Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Xí nghiệp may Hà Quảng cũng bảo đảm được việc làm, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. |
Quảng Bình hiện có 60 doanh nghiệp may mặc, trong đó tập trung chủ yếu tại thành phố Đồng Hới và 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh.
Thời gian qua, nhất là từ quý III/2022 đến nay, đơn hàng và giá gia công ngành may mặc Quảng Bình giảm mạnh. Nhiều thời điểm do thiếu việc làm, doanh nghiệp phải nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, có giá trị thấp để duy trì hoạt động và giữ chân lao động.
Chi phí sản xuất, vận tải, nguyên vật liệu, lãi vay… tăng cao cũng ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo lãnh đạo Sở Công thương Quảng Bình, ngoài những nguyên nhân khách quan do tác động của suy thoái kinh tế thế giới làm ảnh hưởng trực tiếp đến ngành may mặc Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng thì doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ (chiếm hơn 90%), năng lực tài chính yếu, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu.
Hầu hết hoạt động may mặc tại Quảng Bình là gia công sản phẩm hoặc gia công một công đoạn cho các doanh nghiệp khác ngoài tỉnh; số doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp chỉ chiếm 10%; năng lực tiếp thị hạn chế, kinh doanh qua nhiều khâu trung gian, khả năng thích ứng với sự biến động của nền kinh tế thấp…
Do vậy, trong tổng số 60 doanh nghiệp may mặc, hiện chỉ có 21 doanh nghiệp hoạt động và duy trì được đơn hàng ổn định, chiếm 35%; 15 đơn vị hoạt động cầm chừng, đơn hàng ít và thường xuyên cắt giảm lao động, chiếm 25%; 24 đơn vị ngừng hoạt động hoặc chuyển hướng kinh doanh khác, chiếm 40%.
Để củng cố và phát triển ngành may mặc Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2035, Sở Công thương tỉnh đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước và Ủy ban nhân dân cấp huyện đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và dịch vụ logistics trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành may mặc sản xuất; đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp ngành may mặc tiếp cận với khách hàng tiềm năng; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ trong tuyển dụng và đào tạo lao động.
Doanh nghiệp may mặc cần đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chuyển hướng sản xuất từ gia công sang sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn thị trường xuất khẩu.
Tác giả: HƯƠNG GIANG
Nguồn tin: Báo Nhân dân