Giáo dục

Chọn người tài không nên phân biệt đối xử về bằng cấp

Không ít đơn vị tuyển dụng có "ác cảm" với sinh viên tốt nghiệp tư vì họ nghi ngờ về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, đây là tư duy có vẻ lỗi thời...

LTS: Liên quan tới việc một số đơn vị tuyển dụng công chức ra điều kiện sinh viên phải có bằng Đại học hệ công lập.

Một số quan điểm cho ràng, cách tuyển dụng này rất dễ bỏ lọt người tài.

Để làm rõ vấn đề trên, hôm 20/10, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.


Chỉ tuyển sinh viên công lập là sai

PV: Thưa ông, trong tuyển dụng công chức, có quy định nào bắt buộc đối tượng được tuyển dụng phải tốt nghiệp Đại học công lập hay không?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Không có quy định đó đâu. Sinh viên các trường công lập và dân lập là bình đẳng, vấn đề là chất lượng đào tạo thôi.

Thực tế các năm về trước, nhiều tỉnh có nghị quyết hẳn hoi về việc tuyển dụng này (Nam Định, Quảng Nam...). Trong thông báo tuyển dụng họ nói rõ tuyển sinh viên công lập và chỉ đích danh trường Đại học - đơn vị đào tạo nguồn nhân lực.


Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (ảnh: VOV).

Việc này là trái với quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, tạo ra sự bất bình đẳng trong tuyển dụng.

Theo xu hướng xã hội hóa hiện nay, các cơ sở đào tạo ngoài công lập sẽ tham gia vào việc cung cấp dịch vụ công. Các trường sẽ tự chủ hoàn toàn về tài chính, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất... Như vậy các cơ sở đào tạo dân lập sẽ không khác gì công lập.

Do đó, khi nghị quyết về việc tuyển dụng được địa phương ban hành trái quy định, người ta có quyền kiện, đề nghị đơn vị tuyển dụng đảm bảo nguyên tắc tuyển dụng công chức.

Như ông nói việc đặt ra điều kiện tuyển dụng này là sai quy định, nhưng tại sao nhiều địa phương vẫn thực hiện cách tuyển dụng này?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Do người ta hoài nghi chất lượng đào tạo đặc biệt là các trường ngoài công lập, cho nên họ mới quy định như vậy.

Còn về mặt quản lý Nhà nước thì không có chuyện phân biệt đối xử trong tuyển dụng công chức và không có quy định nào như vậy cả.

Vấn đề có liên quan tới tư duy, nhận thức xã hội. Đã có thời kỳ người ta quan niệm con cái phải tốt nghiệp Đại học công lập, chính quy thì mới tốt, mới dễ xin việc.

Ngược lại, người ta thiếu niềm tin về chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.​ Đây là quan niệm chưa chính xác.

Thực tế thì các trường công lập hiện nay thuận lợi hơn rất nhiều so với các cơ sở đào tạo ngoài công lập (cơ sở vật chất, bề dày truyền thống...), nên họ có điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục.

Nói như vậy không đồng nghĩa rằng, chất lượng sinh viên trường công lập là như nhau và sinh viên các trường ngoài công lập là không đảm bảo chất lượng.

Tư duy này đang dần thay đổi trong cơ chế thị trường. Ví dụ, khi cơ sở tuyển dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng không cần tuyển người tốt nghiệp Đại học, thì bản thân người học buộc phải thay đổi suy nghĩ, tính toán chi phí cơ hội, lựa chọn nghề (sang học nghề) để phù hợp với nhu cầu thực tế.

Trường hợp đã có quy định về tuyển dụng, nhưng địa phương vẫn không tuân thủ thì phải làm gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Trong thực tế nhiều địa phương vẫn áp dụng cách/điều kiện tuyển dụng nói trên.

Như tôi đã nói, thậm chí có địa phương còn ra nghị quyết về việc tuyển dụng này với điều kiện sinh viên phải tốt nghiệp trường Đại học công lập...

Trước đây, khi xác định dấu hiệu vi phạm trong việc tuyển dụng công chức, Bộ Nội vụ thường rà soát và có văn bản chấn chỉnh,

Nhưng muốn hủy quy định sai trái này còn phải xin ý kiến bên khối Đảng nữa.

Chọn người tài không nên phân biệt đối xử về bằng cấp

Có ý kiến cho rằng, nếu đưa ra quy định về tuyển dụng như cách làm của tỉnh Nam Định vừa qua, đơn vị tuyển dụng có thể bỏ lọt người tài. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Thực tế, các trường ngoài công lập vẫn có những học sinh rất chất lượng. Do đó, nếu quy định như một số địa phương trên sẽ để lọt người giỏi. Mặt khác thiếu tính công bằng trong cạnh tranh, thi tuyển.

Ở nước ngoài, sinh viên ngoài công lập là chính chứ. Ví dụ như Đại học Harvard là trường ngoài công lập nhưng vẫn nổi tiếng khắp thế giới đấy thôi.

Tất nhiên để làm được điều này người ta cũng mất nhiều thời gian để xây dựng thương hiệu, đặc biệt là chất lượng đào tạo.

So sánh đào tạo nước ngoài với Việt Nam thì khập khiễng vì thực tế ở nước ta không nhiều trường ngoài công lập có chất lượng thật, vì cơ sở vật chất, đội ngũ, giáo trình còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông, trong công tác tuyển dụng, cách nào để tìm được người tài?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Xu hướng chung hiện nay các trường Đại học không quan tâm nhiều đến đầu vào mà họ chú trọng đầu ra.

Có những trường đầu vào rất tốt nhưng trong quá trình đào tạo, chất lượng không cao thì cũng không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Do đó đầu ra chất lượng có thể kém.

Vấn đề đặt ra là, anh làm gì thì làm nhưng cuối cùng phải có chất lượng, hiệu quả.

Nếu anh học mà không ra được trường thì chính người học cũng phải nghiên cứu lại các chi phí cơ hội. Vấn đề là chúng ta không quản lý tốt đầu ra, cho nên cứ vào thì lại có ra.

Do đó, để đảm bảo nguyên tắc tuyển đúng người, đúng quy định thì phải thực hiện thi tuyển, dưới sự giám sát chặt chẽ.

Việc tuyển chọn qua thi cử để tìm người tài, giỏi chứ không nên căn cứ vào bằng cấp, trường tư hay trường công.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tác giả bài viết: Quốc Toản

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP