Đến dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trung ương.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP HCM luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước, xem phong trào thi đua yêu nước là động lực, đòn bẩy góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển TP. Qua các phong trào thi đua, TP luôn phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình tiêu biểu.
"Những nhân tố mới đã khơi dậy động lực thi đua và lan tỏa rộng lớn trong phong trào thi đua yêu nước tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp" - ông Phong khẳng định.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tặng bằng khen cho cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong công tác tổ chức, triển khai, thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng |
Để phong trào thi đua, công tác khen thưởng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị công tác khen thưởng phải tập trung chỉ đạo từ khâu đề xuất, lựa chọn; phải thực sự dân chủ, công khai, bảo đảm đúng quy trình, đúng thành tích, đúng đối tượng và tiêu chuẩn quy định; chú ý khen thưởng người trực tiếp lao động sản xuất, cán bộ cơ sở, cán bộ công tác ở những lĩnh vực, địa bàn khó khăn.
"Tiếp tục nhân rộng gương điển hình, mô hình mới, hiệu quả; đồng thời tôn vinh gương người tốt việc tốt, thầm lặng mà cao cả trong phong trào thi đua yêu nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - ông Phong nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ông Phong còn yêu cầu kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua - khen thưởng các cấp gắn với hoạt động thực tiễn từng đơn vị, bảo đảm số lượng, tính kế thừa và ổn định.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hoan nghênh TP HCM có nhiều chỉ đạo sát sao, dẫn đầu nhiều phong trào thi đua. Công tác khen thưởng luôn khách quan, gắn với Luật Thi đua - Khen thưởng. Trong thời gian tới, bà Thịnh đề nghị lãnh đạo TP ghi nhận nhiều kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua - Khen thưởng từ cơ sở.
Các địa phương cần đổi mới nội dung, phương thức tổ chức thi đua - khen thưởng. Lãnh đạo phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu, thúc đẩy tinh thần tiên phong trong cán bộ, đảng viên. "Là địa phương đầu tàu, TP phải nhân rộng những mô hình có tính giáo dục, nhân văn. Cơ quan, đơn vị tiến hành khen thưởng kịp thời, công khai, minh bạch, đúng người, đúng thành tích, đúng quy định" - bà Thịnh nói.
Trước đó, ông Huỳnh Công Hùng - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP HCM - cho biết từ khi Luật Thi đua - Khen thưởng 2003 có hiệu lực đến nay, TP có 934 phong trào thi đua và hơn 6.000 công trình, mô hình, giải pháp.
Từ thực tiễn, TP kiến nghị trung ương kịp thời ban hành hướng dẫn quy trình đăng ký thi đua và tiêu chuẩn xét khen thưởng cụ thể trong khu vực ngoài nhà nước. Hiện tiêu chuẩn khen thưởng chưa cụ thể hóa, ít đề cập đến khu vực trên. Do đó, cơ quan thi hành lúng túng khi xét thi đua cho công nhân, nông dân, doanh nghiệp tư nhân... Ngoài ra, quy trình, thủ tục hồ sơ xét khen thưởng vẫn rườm rà, phức tạp.
Dịp này, UBND TP khen thưởng 74 tập thể, 11 cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác tổ chức, triển khai, thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng.
Tác giả: Phan Anh
Nguồn tin: Báo Người lao động