Kinh tế

Chủ cây xăng phải đi mua từng chai để dùng

Gần 30 năm làm đại lý bán lẻ xăng dầu, lần đầu tiên bà Nguyễn Thị Bích Vân (tỉnh Sóc Trăng) phải đi mua từng chai xăng về để sử dụng…

Những ngày gần đây, trên tuyến đường Nam Sông Hậu (nối các địa phương Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu), nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa hoặc treo bảng “hết xăng”, mở cửa nhưng không bán hoặc bán cầm chừng 20.000 - 30.000 đồng cho người đi xe máy.

Cửa hàng xăng dầu DNTN Năm Hung ở Sóc Trăng hết xăng. ẢNH: T.Q

Chị Nguyễn Xuân Đào, đại lý bán lẻ xăng dầu DNTN Anh Kiệt (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), cho biết, cây xăng đã đóng cửa hơn 2 tuần nay vì không còn vốn liếng để nhập hàng.

“Thực sự chúng tôi không còn vốn nữa, thua lỗ liên tục từ đầu năm 2022 đến nay nên kiệt quệ. Hiện hoa hồng mỗi lít xăng dầu chỉ từ 50-150 đồng. Chi phí hằng tháng nào kế toán, nhân viên, tiền điện, tiền nước, hao hụt…, chúng tôi phải bù lỗ rất lớn, giờ không thể trụ được nữa”, chị Đào nói.

Chủ đại lý xăng dầu DNTN Năm Hung (xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), bà Nguyễn Thị Bích Vân nói rằng, đã 3 tuần nay cây xăng không còn một giọt xăng để bán, kể cả xăng mẫu cũng đã đem ra sử dụng cho xe máy gia đình và cho người đi đường chẳng may hết xăng dọc đường. “Nhà cung ứng họ báo không còn hàng để giao, đôi khi giao cũng chỉ được 1.000 - 2.000 lít để “chữa cháy” rồi ngưng. Cửa hàng tôi đã phải chịu lỗ liên tục trong nhiều tháng nay, hoa hồng hiện nay chỉ 30 - 100 đồng, nhưng nếu có xăng tôi vẫn bán vì sợ bị phạt”, bà Vân bộc bạch.

Chuyện nghịch lý, theo bà Vân là gần 30 năm làm đại lý xăng dầu, lần đầu bà rơi vào cảnh chủ cây xăng phải đi mua từng chai xăng. “Các cây xăng quanh đây cũng hết hàng, mấy ngày nay tôi phải đi xe ôm lên tận TP Sóc Trăng để mua xăng về cho hai đứa cháu đổ xe máy”, bà nói.

Nguy cơ đứt gãy diện rộng?

Với lý do càng bán càng lỗ nặng, một doanh nghiệp (DN) ở Cần Thơ xin tạm ngưng kinh doanh cửa hàng xăng dầu đến ngày 18/11, nếu tình hình thị trường xăng dầu ổn định trở lại thì sẽ tiếp tục kinh doanh. Trường hợp sau ngày 18/11 thị trường xăng dầu vẫn chưa ổn định thì công ty xin ngưng hoạt động cửa hàng xăng dầu và trả Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu lại cho Sở Công Thương.

Theo đại diện một DN xăng dầu ở Hậu Giang, các giải pháp ổn định thị trường xăng dầu hiện nay cơ bản hướng đến các thương nhân đầu mối, đơn vị cung ứng mà chưa thật sự đến được đại lý, người trực tiếp bán hàng hóa, trong khi họ là người chịu thiệt nhiều nhất. “Thua lỗ trong một vài tháng họ có thể trụ được, chứ liên tục trong thời gian dài thì còn đâu vốn liếng để làm ăn. Trong khi chính sách hạn mức tín dụng như hiện nay thì các đại lý khó tiếp cận vốn đề duy trì kinh doanh. Nếu tình trạng này kéo dài, không có giải pháp hài hòa, căn cơ thì nguy cơ dẫn đến đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên diện rộng có thể xảy ra”, vị này nhận định.

UBND TP Cần Thơ cho biết, qua kiểm tra, giám sát, vẫn còn một số cửa hàng xăng dầu thiếu nguồn hàng. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các thương nhân đầu mối và phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, cung ứng đầy đủ cho thị trường. Các đầu mối cần tạo điều kiện để thương nhân xăng dầu được nhận hàng tại kho vào thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ và tăng thời gian giao nhận hàng hóa tới hệ thống kinh doanh của DN.

Theo Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, đã kiểm tra, xử phạt vi phạm kinh doanh xăng dầu số tiền hơn 504 triệu đồng, với nhiều hành vi vi phạm, trong đó có việc ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản; giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng…

Tác giả: CẢNH KỲ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP