Tin địa phương

Chiếm 'đất vàng' rồi bỏ hoang

Tại TP.Đồng Hới (Quảng Bình) có nhiều dự án chiếm những khu đất nằm ở vị trí trung tâm, đắc địa nhưng không triển khai hoặc triển khai quá chậm, bỏ hoang nhiều năm qua.

Dự án “525” bị sang nhiều tay đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Ảnh: TRƯƠNG QUANG NAM

Bán đất nền rồi... để đó

Đầu tiên phải kể đến dự án “khu trung tâm thương mại và dân cư Hữu Nghị” theo cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” từ năm 2005 của Công ty CP xây dựng công trình 525 với tổng diện tích hơn 99.500 m2; trong đó diện tích đất ở hơn 34.000 m2 (với 200 lô đất), diện tích xây dựng khu thương mại: 8.800 m2, diện tích xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đất dự trữ phát triển: 56.400 m2.

Dự án này nằm trên một trong những trục đường huyết mạch tại Đồng Hới. Thời gian thực hiện dự án được cam kết là 3 năm. Công ty đã bán 200 lô đất trị giá gần 133 tỉ đồng, nhưng chỉ phải nộp ngân sách hơn 30 tỉ đồng. UBND tỉnh Quảng Bình thời điểm đó giao đất không qua đấu giá cho Công ty CP xây dựng công trình 525, cho phép nhà thầu này tự “chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán, tổng dự toán các hạng mục của dự án”. Vì vậy có nhiều khoản chi được trừ vào tiền bán đất.

Đáng nói, đất nền này được bán chạy như “tôm tươi”, nhưng bán xong thì Công ty CP xây dựng công trình 525 chỉ khởi công vài nền móng trung tâm thương mại rồi bỏ hoang nhiều năm qua. Năm 2011, khi làm việc với công ty, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài kết luận: Dự án triển khai quá chậm, tạo dư luận không tốt trong cán bộ và nhân dân, UBND tỉnh nhiều lần có công văn nhắc nhở, đôn đốc nhưng công ty vẫn không thực hiện.

Dự án khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh không triển khai

Từ đó đến nay, dự án được trao tay qua nhiều chủ nhưng vẫn chưa hoàn thành; trong khi biệt thự mọc lên từ đất nền dự án có nhiều cái đã phủ rong rêu. Theo tài liệu từ cơ quan chức năng, tháng 12.2011, phần đất dự án thuê bị thu hồi và cho Công ty CP xây lắp dầu khí PVC Trường Sơn (gọi tắt PVC Trường Sơn) thuê lại (hình thức bán lại tài sản trên đất). Tháng 6.2013, PVC Trường Sơn thuê thêm hơn 2.800 m2 để xây dựng Golden Dragon plaza. “Bánh vẽ” lại được dựng lên một lần nữa nhưng rồi để đó. Đến tháng 8.2017, tỉnh Quảng Bình thu hồi hơn 11.000 m2 của PVC Trường Sơn và cho Công ty CP Đồng Hới Tourist thuê lại. Nhưng tình hình vẫn không khả quan; hiện trên nền dự án có 2 khối nhà dở dang và như “lô cốt”.

Lãng phí

Một dự án khác nằm ngay vị trí trung tâm bán đảo du lịch Bảo Ninh là “khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh” với diện tích hơn 42.400 m2 được cấp từ năm 2009 cho Công ty CP du lịch Sài Gòn - Quảng Bình với quy mô khách sạn, biệt thự tiêu chuẩn 4 - 5 sao; tổng vốn đầu tư 120 tỉ đồng. Tiến độ xây dựng 2 giai đoạn từ 2009 - 2013 nhưng đến nay vẫn không xây dựng gì ngoài mấy chòi lá bán đồ ăn uống và một số cảnh quan. Được biết, đến ngày 30.6, công ty này còn nợ thuế hơn 1 tỉ đồng, trong đó tiền thuê đất 698 triệu đồng và hiện công ty đang lỗ hơn 3 tỉ đồng/năm. Việc xử lý “khu đất vàng” Bảo Ninh này cũng kéo dài.

Đầu năm 2018, Công ty CP du lịch Sài Gòn - Quảng Bình đã 2 lần tổ chức đấu giá tài sản dự án nhưng đều không thành công vì có những vi phạm, như: chưa có thông báo chọn đơn vị bán đấu giá tài sản, thay đổi thời gian bán đấu giá không đúng với quy chế, chỉ có 1 người tham gia bán đấu giá mà vẫn tổ chức bán đấu giá tài sản.

Liên quan dự án ở Bảo Ninh, mới đây, Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Hoàng Minh và Công ty TNHH xây dựng và thương mại Trường Phú đã có văn bản gửi các cơ quan địa phương và Báo Thanh Niên đề nghị làm rõ việc tổ chức thu hồi dự án. Ông Ngô Văn Bôn, Phó giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Hoàng Minh bày tỏ: “Dự án là khu đất vàng của trung tâm thành phố, là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư, là điểm du lịch thuận lợi, là nơi tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng ngân sách lớn cho tỉnh nhà nên một lần nữa đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình và các cơ quan ban ngành có liên quan sớm hoàn thiện thủ tục thu hồi”.

Chiều 8.9, trả lời PV Thanh Niên, một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cho hay: “Dự án tại đường Hữu Nghị hiện đang triển khai nhưng chậm. Còn dự án Sài Gòn - Bảo Ninh thì tỉnh đang xem xét. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Công ty CP du lịch Sài Gòn - Quảng Bình thuộc tổng công ty này - PV) đã có văn bản xin hứa sẽ triển khai xây dựng khách sạn 5 sao và hoàn thành vào cuối năm 2020. Nếu có lý do khách quan thì có quyền gia hạn thời gian; hiện đang chờ ý kiến Thường trực Tỉnh ủy”.

Tại Đồng Hới, một khu vực “vàng” khác nhưng chỉ cho thuê đất bán cà phê bình dân và làm sân tennis ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (thuộc P.Đồng Phú). Tại đây có 4 chủ liền kề gồm: Công ty TNHH XDTH Hải Thành (thuê hơn 8.000 m2), Công ty TNHH Hoàng Gia Phát thuê 7.897 m2 (đến 30.6 còn nợ thuế 440 triệu đồng), Công ty TNHH VISEIN thuê 6.939 m2 (đến 30.6 còn nợ thuế hơn 1 tỉ đồng, trong đó nợ tiền thuê đất 882 triệu đồng) và hộ cá nhân Hoàng Sông Hương thuê 1.226 m2 (đến 30.6 còn nợ 362 triệu đồng tiền thuê đất).

Trong số hơn 8.000 m2 của Công ty TNHH XDTH Hải Thành thuê thì có 2.527 m2 mặt tiền đường Nguyễn Hữu Cảnh sử dụng làm sân chơi tennis nên được miễn tiền thuê đất theo chính sách xã hội hóa thể thao. Thế nhưng, ngay phía trong sân tennis là cả cụm nhà hàng, cà phê. Nghiễm nhiên cụm nhà hàng đó gần như được hưởng mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh miễn phí. Mới đây, công ty này đã phá dỡ 1 sân tennis để làm đường nối từ đường Nguyễn Hữu Cảnh vào nhà hàng mới xây; sân còn lại cũng không hoạt động. Một lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết: “Đây là những việc cũ để lại, tỉnh sẽ nghiên cứu xử lý”.

Tác giả: TRƯƠNG QUANG NAM

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP