Giáo dục

Chống ô nhiễm môi trường từ chất thải công nghiệp

Thực trạng ô nhiễm môi trường đang nóng lên từng ngày và có chiều hướng gia tăng đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần nghiên cứu, giải quyết. Đặc biệt, nhiều nhà máy, xí nghiệp liên tiếp xả chất thải công nghiệp ra môi trường gây thiệt hại không nhỏ cho đời sống người dân, phá vỡ môi trường sinh thái tự nhiên.

Chính điều đó đã thôi thúc nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nghiên cứu, chế tạo nên thiết bị xử lý chất thải dệt nhuộm với nhiều ưu điểm thông minh. Đánh vào vấn đề bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác nhân gây hại cho môi trường thủy sinh, hướng đến cộng đồng, thiết bị đã xuất sắc giành giải cao tại Hội nghị nghiên cứu khoa học cấp trường và là một sáng chế có trọng lượng tại ngày hội nghiên cứu khoa học Tech Show 2017 do ĐH Đà Nẵng tổ chức.

Nhóm sinh viên chế tạo ra thiết bị trên gồm: Lâm Hưng Thắng, Nguyễn Chí Đức, Nguyễn Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Thu Hương (khoa Môi trường) và Nguyễn Duy Hùng (khoa Điện). Nói về việc tìm được tiếng nói chung trong việc chế tạo thành công thiết bị, nhóm tác giả cho biết vấn đề môi trường không còn là mối quan tâm của riêng một tổ chức, đơn vị nào mà phải cần có sự chung tay của tất cả mọi người.

Từ thông tin báo chí, nhóm tác giả nhận thấy nhiều nhà máy vô trách nhiệm xả trực tiếp chất thải chưa qua xử lý ra môi trường dẫn đến tình trạng cá, tôm và động vật thủy sinh chết khắp nơi. "Nghiên cứu khoa học cần xuất phát từ thực tiễn. Là sinh viên môi trường, chúng tôi phải có trách nhiệm thay đổi điều đó và việc tạo ra sản phẩm xử lý chất thải chỉ là một hành động nhỏ", Thu Hương chia sẻ.

Dưới sự hướng dẫn của TS Lê Thị Xuân Thùy, Giảng viên khoa Môi trường, nhóm sinh viên bắt đầu nghiên cứu, chế tạo. Nhận thấy vật liệu keo tụ mới là PGá21Ca là loại vật liệu có khả năng xử lý, khử trùng nhiều chất thải độc hại được nhiều nước trên thế giới sử dụng, nhưng tại Việt Nam vẫn còn khá mới lạ, nhóm quyết định đưa vào nghiên cứu ứng dụng.

PGá21Ca có thành phần chính là poly-gamma glutamic axit (PGA) - polyme tự nhiên được trùng hợp từ axit glutamic. Đây là hợp chất vô cùng quan trọng với thành phần axit amin cấu tạo nên protein có khả năng tự phân hủy sinh học, không gây độc hại. "Quá trình nghiên cứu phải thật chi tiết, cẩn thận bởi là hợp chất khử nên chỉ cần làm sai bất cứ một quy trình nào đều không cho ra thành quả như mong đợi", Thắng giải thích.

Nhóm tác giả bên thiết bị xử lý chất thải dệt nhuộm bằng vật liệu keo tụ.

Qua hai tháng mày mò, nghiên cứu, sản phẩm được hoàn thành với cấu tạo gồm: bể chứa nước thải dệt nhuộm, bể phản ứng-keo tụ, bể chứa nước sau khi xử lý, bộ phận châm hóa chất, van xử lý nước cặn và các bông keo tụ vào bể chứa cặn. "Tất cả đều hoạt động với quy trình khép kín. Chỉ cần cho nước thải vào thiết bị sẽ tự xử lý, thanh trùng, khử chất độc dệt nhuộm, đưa chất thải vào một van chứa và thải chất thải không có thành phần gây hại ra môi trường", Thắng cho biết.

Có được thành công, nhóm tác giả đã phải "ăn nằm" tại Cty Cổ phần Dệt Hòa Khánh để nghiên cứu thực tiễn ở những trường hợp, thời điểm khác nhau. Theo nhóm tác giả, ở nhà máy dệt nhuộm chất thải là không đồng nhất màu. Mỗi chất thải màu khác nhau, thành phần hóa học tạo nên những hợp chất không giống nhau. Điều đó đòi hỏi phải làm sao tạo nên hợp chất trung gian có thể khử trùng được tất cả loại nước thải.

TS Lê Thị Xuân Thùy nhận định, thiết bị có nhiều ưu điểm về cấu tạo gọn nhẹ, khả năng ứng dụng cao. Đối với những nhà máy, xí nghiệp dệt may khó khăn trong vấn đề xử lý nước thải thì đây là thiết bị có thể tham khảo, áp dụng, nhân rộng trên quy mô lớn.

Tác giả: Phi Nông

Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng- CADN Online

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP