Trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam đang được đẩy mạnh, nhiều quan điểm trái chiều đã xuất hiện, một số trong đó mang tính xuyên tạc, gây hoang mang, nhiễu loạn trong dư luận. Họ cho rằng, chống tham nhũng, xử lý nhiều cán bộ như vậy sẽ gây mất ổn định chính trị, gây xáo trộn trong xã hội, thậm chí cho rằng, đó là cuộc đấu đá của các phe nhóm. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với GS.TS Khoa học Phan Xuân Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
GS.TS Khoa học Phan Xuân Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh |
PV: Thưa Giáo sư, liên tục trong thời gian gần đây, nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý vi phạm kỷ luật , một số người bị xử lý hình sự. Một số ý kiến cho rằng, ở Việt Nam đã có sự bất ổn về chính trị. Giáo sư nhìn nhận về quan điểm này như thế nào?
GS Phan Xuân Sơn: Nhìn nhận vấn đề này như thế nào thì tùy theo mục đích, động cơ sẽ có góc nhìn tiếp cận khác nhau. Thực ra chúng ta thấy hiệu quả phòng chống tham nhũng thời gian qua là rất tốt, đặc biệt là phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng về phòng chống tham nhũng. Một là phòng chống tham nhũng phải rất quyết liệt, phải rất mạnh mẽ. Thứ hai là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kỳ người đó là ai và không ai có thể can thiệp được. Thứ ba là phòng chống tham nhũng để củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên tất cả những gì chúng ta thấy vừa rồi không có gì là lạ lẫm cả. Tuy nhiên, có nhiều người nhìn hiện tượng này cũng băn khoăn và đặt ra câu hỏi, cho rằng, xử lý nhiều cán bộ như vậy thì không còn cán bộ làm việc nữa?
Còn các thế lực thù địch lại bày vẽ ra những thông tin kiểu như: phòng chống tham nhũng như vậy là đấu đá nội bộ, phe này phe kia…Và chúng cho rằng, hệ thống của chúng ta có những vấn đề bất ổn. Chúng tuyên truyền như vậy để gây hoài nghi trong xã hội.
Đối với những người thiếu thiện chí thì bất cứ điều gì chúng ta làm họ cũng xuyên tạc, làm đúng thì chúng nói sai. Và nếu như có kết quả tốt thì chúng hạ thấp kết quả xuống. Phương cách của chúng là dù chúng ta làm đúng hay tốt chúng vẫn xuyên tạc.
Chúng ta đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng họ cũng xuyên tạc. Nhưng nếu chúng ta không đấu tranh phòng chống tham nhũng thì họ sẽ nói rằng, chế độ này là chế độ tham nhũng. Họ sẽ nói xấu để làm cho hình ảnh của Việt Nam trong con mắt quốc tế và Nhân dân trở nên xấu xí. Cho nên chúng ta phải rất cảnh giác với những luận điệu như vậy và nhìn nhận sự nghiệp phòng chống tham nhũng bằng con mắt khoa học.
Thứ nhất, không có nước nào có bộ máy nhà nước, hệ thống công chức công vụ trong sạch và mạnh nếu không quyết tâm, quyết liệt phòng chống tham nhũng. Thứ hai, còn nạn tham nhũng thì sự phát triển không thể bền vững và uy tín của Đảng lãnh đạo sẽ bị xói mòn. Nhân dân sẽ không tin vào sự lãnh đạo của Đảng, không tin vào đội ngũ công chức công vụ và hệ thống nhà nước.
PV: Vì thế mà chúng ta không thể dừng lại, không thể nhụt chí trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thưa ông?
GS Phan Xuân Sơn: Đúng thế, phòng chống tham nhũng là một tất yếu lịch sử. Nếu chúng ta muốn phát triển tiến bộ văn minh như mục tiêu đề ra là xây dựng một đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh thì chúng ta phải quyết liệt phòng chống tham nhũng. Hiện nay, kết quả phòng chống tham nhũng của chúng ta lớn đến mức nhiều người phải giật mình kinh ngạc.
Vì chúng ta xử lý không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Quả thực, vừa rồi chúng ta thấy không có vùng cấm, bất kỳ đó là ai. Tuy nhiên, trong đánh giá khoa học của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), chỉ số cảm nhận phòng chống tham nhũng của chúng ta cũng mới trên 40 điểm. Chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa, chưa thể dừng lại ở đó, phấn đấu như các nước Đan Mạch, Na Uy hay Singapore, chỉ số của họ trên 90 điểm.
Nói như vậy để chúng ta biết rằng, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp phòng chống tham nhũng.
PV: Như vừa trao đổi với Giáo sư ở phần đầu, việc chúng ta xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, trong đó có cán bộ cấp cao, một số ý kiến cho rằng, thực tế trên sẽ gây xáo trộn trong công tác cán bộ và thậm chí là trong đời sống chính trị. Ông nghĩ sao về quan điểm đó?
GS Phan Xuân Sơn: Việc xử lý như vừa rồi có gây mất ổn định trong hệ thống chính trị không? Theo tôi nghĩ là không. Vì sao tôi nói vậy? Bởi vì các cán bộ của chúng ta đều có quy hoạch và chuẩn bị. Mỗi chức danh như vậy, chúng ta đã chuẩn bị hai, ba phương án nhân sự để có thể thay thế. Giả sử như một phương án mà vi phạm bị xử lý, thậm chí là hình sự đi chăng nữa thì chúng ta cũng có phương án thay thế.
Thứ hai là việc xử lý này nằm trong quy trình chung của cán bộ. Tức là ai không đủ tiêu chuẩn, không xứng đáng, những ai tham nhũng chạy chức, chạy quyền thì xử lý. Và chúng ta có người khác kế cận, có đội ngũ khác kế cận. Mặc dù nhiều người gọi là đau xót nhưng nếu xử lý đúng người, đúng việc thì không phải tiếc.
Như Bác Hồ nói, chặt cành sâu để cả cây xanh tốt. Việc đó chúng ta cũng không phải băn khoăn.
PV: Vậy việc xử lý cán bộ, thay thế nhiều cán bộ cấp cao có ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển đất nước không thưa Giáo sư?
GS Phan Xuân Sơn: Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có độ tin cậy cao về sự ổn định chính trị xã hội. Điều này có nhiều yếu tố.
Một là yếu tố về sự vận hành của hệ thống chính trị, tổ chức hệ thống chính trị.
Thứ hai là năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ ba là truyền thống văn hóa chính trị của Việt Nam là một truyền thống văn hóa hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước, vì đất nước đã trải qua rất nhiều thời kỳ chiến tranh.
Chống tham nhũng vừa rồi cũng là một trong những yếu tố củng cố thêm sự ổn định chính trị xã hội đó.
Cho nên không phải vì chống tham nhũng mà chúng ta mất ổn định chính trị xã hội, mà ngược lại, càng chống tham nhũng tốt thì xu hướng ổn định chính trị xã hội càng tốt. Chắc chắn là như vậy. Và trên thế giới này, những nước có chỉ số cảm nhận về phòng chống tham nhũng cao thì cũng là những nước rất ổn định về chính trị. Do vậy, không thể lập luận là chống tham nhũng sẽ gây xáo trộn, không ổn định được.
Còn việc xử lý như vậy có gây xáo trộn trong công tác cán bộ không? Nhiều lần tôi đã nói, đó là những kỳ biến động mang tính cục bộ. Nhưng tổng thể trong hệ thống của chúng ta không có sự xáo trộn, không có mất ổn định. Cho nên chúng ta thấy, một số đồng chí có quyền rất cao, nhưng vừa xử lý xong thì chúng ta có người thay thế ngay. Người thay thế cũng xứng đáng chứ không phải không xứng đáng. Đội ngũ nguồn lực, tiềm năng của chúng ta còn lớn, rất rộng. Cho nên không lo những chuyện như vậy.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!
Tác giả: Trường Giang
Nguồn tin: Báo VOV