Tại sân bay ở thủ đô Bình Những, ông Diaz-Canel được đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un chào đón. Trên đường vào thành phố, hai người được người dân đứng hai bên đường cầm hoa reo hò ủng hộ.
Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, hai ông Diaz-Canel và Kim đã tổ chức hội đàm "trong bầu không khí thân thiện" tại Nhà khách Quốc gia Paekhwawon và tuyên bố sẽ tiếp tục duy tình đoàn kết giữa hai nước.
Hãng tin AP nhận định chuyến thăm của chủ tịch Cuba đến Triều Tiên được xem là một "lời cảnh cáo" dành cho Mỹ trong bối cảnh Washington gặp nhiều khó khăn để yêu cầu Bình Nhưỡng tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ông Diaz-Canel (phải) được nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp đón ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Bộ Ngoại giao Cuba |
Ngoài Cuba, chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng thắt chặt quan hệ với Nga thời gian gần đây. Cuối tuần trước, truyền thông nhà nước Triều Tiên chỉ trích Mỹ không ngừng ủng hộ các biện pháp trừng phạt - một "công cụ chính trị mà Washington áp đặt đối với Cuba và Nga". Bình Nhưỡng còn ám chỉ sẽ tiếp tục phát triển hạt nhân nếu Washington không thay đổi lập trường.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được cho là vấn đề quan trọng nằm trong chương trình nghị sự của ông Diaz-Canel khi tới châu Á.
Người dân Triều Tiên chào đón chủ tịch Cuba. Ảnh: Prensa Latina |
Tại Moscow, ông Diaz-Canel đã thảo luận về thỏa thuận vũ khí trị giá gần 50 triệu USD với Nga, đồng thời nhận được cam kết mở rộng quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự từ Tổng thống Vladimir Putin. Hai người sau đó ra tuyên bố chung tố cáo Mỹ "can thiệp vào các vấn đề trong nước của những quốc gia có chủ quyền".
Lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba, ban đầu được áp dụng vào năm 1958, sau đó mở rộng và vẫn được duy trì đến hiện tại. Trong khi đó, Nga đang phải đối mặt với một loạt biện pháp trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên quan tới động thái sáp nhập bán đảo Crimea cùng với sự hỗ trợ dành cho phe ly khai ở miền Đông Ukraine.
Tác giả: Phạm Nghĩa
Nguồn tin: Báo Người lao động