Cuộc sống

Chồng kiểu gì mà thấy vợ là...né?

Chồng em thấy em về đến nhà là xách xe đi mất, không ăn cơm nhà, tối muộn mới về, lại thức chơi game hay ôm máy tính đến khuya; em và hai con phải ngủ trước.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em 32 tuổi, lập gia đình hơn sáu năm, có hai con. Trước đây, vợ chồng đều đi làm, công việc của em ổn định nhưng chồng em làm nhân viên kinh doanh nên thu nhập cũng bấp bênh. Dù vậy, nhờ có hai nguồn thu nên kinh tế gia đình cũng sống được. Năm ngoái, chồng em than công việc nhàm chán, áp lực cao, sếp lại khó chịu nên nghỉ làm, định xin việc khác; nhưng mãi anh vẫn chưa tìm được việc mới. Việc này thì anh chê thu nhập thấp, việc kia lại bảo không hợp tính anh.

chongculamm 201253357


Có nơi, anh chỉ làm được hơn tuần lại nghỉ, lý do rất… buồn cười là có mấy đồng nghiệp rất khó ưa. Ban đầu em còn kiên nhẫn tìm việc cho anh, giờ thì quá nản. Tiền bạc eo hẹp dần, em phải tìm việc làm thêm, về trễ hơn, mệt hơn nên đôi khi sinh cáu gắt. Chồng em viện cớ đó, thấy em về đến nhà là xách xe đi mất, không ăn cơm nhà, tối muộn mới về, lại thức chơi game hay ôm máy tính đến khuya; em và hai con phải ngủ trước.

Sáng em dậy đi làm, chở con đi học thì anh vẫn còn ngủ. Suốt ngày em cũng không biết anh làm gì ở nhà. Em nói gì anh cũng im lặng, em lớn tiếng thì anh bỏ đi. Cứ vậy em như thành một thứ hung thần trong nhà, thấy em là anh… né. Gia đình nguội lạnh dần. Em rất bực vì chồng vô trách nhiệm với bản thân và gia đình, nhưng không biết làm thế nào để ít ra là anh chịu ngồi lại nói với em cho rõ ràng mọi chuyện. Làm sao để chồng em chấm dứt kiểu né tránh vợ?


Ngọc Linh (TP.HCM)

Em Ngọc Linh thân mến,

Việc trốn vợ của chồng em có nhiều lý do, mình phải tìm cho rõ ngọn ngành mới xác định được là phải làm thế nào ngăn chặn nó. Lý do đầu tiên là chồng em mất việc, mặc cảm; em có thể vẫn phải tiếp tục kiên nhẫn tìm việc cho chồng, giúp anh xác định công việc nào phù hợp, cái hơn cái thiệt nằm ở đâu. Em cũng có thể nhờ bạn bè phân tích cho chồng thấy, kinh tế gia đình buộc anh phải chấp nhận một công việc có thể chưa hoàn toàn như ý, để đỡ gánh nặng cho vợ.

Tất cả những chuyện này nếu mình dồn lại để nói hết, thì mình đâm ra là người nói nhiều, thành “hung thần” trong nhà. Nhưng nếu không nói, một mình sẽ gánh không xiết, chồng càng ở nhà lâu càng khó trở lại với môi trường công việc. Em phải tìm kiếm thêm đồng minh hỗ trợ để nói chuyện với chồng, kể cả ba má, anh chị.

Lý do thứ hai, có thể là do dưới áp lực của kinh tế gia đình khiến tính tình thay đổi, em phần nào đã “hung dữ” hơn thật. Mình càng làm dữ, người ta càng thêm mặc cảm, càng tránh xa mình hơn, mà cũng chẳng thay đổi được gì. Em phải gắng nhẫn nhịn một chút. Em nghĩ xem, sông có khúc người có lúc, mình dồn quá khi chồng mất việc thì mình có thể mất chồng, con mình mất cha. Mất việc đã là một thiệt hại cho gia đình, em đừng để vì nó mà mất thêm nhiều thứ khác nữa.

Em cũng nên thử nhờ chồng phụ chăm lo cho các con như đưa đón đi học, nhờ chồng chia sẻ việc nhà những khi em về trễ. Cứ nhờ vả bằng cách “ngọt ngào” nhất, đừng cố phân chia rạch ròi trách nhiệm, công việc. Đồng thời, “huy động” cả các con phụ với mẹ. Chồng nấu ăn, đưa đón con… có trật vuột đôi lần em cũng đừng cằn nhằn…

Lý do cuối cùng là sự đồng cảm của em. Rất có thể anh ấy gặp chuyện gì đó ở chỗ làm mà em vì quá bận, quá mệt, không tìm hiểu đến tận cùng. Vợ chồng đầu gối tay ấp, em hãy nối lại những cuộc trò chuyện thân mật, cho dù có phải thức khuya chờ chồng. Thông cảm, động viên, chia sẻ… có thể em sẽ nối lại được mối dây tình cảm, từ đó giải quyết được nhiều việc khác. Em cần cố gắng hơn để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tác giả bài viết: Hạnh Dung

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP