Nhân viên điện lực Hà Nội kiểm tra công tơ với khách hàng - Ảnh: EVN Hà Nội |
Hoàn thành nghị định mới về cải cách tiền lương trong tháng 5
Tại nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.
Trong đó Chính phủ giao Bộ Nội vụ hoàn thành nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong tháng 5-2024.
Đây là cơ sở để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024.
Đồng thời nghị quyết cũng nêu rõ, yêu cầu triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả và thực hiện cải cách chính sách tiền lương, hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm.
Từ ngày 15-5, giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần
Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại quyết định 05/2024 có hiệu lực từ 15-5-2024.
Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hằng năm, quyết định 05 nêu rõ, trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tiêu chuẩn mới các chức danh thứ trưởng, tổng cục trưởng, vụ trưởng
Nghị định 29/2024 về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo trong cơ quan Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2024.
Nghị định 19 áp dụng với các chức danh thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ; vụ trưởng, cục trưởng, chánh văn phòng bộ, chánh thanh tra bộ.
Tổng cục trưởng và tương đương, phó tổng cục trưởng và tương đương, giám đốc sở, chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, chánh văn phòng UBND cấp tỉnh, chánh thanh tra tỉnh, trưởng ban Ban Dân tộc...
Các chức danh nêu trên phải đáp ứng tiêu chuẩn chung về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ, năng lực và uy tín, sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác và các tiêu chuẩn riêng đối với từng chức danh.
Trong đó, tiêu chuẩn chung về trình độ là tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác theo quy định của cấp có thẩm quyền...
Quy định về quản lý seri tiền mới in
Ngân hàng Nhà nước ban hành tại thông tư 01/2024 quy định về quản lý seri tiền mới in. Thông tư có hiệu lực từ ngày 14-5-2024.
Với tiền được ban hành trước 2003, seri gồm vần và dãy số tự nhiên có 7 chữ số từ 0000001 trở đi.
Với tiền được phát hành từ 2003 trở đi, seri tiền gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 8 chữ số. Trong đó, hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối trong năm sản xuất còn 6 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên từ 000001 trở đi.
Trong đó vần seri gồm 2 trong số 26 chữ cái (A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, W, X, Y, Z) và gồm vần chính, vần phụ. Mỗi tờ tiền có một seri riêng.
Tác giả: THÀNH CHUNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ