Giáo dục

"Chỉ có 1% sinh viên tốt nghiệp tự tạo được việc làm"

Hầu hết hiệu trưởng các trường ĐH cũng như các chuyên gia đều thống nhất rằng, tỉ lệ có việc làm của sinh viên có nhiều yếu tố, song quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo.

"Tốt nghiệp đại học phải tự tạo ra việc làm"

Đào tạo mà không biết sinh viên làm được gì cho doanh nghiệp


Lý giải về tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp hiện nay, TS Cao Hào Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cho rằng, ngày nay, công nghệ và nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường thay đổi rất nhanh đòi hỏi sinh viên, nhà trường phải thích nghi.

"Nhiều sinh viên ra trường có thể tìm được việc làm ngay nhưng sau một thời gian thì bị sa thải do không thích nghi được" - ông Thi phân tích.

Từ đó, ông Thi cho rằng, giải pháp quan trọng để tăng tỉ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp là các trường phải thiết kế lại chương trình sao cho sinh viên có thể thích nghi tốt hơn với thực tiễn. Đồng thời tổ chức đào tạo lại cho những sinh viên đã tốt nghiệp mà chưa có việc làm để họ đáp ứng tốt hơn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Cụ thể hơn, ông Trần Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên nêu thực trạng, hiện nay, các trường đào tạo sinh viên nhưng không trả lời được câu hỏi sau từng năm đào tạo, sinh viên có thể làm được gì cho doanh nghiệp.

Ông Trung cho rằng, để trả lời được câu hỏi này, các trường sẽ buộc phải thiết kế lại chương trình cho hiệu quả hơn. Ông Trung lấy ví dụ về chương trình toán của Mỹ mà trường ông sử dụng để đào tạo sinh viên thì chỉ học hết năm thứ nhất, thứ 2 là sinh viên không cần học thêm gì khác đã có thể thiết kế được đường băng cho cất cách cho sân bay, thiết kế được công suất nhà máy thủy điện, hay tính toán nồi hơi trong nhà máy nhiệt điện. Trong khi đó, các giáo trình toán Việt Nam hiện nay thì sinh viên gần như khôgn làm được gì.

Đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp được cho là giải pháp để nâng cao tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Tuy nhiên, theo vị hiệu trưởng này, ngoài giáo trình tốt thì phương pháp giảng dạy của giảng viên cũng rất quan trọng. "Chúng tôi yêu cầu thầy cô phải đóng vai các giám đốc doanh nghiệp xem nếu trong vai đó họ cần gì ở sinh viên của trường. Nếu thầy cô hiểu được diều đó thì sinh viên sẽ có cơ hội tiếp cận công việc tốt hơn" - ông Trung nói.

Từ đó, ông Trung cũng đề xuất các giảng viên thay vì giảng bài theo cách truyền thống từ chương 1 dến chương cuối thì nên chia khối kiến thức đó thành những chủ đề liên quan tới nghề nghiệp tương lai của SV để giảng hay không.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đức Quý, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng, bên cạnh thiết kế chương trình, thì quản lý quá trình đào tạo cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng. "Chúng ta có thể nhập khẩu chương trình, nhưng điều đó không đảm bảo chắc chắn một kết quả tốt. Nếu chương trình tốt mà anh quản lý không tốt, đánh giá không thực chất và minh bạch thì cũng chưa chắc đảm bảo chất lượng” - ông Quý khẳng định.

Không thể rung đùi chờ doanh nghiệp tới

Các ý kiến thảo luận cũng thừa nhận rằng, để tăng tỉ lệ có việc làm cho sinh viên, các trường cần phải biết lắng nghe nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp và thực sự năng động trong việc gắn kết với họ.

Ông Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông chia sẻ, trường ông thường xuyên trao đổi với các doanh nghiệp là đối tác về nhân lực của trường để lắng nghe ý kiến của họ về đóng góp cho chương trình đào tạo từ đó điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo ông San, nhờ cách làm này tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay ở những ngành như CNTT của Học viện có năm lên tới 93%. "Hầu hết các em đều có việc làm ngay từ năm thứ 4. Các em khác đều có thể tìm được việc làm trong 6 tháng sau khi ra trường" - ông San chia sẻ.

Trong khi đó, ông Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, kinh nghiệm của trường này trong việc nâng cao tỷ lệ SV có việc làm sau khi tốt nghiệp là hợp tác chặt chẽ với địa phương.

Cụ thể ĐH Cần Thơ đã kết nối với 13 tỉnh ĐBSCL để tìm hiểu về nhu cầu về nhân lực của các trường như thế nào, từ đó lên kế hoạch đào tạo cho hợp lý. "Nờ sự kết nối chặt chẽ với nhu cầu địa phương mà sinh viên của chúng tôi đào tạo ra gần như đều tìm được việc làm" - ông Toàn cho hay.

Từ đó, ông Toàn cho rằng, cần phải xây dựng những chương trình chất lượng cao gắn chặt với nhu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên có thể tới doanh nghiệp thực tập, nghiên cứu và sau khi tốt nghiệp sẽ được bao tiêu đầu ra sẽ là mô hình tốt để tăng tỉ lệ sinh viên có việc làm.

Ông Đỗ Văn Dũng thì cho rằng, ngoài việc phối kết hợp với DN để đưa sinh viên đi thực tập thì một mô hình nên áp dụng là kết hợp với doanh nghiệp để thành lập các trung tâm đào tạo trong trường. Để làm được điều này, các trường cần phải thực sự năng động.

Đào tạo ĐH phải đào tạo chủ chứ không phải thợ

Nêu lên quan điểm khác, ông Đinh Văn Nhã, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đông Á cho biết, hiện nay, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam xếp thứ 56 song chỉ số sẵn sàng về công nghệ của chúng ta chỉ đứng thứ 92 trên tổng số 142 quốc gia được khảo sát.

Ông Nhã cho rằng, nền công nghiệp của Việt Nam thích nghi kém như vậy thì đương nhiên sinh viên ra trường không thể có việc làm. Từ đó, ông Nhã đề xuất, để tăng tỉ lệ sinh viên có việc làm thì cần phải tìm các giải pháp nâng cao trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam.

"Hiện nay chúng ta đang cố bơi mà chưa biết bơi về đâu. Sinh viên tốt nghiệp có thể tự khởi nghiệp được. Chúng ta đào tạo chủ chứ không phải đào tạo thợ. Có như vậy đất nước mới giàu được" - ông Nhã khẳng định.

Ông Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQG HN cũng cho biết, kết quả kiểm định chất lượng từ 20 trường thuộc "tốp trên" của Việt Nam trong năm 2016 vừa qua cho thấy, tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp, tự tạo việc làm, khởi nghiệp chỉ chiếm 1%.

"Sinh viên thiếu thực tiễn, yếu về ngoại ngữ, tin học, một số kỹ năng mềm, đặc biệt là thái độ nghề nghiệp" được cho là nguyên nhân khiến tỉ lệ có việc làm không cao.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cũng cho biết trường Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có hẳn một khoa Sáng tạo khởi nghiệp nơi bất cứ ý tưởng nào của sinh viên sẽ được hỗ trợ cấp kinh phí để tạo ra sản phẩm.

Khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học, tạo sân chơi học thuật cho sinh viên không chỉ là nơi sinh viên rèn luyện kỹ năng mà còn là môi trường thúc đẩy tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên.

Tác giả bài viết: Lê Văn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP