Trong nước

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thôi giữ trọng trách tại Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã thôi giữ trọng trách tại Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Sau khi được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2021 -2026 (bầu ngày 2/3), ông Võ Văn Thưởng được Bộ Chính trị cho thôi giữ chức Thường trực Ban Bí thư.

Người đảm nhiệm chức vụ này thay ông Thưởng là bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Tiếp sau đó Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng thôi giữ chức Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thôi thành viên của Ban Chỉ đạo này.

Ở nhiệm kỳ Đại hội XII, khi trên cương vị Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Võ Văn Thưởng là Thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tháng 3/2021, ông là Phó trưởng Ban của Ban Chỉ đạo này cho đến khi sang đảm nhiệm công tác Chủ tịch nước.

Ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.


Hiện nay Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có 17 thành viên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Ban Chỉ đạo; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc là Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; 4 Phó trưởng Ban Chỉ đạo là bà Trương Thị Mai, Đại tướng Tô Lâm-Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Số Ủy viên Ban Chỉ đạo có 11 người.

Trong năm 2022, cũng có một trường hợp thôi thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là ông Trần Sỹ Thanh, sau khi ông thôi giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước để chuyển sang công tác mới là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Người thay thế là ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Trong 17 thành viên của Ban Chỉ đạo có 7 Ủy viên Bộ Chính trị, 3 Bí thư Trung ương Đảng, 7 Ủy viên Trung ương Đảng, có 2 cán bộ nữ là bà Trương Thị Mai và bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Bộ Chính trị thành lập, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước.

Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước.

Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tác giả: Quốc Bảo

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP