm 2020, tổng diện tích mía nguyên liệu là 300.000 ha, trong đó, vùng nguyên liệu tập trung là 285.500 ha, gồm Vùng Trung du miền núi phía Bắc là 29.100 ha; Vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ 55.000 ha; Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ 66.000 ha; Vùng Tây Nguyên 64.700 ha; Vùng Đông Nam Bộ 26.500 ha và vùng ĐBSCL 44.000 ha. Năng suất mía bình quân đạt 60-70 tấn/ha. Sản lượng mía đạt 20-21 triệu tấn, trong đó, sản lượng mía đưa vào ép là 19 triệu tấn, cho năng suất 7 tấn đường/ha. Còn sản lượng đường sản xuất dự kiến vào khoảng 2 triệu tấn, trong đó 1,3 triệu tấn đường tinh luyện, 0,7 triệu tấn đường trắng và loại khác.
Tại đề án này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đưa ra mục tiêu kỳ vọng là nâng tỷ lệ đường tinh luyện, tận dụng các phụ phẩm từ sản xuất đường để sản xuất điện, cồn, phân vi sinh và các sản phẩm phụ khác để tăng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất mía đường.
Dự kiến đến năm 2020, khối lượng bã mía được sử dụng để sản xuất điện vào khoảng 5,5 triệu tấn/năm (chiếm 90% lượng bã mía tự nhiên từ sản xuất đường). Sản lượng điện đạt khoảng 1,1 triệu kWh/năm, trong đó điện lên lưới đạt 20-30%, tiến tới mục tiêu hình thành cụm công nghiệp mía đường và điện năng đối với các nhà máy có công suất từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên. Con số này được nâng lên 7 triệu tấn vào năm 2030, cho ra khoảng 1.500-1.600 triệu kWh điện/năm.
Đối với sản xuất cồn, đề án dự kiến khối lượng mật rỉ được sử dụng để sản xuất cồn vào khoảng 200.000-220.000 tấn/năm (chiếm 22-24% tổng lượng mật rỉ từ sản xuất đường), sản xuất được khoảng 56.000kg cồn 100%/năm, tương ứng với khoảng 70.000 lít cồn/năm. Con số này được nâng lên 330.000 tấn vào năm 2030, với tổng lượng cồn 100% đạt 80.000 tấn, tương ứng với 100.000 lít cồn/năm.
Đối với lĩnh vực sản xuất phân vi sinh, đề án đặt dự kiến khối lượng bã bùn được sử dụng để sản xuất phân vi sinh hữu cơ vào khoảng 600.000 tấn/năm (chiếm 66% tổng lượng bã bùn từ sản xuất đường) sản xuất được khoảng 350.000 tấn vi sinh hữu cơ/năm. Định hướng đến năm 2030, con số này đạt khoảng 770.000 tấn/năm, chiếm khoảng 67% tổng lượng bã bùn từ sản xuất đường. Sản lượng phân hữu cơ vi sinh nâng từ con số 350.000 (năm 2020) lên 500.000 tấn giai đoạn đến năm 2030.
Điểm đáng lưu ý trong đề án phát triển ngành mía đường đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không có chủ trương xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới mà chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy là 174.000 tấn mía/ngày; Đồng thời, tập trung đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để thay đổi cơ cấu sản phẩm, tăng tỷ lệ đường trắng, đường tinh luyện; nâng cao công suất ép và hiệu suất thu hồi. Dự kiến đến năm 2020, có ít nhất 70% nhà máy, cụm nhà máy có công suất trên 4.000 tấn mía/ngày, rút ngắn thời gian bình quân 110-115 ngày/vụ mùa.
Định hướng đến năm 2030, ngành mía đường tiếp tục giữ ổn định vùng nguyên liệu, tăng công suất thiết kế các nhà máy từ 174.000 tấn mía/ngày (năm 2020) lên con số 230.000 tấn mía/ngày (vào năm 2030). Trong đó, có khoảng 90% nhà máy, cụm nhà máy đạt công suất từ 4.000 tấn mía/ngày trở lên.
Tác giả: H. Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí