Chị Lê Thị Minh (bìa trái) mang suất ăn đến khu vực phong tỏa Ảnh: H.C |
Căn nhà chị Lê Thị Minh ở thị xã Tân Uyên (Bình Dương) góc nào cũng đặt bếp nấu cơm, với hơn 10 nhân công quần quật từ sáng cho đến chiều tối suốt hai tháng qua. Mùi thức ăn toả khắp mọi ngóc ngách trong căn nhà. “Góc nào cũng nghe mùi gà kho, nên người làm ở đây ai cũng ngán không ăn gà nữa, chỉ thèm rau luộc, cà pháo thôi em ạ”, chị Minh cười vui khi nói về công việc.
Mỗi ngày, bếp ăn tình thương của chị Minh chế biến hơn 1 nghìn suất ăn. Đều đặn ngày 2 bữa, những phần ăn ý nghĩa của người phụ nữ quê gốc Quảng Bình đến tay người dân khu vực phong tỏa ở Bình Dương.
Chị Minh tâm sự: “Tôi đang giúp bà con khu cách ly phong toả bằng cả tấm chân tình của người miền Trung, xem họ là ruột thịt mà mình đang được phục vụ, chứ không mưu cầu gì. Khẩu vị người dân các vùng quê không giống nhau nên có người thích nhạt, có người thích mặn, có người không ăn được đồ cay. Tùy vào khu cách ly mà tôi thay đổi cách chế biến liên tục. Khi chúng tôi đến, mọi người đều vui nên tôi thấy hạnh phúc”.
Những ngày qua, lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm dịch tễ khắp thị xã Tân Uyên xuyên đêm và bếp ăn tình thương của chị Minh không ngừng đỏ lửa. “Biết thông tin cả tỉnh đang giãn cách, mua đồ ăn rất khó, nên địa phương nào cần và gọi đến là tôi phục vụ. Cứ thế bếp nấu nhiều hơn, người phục vụ cũng đông hơn trước. Mình cứ làm hết sức, lúc nào không kham nổi mới thôi”, chị Minh bộc bạch.
Làm quần quật suốt ngày đêm nhưng vui
Là chủ một Cty bất động sản ở phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, nhưng kể từ khi dịch bệnh ập đến quê hương thứ hai này, chị Minh tạm gác việc kinh doanh để suốt hai tháng nay lo cơm cho người dân và lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.
Chị Minh thức khuya dậy sớm để đặt mua hàng, sắp xếp công việc, nhận “đơn hàng” từ các khu cách ly. Công việc cứ thế suốt ngày đêm, mệt nhưng bà chủ doanh nghiệp nói rằng, thấy người ta khen cơm ngon là hết mệt.
“Địa phương đang phải chống chọi với đại dịch COVID-19 nên nhiều khu vực bị phong tỏa, không tránh khỏi việc người dân gặp khó khăn. Ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng, mạnh thường quân trên địa bàn đóng vai trò quan trọng, kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Chị Lê Thị Minh là một trong số những người hỗ trợ tích cực cho địa phương và chúng tôi rất trân quý điều đó”. Ông Đoàn Hồng Tươi – Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên |
Đợt dịch tháng 3/2020, khi thấy bà con ở Bình Dương, đặc biệt là công nhân lao động, thiếu khẩu trang, chị Minh liên hệ ngay để đưa về một dây chuyền sản xuất khẩu trang, phần lớn sản xuất để làm từ thiện. Chị dùng tiền túi mua gạo, nước mắm, nhu yếu phẩm khác mang phát cho công nhân ở các khu nhà trọ.
Chị Minh tâm sự: “Nhiều lãnh đạo xã, phường có số của tôi, khi họ cần hỗ trợ việc gì dù bận đến đâu tôi cũng sẵn sàng, miễn là giúp đỡ người dân. Ban đầu, tôi nghĩ bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng để nấu cơm phát cho người dân. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài, nhiều nơi bị phong tỏa, sau 2 tháng tôi chi gần 10 tỷ đồng mua đồ về nấu. Dịch còn phức tạp thế này, chắc còn phải bỏ tiền túi dài dài”.
Theo chị Minh, khi miền Trung quê chị bị bão lũ, nhìn lại hình ảnh các chuyến xe miền Nam kéo về hỗ trợ bà con khiến chị xúc động rơi nước mắt. “Tôi không dám nhận mình làm từ thiện vì mục đích gì lúc này cả, mà tôi xem đây là sự chia sẻ. Khi ta trải qua sự thiếu thốn ta mới hiểu người dân cần thứ gì. Tôi làm không phải vì tiếng tăm, đơn giản chỉ vì thấy hạnh phúc”, chị nói.
Tác giả: HƯƠNG CHI
Nguồn tin: Báo Tiền phong