Trong nước

Chôn trộm hơn 300 bộ hài cốt ở Thái Bình: Có dấu hiệu phạm tội?

Xung quanh vụ chôn trộm hơn 300 bộ hài cốt ở Thái Bình, luật sư cho rằng, có nhiều dấu hiệu phạm pháp.

Lộ diện 'thủ phạm' chôn trộm hơn 300 bộ hài cốt tại Thái Bình
Chở hơn 300 bộ hài cốt từ Hà Nội về chôn trộm tại Thái Bình

Trước đó, VTC News đưa tin công an huyện Thái Thụy, Thái Bình vừa bắt quả tang một vụ vận chuyển và chôn cất trái phép hơn 300 bộ hài cốt tại các xã Thái Thuần, Thái Hưng và Thái Học thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận rằng, ngày 21/9 đã đưa 118 tiểu sành có chứa hài cốt người về chôn cất tại nghĩa trang thôn Linh Thanh, xã Thái Thuần, huyện Thái Thụy.

Sau đó, ngày 24/9 các đối tượng này tiếp tục đưa 116 tiểu sành có chứa hài cốt người về chôn cất tại khu vực nghĩa trang thôn Văn Hàn Tây, xã Thái Hưng.

Theo tìm hiểu, số hài cốt trên được Công ty Cổ phần Dệt Minh Khai ký hợp đồng di dời mồ mả, hài cốt với ông Lê Trung Tuấn (SN 1976, trú tại 83 Vũ Trọng Phụng, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội). Ông Tuấn được chính Công ty CP Dệt Minh Khai gọi là " nhà ngoại cảm".

Theo đó, ông Tuấn có trách nhiệm hoàn thiện các thủ tục để di dời mồ mả, hài cốt theo đúng quy định, nhưng ông Tuấn lại thuê người khác làm.

Hiện trường vụ chôn cất trái phép hài cốt ở Thái Bình.

Được biết, nguồn gốc hơn 300 bộ hài cốt trên được di dời để thực hiện dự án thuộc diện giải phóng mặt bằng tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Trước sự việc trên, luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: "Theo quan điểm của tôi, quy định của pháp luật liên quan đến bồi thường GPMB việc di dời mồ mả, hài cốt, cây trồng, vật nuôi, tài sản trên đất trên địa bàn TP Hà Nội phải thực hiện theo đúng trình tự quy định của Luật đất đai năm 2013, Nghị định số 43, 47/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật đất đai và Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 20/6/2016 của UBND TP. Hà Nội quy định về trình tự thủ tục thu hồi đất, bồi thường GPMB trên địa bàn HN.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, Công ty CP Dệt Minh Khai ký hợp đồng với ông Lê Trung Tuấn thuê vận chuyển hài cốt từ Hà Nội về Thái Thụy, Thái Bình có dấu hiệu tội xâm phạm thi thể mồ mả, nếu việc di chuyển đó do công ty tự ý di chuyển.

Theo quy định, Chủ tịch UBND cấp quận/huyện mới có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế di dời. Do đó, việc tự ý di dời mồ mả, hài cốt của Công ty là vi phạm pháp luật”.

Trước những băn khoăn của dư luận về việc phía Công ty CP Dệt Minh Khai phải chịu trách nhiệm hay người ký hợp đồng với Công ty và người vận chuyển phải chịu trách nhiệm, luật sư Tuấn cho biết: "Như tôi phân tích, hành vi tự ý di dời mồ mả mà không thuộc chức năng của Công ty CP Dệt Minh Khai - người đại diện theo pháp luật của Công ty sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm thi thể, mồ mả với vai trò là chủ mưu. Người ký hợp đồng với Công ty chịu trách nhiệm hình sự về cùng tội danh này với vai trò đồng phạm giúp sức".

Điều 319. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;

c) Vì động cơ đê hèn;

d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.

Tác giả bài viết: Ngọc An

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP