Được học trong trường: Người vui, kẻ buồn
Có 3 người con đang học rải rác ở cả ba cấp học, chị Hồng Hoa (Quận 3) tỏ ra khá vui mừng với quyết định này.
Chị bày tỏ: "Con trai út đang học tiểu học 2 buổi/ ngày rồi, nhưng còn hai cô con gái lớn đang học lớp 9 và lớp 11 thì từ đầu năm học tới giờ làm vợ chồng tôi khá mệt mỏi với lịch học thêm ở trung tâm bên ngoài.
Chúng tôi đã “nghe ngóng” từ khi có lệnh cấm, tôi lần chần mãi tới giữa tháng 8 thấy khá “căng” nên mới quyết định tìm trung tâm bên ngoài cho con đi học. Đứa học lớp 9 năm nay sẽ thi cấp 3 nên không thể không học thêm. Còn đứa 11 thì với tình hình thi cử thay đổi liên tục như vậy tôi cũng không dám để chỉ học chính khóa nên cũng phải đưa ra trung tâm học mấy môn chính là toán, văn, ngoại ngữ.
Những môn như sử, địa, giáo dục công dân tôi cũng đang tính xem sau Tết cũng phải tìm chỗ cho con đi học dần. Bây giờ nếu trường tổ chức dạy thêm mấy môn đó trong trường thì tôi cũng đỡ lo vì đưa đón con đi học thêm nhiều buổi quá làm phụ huynh chúng tôi như kiệt sức”.
Có con đang học lớp 12, anh Hoàng Minh (quận Tân Bình) cũng cho biết anh cảm thấy “nhẹ nhõm” với quyết định mới của thành phố.
“Trường cháu học là trường tốt. Những năm trước tôi vẫn cho con học thêm ở trường vì các thầy cô nhiệt tình, con không phàn nàn gì, lại đỡ được khoản đưa đón giữa giờ. Năm nay cháu thi khối B. Như mọi năm thì chúng tôi đã xác định cháu chỉ cần tập trung ba môn chính là toán – hóa – sinh, các môn như văn với ngoại ngữ học thêm ở trường là đủ điểm tốt nghiệp. Đổi mới thi năm nay là chúng tôi hơi lo, vì cháu sẽ còn phải học thêm cả môn vật lý nữa, trong khi chưa biết các trường khối B sẽ lấy điểm xét tuyển theo kiểu nào, nên chúng tôi thật sự không dám lơ là các môn khác. Mà tìm chỗ đưa đón con đi học cả 6 môn thì quá oải”.
“Bây giờ học thêm được trong trường, thì việc đưa đón của chúng tôi đã đỡ được phân nửa. Chắc là tôi vẫn sẽ cho học thêm 3 môn chính ở ngoài, các môn còn lại học ở trường” – anh Minh tính toán.
Băn khoăn “tự nguyện”
Sau một thời gian cấm, quy định mới nhất của UBND TP.HCM dạy thêm, học thêm được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh. Nhà trường phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của học sinh để sắp xếp lớp phù hợp. Câu hỏi “thế nào là tự nguyện” học thêm lại được phụ huynh đặt ra.
Chị Minh Hải, quận Thủ Đức, kể lại chuyện từng “tự nguyện” đăng kí học thêm cho con như sau. “Đầu năm cô giáo chủ nhiệm thông báo chuyện học thêm là tự nguyện, nhà trường và giáo viên không ép buộc học sinh. Phụ huynh nào thấy cần thiết thì đăng kí cho con học. Chúng tôi mừng lắm, vì chương trình con không thực sự cần thiết sẽ không phải học. Nhưng sau đó vài hôm, nhà trường phát cho mỗi học sinh một tờ giấy “đơn xin tự nguyện đăng kí học thêm” và bảo bố mẹ kí vào.
Chị Hải thắc mắc: “chúng tôi không biết tự nguyện ở đây là tự nguyện đăng kí học hay không học, hay việc tự nguyện chỉ là cách nói để xoa dịu. Tự nguyện đăng kí cho con hay tự nguyện kí vào giấy”
Trong khi đó, anh Nam Thắng có con học tại quận Bình Thạnh thì cho rằng, trường con anh cũng thông báo tự nguyện đăng kí học, nhưng rồi “thông báo cho vui, chứ đằng nào chẳng học”.
Anh Thắng thừa nhận “việc học thêm trong trường rất tốt nếu học sinh thực sự có nhu cầu, môi trường nhà trường yên tâm, có bảo vệ giám sát, giáo viên biết phần kiến thức nào thiếu, kiến thức nào bổ ích cho thi cử, đó là chưa kể chương trình học cũng rất sát với các kì thi”.
Nhưng khái niệm tự nguyện như thế nào thì phải làm rõ. Anh Thắng đề nghị “trước khi các trường tổ chức dạy thêm, học thêm trở lại, phải thực sự thấm nhuần khái niệm thế nào là tự nguyện. Tự nguyện là không chỉ quyết định học hay không mà việc lựa chọn môn học, giáo viên như thế nào…”
Trong khi đó, chị Lê Hà (quận Thủ Đức) tỏ ra khá ngán ngẩm. Chị Hà cho biết con mới học lớp 7, nhu cầu học thêm chưa nhiều. “Tôi chỉ lo mấy hôm nữa con sẽ lại mang về cái giấy tự nguyện đăng ký học thêm. Không cho học thì sẽ lo lo, còn bảo tự nguyện thật sự thì chắc chắn là không. Tôi muốn duy trì lịch học đàn và học tiếng Anh như hiện nay là vừa đủ”.
Chị Vân Anh, ở quận 3, thì cho rằng “tự nguyện cũng được, tôi cũng mong con có chỗ “tạm trú” vào buổi chiều, trước khi chúng tôi xong việc ở cơ quan về đón. Nhưng tôi muốn tự nguyện phải thực chất, ví dụ như ít nhất là được chọn giáo viên cho con, chứ không phải trường xếp vào lớp nào thì phải học lớp đó”.
Tác giả bài viết: Lê Huyền- Ngân Anh