'Ma trận' giăng bẫy tận diệt chim trời ở Quảng Bình. |
Để bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tối đa và chấm dứt tình trạng người dân sử dụng các công cụ để đánh bắt chim trời.
Cứ khoảng tầm từ tháng 9 đến tháng 11, khi thời tiết bắt đầu se lạnh là lúc những đàn chim hoang dã bắt đầu mùa di cư. Đây cũng là thời điểm những người dân ở Quảng Bình giăng bẫy săn bắt chim trời khắp mọi nơi.
Chim không lối thoát
Địa điểm mà người dân chọn làm nơi đặt bẫy chim trời thường là các cánh đồng trũng nước sau mùa gặt, bởi ở đó là nơi trú ngụ của các loại cá, côn trùng, là nơi lí tưởng để các loài chim kiếm tìm con mồi, thức ăn của mình.
Thế rồi, cả trăm con cò giả làm bằng xốp được cắm đầy xuống các thửa ruộng. Xen lẫn trong “trận địa” này là chi chít những que tre nhỏ đã được tẩm nhựa dính, chỉ cần những đàn chim sà xuống là chẳng thể nào cất cánh bay được.
Ngoài ra, một số nơi, dọc các bờ ruộng, những tấm lưới “tàng hình” được giăng 3 đến 4 lớp chồng cao lên nhau rất khéo léo. Khi những đàn như cò, vạc, sẻ, gà đồng, quốc, cói, diệc... di chuyển qua sẽ khó phát hiện ra và dễ dàng dính phải.
Do là chim tự nhiên nên thịt thơm, ngon, thậm chí được xem là món ăn đặc sản có mặt tại nhiều nhà hàng nên chim trời rất được ưa chuộng. Không những vậy thu nhập từ việc săn chim bán cũng không ít, vì thế nhiều người dân xem đó là nghề để mưu sinh.
Bẫy, chim giả được người dân giăng đầy trên các cánh đồng. |
Theo tìm hiểu, ở thời điểm hiện tại mặc dù không còn tình trạng bán công khai các loại chim tự nhiên, nhưng nếu muốn khách hàng cũng có thể dễ dàng tìm mua, giá mỗi cặp cò dao động khoảng từ 120.000 đến 140.000 đồng/cặp. Riêng các loại vạc, hoặc diệc… thì lại có giá cao hơn rất nhiều.
Những người săn chim cho biết, đang trong mùa chim di cư nên mỗi ngày họ cũng kiếm được thu nhập kha khá, so với các công việc lao động chân tay khác thì công việc này cũng không tốn nhiều sức. Do chim trời tự nhiên đánh bắt được ngày càng ít đi, nên nếu có là một số thương lái đến tận nơi thu mua bán lại cho các nhà hàng để kiếm lời.
Để chim trời vỗ cánh bay đi
Lực lượng chức năng Quảng Bình ra quân thu gom, tiêu hủy các công cụ đánh bắt chim trời tự nhiên. |
Ra văn bản nghiêm cấm săn bắt, kinh doanh, chế biến chim hoang dã Tỉnh Quảng Bình đã ban hành văn bản nghiêm cấm hành vi săn bắt, kinh doanh và chế biến các loài chim hoang dã, di cư nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn bắt, mua bán, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư. Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết không mua, bán, giết mổ các loài chim hoang dã. Các cơ quan bảo vệ pháp luật có biện pháp phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh, chế biến các loài chim hoang dã và chim di cư. |
Trước tình trạng tận diệt chim trời, vừa qua các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã triển khai ra quân thu gom bẫy chim trời, vận động người dân giao nộp chim trời và thả về tự nhiên.
Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, cấm những hành vi săn bắt, kinh doanh và chế biến chim trời để bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Thiếu tá Trần Việt Cường, Trưởng Công an xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) thông tin, vừa rồi (ngày 27/9), Công an xã Trung Trạch đã chủ trì, phối hợp với Bộ đội Biên phòng Lý Hòa, Ban chỉ huy quân sự xã, chính quyền thôn đã ra quân ngăn chặn, xử lí nạn sử dụng các phương tiện đánh bắt, đơm, bẫy chim trời, các nguồn thủy sản.
Qua công tác tuần tra, tại các cánh đồng thôn, đoàn công tác đã phát hiện lập biên bản và tiêu hủy tại chỗ khoảng trên 300 con cò giả làm bằng xốp, hơn 1.500 que nhạ dính keo…
“Không chỉ ra quân tăng cường kiểm tra và xử lí, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân, để người dân không săn bắt chim trời tự nhiên nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học”, Trưởng Công an xã Trung Trạch cho hay.
Ngoài địa bàn xã Trung Trạch, nhiều địa phương của tỉnh Quảng Bình cũng đã ra quân, tuần tra xử lí việc sử dụng bẫy, công cụ để đánh bắt chim trời tự nhiên. Qua đó đã thu gom tiêu hủy hàng chục nghìn bẫy đánh bắt, công cụ các loại và thả về tự nhiên số lượng lớn chim trời.
Cùng với công tác xử lí, chính quyền địa phương cũng đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để tránh tình trạng săn bắt chim trời tự nhiên. Nhiều người dân sau khi được tuyên truyền, phổ biến đã tự giác tiêu hủy các loại bẫy và thả các chim trời về tự nhiên.
Một người dân trú tại xã Trung Trạch cho hay, trước đây ông cũng thường xuyên sử dụng bẫy để đánh bắt chim trời, mục đích là bán kiếm thêm thu nhập. Ông cho biết có thời điểm một ngày ông đánh bắt được hơn 50 con cò. Nên có những ngày thu nhập cũng lên đến tiền triệu. Thế nhưng, sau khi được tuyên truyền, nhắc nhở ông đã không đánh bắt nữa. Cùng với đó, ông cũng thường xuyên nhắc nhở con cháu và tuyên truyền người dân không nên đánh bắt, chung tay bảo vệ chim trời tự nhiên. |
Tác giả: Tiến Việt
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn