Tin địa phương

Chim trời đã tìm về Hạc Hải

Từ vùng đất được coi là 'tử địa' vì tình trạng săn bắt vô tội vạ, khu vực sông nước ở phá Hạc Hải giờ đây trở thành nơi thu hút hàng đàn chim trời tìm đến trú ngụ, sinh sôi

Phá Hạc Hải nằm ở cuối nguồn sông Kiến Giang, tiếp giáp giữa 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đây là vùng sông nước bao la với diện tích 12 km2, có chỗ sâu tới 3 m, nổi tiếng trong câu: "Đâu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên" (núi Đâu Mâu như cây bút, phá Hạc Hải tựa nghiên mực).

"Thiên đường" không yên ổn

Là đầm phá nước lợ khá sâu, Hạc Hải có rất nhiều thủy sản như tôm, cua, cá leo, rạm... sinh sống, mang tính biểu tượng về môi trường sinh thái của một vùng đất phía Nam Quảng Bình. Được phù sa bồi lắng sau mỗi mùa lũ hằng năm, phá Hạc Hải có nguồn sản vật cá, tôm phong phú và trở thành điểm đến lý tưởng cho các loài chim trời trú ngụ, sinh sản.

Phá Hạc Hải nhìn từ trên cao

Trong ký ức của ông Nguyễn Công Xuân (ngụ xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy), trước đây, chim trời ở vùng đầm phá này nhiều đến nỗi "chỉ cần giương cung ná lên bắn đại thì kiểu chi cũng có con rơi xuống". Theo ông, Hạc Hải từng là "thiên đường" chim trời ở Quảng Bình. Lúc ấy, hàng đàn chim về đây làm tổ phủ kín cả một vùng rộng lớn, từ vịt trời, ngỗng trời, cò, vạc, le le đến hạc, bồng và cả sâm cầm...

"Lúc trẻ, tui xem việc bắn chim như một thú vui. Khi còn nhỏ thì dùng ná, lớn lên thì dùng cả súng. Ngày xưa, tui nổi tiếng "sát" chim, cứ bước ra phá săn một buổi, chí ít cũng kiếm được chục con mang về. Ăn chán thì bán, bán không ai mua thì cho" - ông Xuân kể.

Hằng ngày, vợ chồng ông Nguyễn Công Xuân chèo xuồng qua lại trên phá Hạc Hải để bảo vệ và nuôi dưỡng chim trời

Đến tuổi lập gia đình, ông Xuân kết hôn với bà Đỗ Thị Hoa. Vì nghèo nên vợ chồng ông không xây nổi căn nhà khang trang. Ông bèn bàn với vợ ra khu vực Cửa Rào trên phá Hạc Hải dựng chòi, quây gần 10 ha đất để trồng lúa, đánh bắt thủy sản mưu sinh.

Thời điểm ấy, chim trời về làm tổ, trú ngụ ở đầm phá này nhiều vô kể, kêu hót inh ỏi cả một vùng. Ngoài việc làm nông, vợ chồng ông Xuân còn tranh thủ săn bắt chim trời làm thực phẩm, bán cho thương lái kiếm thêm thu nhập. Những năm 2000, săn chim trời ở vùng này được coi là nghề "hot" bởi không chỉ mang lại thu nhập cao mà bắt được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Có ngày, ông Xuân bắt được cả vài trăm con mang đi bán.

Việc săn bắt chim trời ở vùng đầm phá này ngày càng nở rộ với hàng chục thợ săn khắp nơi kéo đến. Hạc Hải bỗng chốc trở thành "tử địa" của chim trời. Bởi thế, chim trời nơi đây cũng dần cạn kiệt. Nhiều loài chim sợ hãi cũng bỏ đầm phá rời đi tìm vùng đất khác trú ngụ.

"Rửa tay gác kiếm"

Ông Xuân thừa nhận không nhớ nổi mình đã "hóa kiếp" bao nhiêu chim trời. Khi các loài chim phần bị tận diệt, phần thì bỏ Hạc Hải bay đi, vùng đầm phá này dần trở nên vắng lặng.

Hằng đêm, ngủ ở chòi canh bên phá Hạc Hải, vợ chồng ông Xuân không còn nghe tiếng chim trời rộn rã nữa. Nhiều đêm, khi ông vừa chợp mắt, tiếng cò, vạc... như văng vẳng bên tai. Tiếng kêu của chúng trong những giấc mơ của ông như lời oán trách - oán trách ông và những kẻ săn bắt tận diệt.

Ông Nguyễn Công Xuân bên một tổ chim ở phá Hạc Hải

Sống ở Hạc Hải hơn 20 năm, ông Xuân thông thuộc từng khe nước, từng bụi bờ trên phá. Khi nhận ra sự thật đau lòng là chim trời đã bỏ phá ra đi bởi tình trạng bẫy bắt tận diệt, trong đó có mình tham gia, ông không khỏi dằn vặt, tự trách giận bản thân.

Ông Xuân lo lắng đến lúc nào đó, Hạc Hải sẽ không còn loài chim nào bay về. Vậy là ông dứt khoát "rửa tay gác kiếm" và quyết làm gì đó để "trả nợ" cho chim trời.

Từ đó, vợ chồng ông Xuân ngày ngày tìm cách bảo vệ đàn chim trời ở Hạc Hải. Thấy ai đến đầm phá này bẫy bắt chim trời, ông lại kiên trì nhắc nhở, thậm chí gay gắt xua đuổi. Bỏ ngoài tai lời đàm tiếu của những người xung quanh, vợ chồng ông luôn kiên định với hành động của mình.

Ông Xuân nghĩ rằng để chim trời tìm đến Hạc Hải xây tổ, ngoài việc bảo vệ nghiêm ngặt thì còn cần những chỗ ở phù hợp, bình yên để thu hút chúng. Thế là ông bàn với vợ bỏ tiền đầu tư những "bãi đáp" cho chim bằng cách trồng nhiều cây xanh xung quanh đầm phá, làm nơi cho chúng về trú ngụ, xây tổ.

Cách đây 5 năm, vợ chồng ông Xuân đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua 1.000 cây cà na từ miền Nam mang về trồng ở vùng đất canh tác trên phá Hạc Hải. Sau đó, ông tiếp tục mua 500 cây dừa nước, 100 cây đước về trồng thử nghiệm, kết hợp với nhiều loại cây bản địa như lộc vừng, sung, bần… để làm nơi cho chim trời trú ngụ. Vợ chồng ông còn mua tôm giống, cá giống về thả trong ruộng lúa, tạo thêm nguồn thức ăn cho chim.

Từ khi vợ chồng ông Xuân trồng cây làm "bãi đáp", chim trời đã không phụ lòng họ. Thế nhưng, khi từng đàn chim trời dần trở lại Hạc Hải thì vợ chồng ông cũng phải khổ sở đối phó với những kẻ bẫy bắt trộm.

Bà Hoa bức xúc: "Lúc chim trời ở Hạc Hải cạn kiệt thì họ bỏ đi nơi khác. Chúng tôi khổ sở lắm mới kéo được chim trời quay về đầm phá thì họ lại xuất hiện, ngày đêm săn bắt. Họ giăng lưới khắp nơi, lấy cả trứng chim trong tổ. Ông nhà tôi phải canh ngày, canh đêm. Hễ nghe tiếng súng là ông chèo thuyền đến can ngăn, thậm chí nhiều lần suýt đụng độ thì họ mới chịu rời đi".

Dần dà, hiểu được công việc ý nghĩa của vợ chồng ông Xuân, nhiều người dân trong vùng không còn gièm pha, ghét bỏ mà đã thay đổi suy nghĩ. Họ ủng hộ cách làm của vợ chồng ông trên phá Hạc Hải, kể cả thái độ cứng rắn đối với những kẻ săn bắt chim trời. Họ hiểu rằng nếu không được gìn giữ, bảo vệ thì Hạc Hải mai này chỉ còn là vùng nước bạc, không chim trời, không tôm cá.

Đất lành chim đậu

Ở phá Hạc Hải trong những ngày này hiện ra màu vàng của lúa, hình ảnh sóng sánh của mây trời và hàng loạt bần cổ thụ đổ bóng xuống sông nước.

Ông Xuân chèo thuyền chở chúng tôi dạo một vòng quanh phá Hạc Hải. Da ngăm đen, gương mặt sạm nắng, hằn những nếp nhăn do dãi nắng dầm mưa, trông ông có vẻ già hơn so với tuổi 50 của mình.

Đầm phá Hạc Hải với phong cảnh hữu tình, mênh mông nước giờ đã đầy sức sống với bóng dáng nhiều loài chim trời. Chúng tôi có cảm giác đang đứng giữa vùng sông nước trù phú.

Không chỉ ghé Hạc Hải trú ngụ tạm thời trong hành trình di cư, nhiều loài chim còn chọn vùng đầm phá này để sinh sản. Ông Xuân cho hay khoảng từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm, bên những bờ ruộng hay lủng lẳng trên bụi cây, chỉ cần tinh mắt là thấy hàng loạt tổ chim đầy trứng. Người dân nơi đây đã quen dần với hình ảnh vợ chồng ông Xuân trên chiếc xuồng máy vào ra "thăm lúa, ngó đồng" để bảo vệ chim trời.

Trời tắt nắng, bên bờ lau sậy, trên những cây bần bắt đầu vang lên tiếng chim râm ran cả một vùng. Có lẽ chim trời đã cảm nhận được sự quen thuộc, bình yên ở Hạc Hải nên không ngừng hót vang, lên tiếng gọi bầy và như để chào "người chủ" của chúng. Ông Xuân đến bên một tổ chim, nhẹ nhàng nâng các chú chim non lên giới thiệu và để khách chụp ảnh.

Ông Xuân thổ lộ: "Những gì tôi đang làm là để cho mai sau, cho cháu con. Bởi lẽ, rồi sẽ đến một lúc nào đó, người ta thèm được dong xuồng ra giữa phá, trải nghiệm sự yên bình của thiên nhiên, được ngắm mây trời, chim cá. Tôi mong đàn chim trời ngày càng sinh sôi, phong phú chủng loại và không ai đến quấy phá, săn bắt chúng nữa".

Bà Đỗ Thị Hoa tâm sự dù không ít người cho rằng bảo vệ chim trời là việc "bao đồng" nhưng với vợ chồng bà, công việc hơn 5 năm nay đã mang lại nhiều niềm hạnh phúc. Tiếng cò kêu, chim hót giúp vợ chồng bà cảm thấy an lòng hơn, không còn dằn vặt khi nhớ lại việc mình từng làm với chúng trước đây. "Chúng tôi tự nhủ sẽ bảo vệ chim trời đến cuối cuộc đời" - bà khẳng định.

"Giờ đây, phá Hạc Hải không còn tiếng kêu thất thanh của chim trời khi dính bẫy. Thay vào đó là tiếng chim ríu rít gọi đàn bay về tổ.

Việc làm đẹp vì môi trường

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy, cho rằng vợ chồng ông Nguyễn Công Xuân và bà Đỗ Thị Hoa là tấm gương sáng để người dân nơi đây noi theo, cùng chung tay bảo vệ chim trời ở phá Hạc Hải. Theo ông Hòa, vợ chồng ông Xuân không chỉ không săn bắt, buôn bán chim hoang dã mà còn tìm cách để chúng tìm đến, sinh sôi ở vùng tự nhiên sông nước. Đó là việc làm đẹp vì môi trường.

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP