Giáo dục

Chênh vênh, tân sinh viên sớm “buông chèo”

Khi hiểu ra mình đã chọn sai ngành học, nhiều sinh viên tỏ ra hoang mang và không tập trung, không chí thú cho việc học

Chỉ trong 3 ngày gần đây, có 3 sinh viên (SV) năm nhất hỏi ý kiến tư vấn của tôi khi quyết định dừng việc học. Gặp gỡ trao đổi với nhân viên Trung tâm Hỗ trợ SV Trường ĐH Nha Trang, các em cho biết năm nay, khá nhiều SV đã xin nghỉ học từ tháng đầu tiên sau khi nhập học.

Cố vào đại học cho bằng được rồi... chán

Trong số 3 SV cần tư vấn thì 2 em do chọn đại một ngành nguyện vọng 2 cốt để vào cho được ĐH, nay chán không muốn học tiếp. Còn N.M, SV ngành quản trị du lịch và lữ hành, cho biết gánh nặng học tập và làm thêm để lo cho gia đình đã khiến em quá sức. Vì thế, M. phải quyết định nghỉ học, bảo lưu kết quả để đi làm, chờ khi có điều kiện sẽ trở lại giảng đường.

tan sinh vien
Nhiều bạn trẻ chọn đích đến là đại học, trong khi có rất nhiều con đường đi tới thành công Ảnh: GIA THÙY



Bức tranh chung phản ánh tình trạng SV bỏ học từ năm đầu thường do các em nhận ra ngành mình đang theo học chẳng liên quan gì đến mơ ước lâu nay, cũng không dính dáng đến năng lực bản thân. Dù đã bước chân vào giảng đường nhưng họ vẫn chưa định hình được sau khi ra trường sẽ làm gì, sẽ trở thành người như thế nào, tỏ ra lúng túng, mơ hồ về những gì mình đang theo đuổi. Nhiều bạn thích làm MC, giám đốc, nhà thiết kế nhưng bối rối không biết như thế nào là một MC chuyên nghiệp, không biết một giám đốc cần có tố chất gì, công việc cụ thể của một nhà thiết kế đòi hỏi năng khiếu ra sao, điều kiện để đáp ứng như thế nào…

Lại có những SV tỏ ra nuối tiếc vì thích làm giáo viên, nhà văn, bác sĩ trong khi đang phải học về kinh tế, ngân hàng theo định hướng của bố mẹ. Thế nhưng, họ lại thú nhận ngại thay đổi, chưa bao giờ cố gắng tìm cách dành thời gian trau dồi khả năng, thực hiện sở thích của mình. Điều đó chứng tỏ một bộ phận giới trẻ thực sự chênh vênh, thiếu định hướng cho tương lai.

Bên cạnh đó, không ít SV có suy nghĩ là phải làm sao vào bằng được ĐH cho bố mẹ “mở mày mở mặt”, bất luận đó là ngành gì, bất kể sẽ ra sao... Cũng có thể họ chịu sự tác động lôi kéo của bạn bè rồi chọn một ngành học kiểu hú họa, a dua theo phong trào. Khi chợt hiểu ra thì họ hoang mang, không tập trung, không chí thú cho việc học.

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Để khắc phục tình trạng bỏ dở việc học, mỗi SV, phụ huynh và các tổ chức liên quan cần quan tâm tháo gỡ nhiều vấn đề.

Ngay từ những năm học THPT, học sinh cần xác định rõ sở nguyện và năng lực của mình để có định hướng sớm. Khi đã xác định được rồi thì kiên định với lập trường của mình, quyết tâm thực hiện đến cùng, không thối chí, không lung lay. Nếu không đỗ ĐH thì có thể chọn một trường nghề hay CĐ liên quan để học rồi đi “đường vòng” nhằm thực hiện mơ ước của mình. Các bạn trẻ cần biết mình là ai, làm được tốt nhất cái gì, có đam mê gì...

Gia đình đừng bao giờ bắt ép con phải đi theo nguyện vọng hay mơ ước dở dang thời trẻ của bố mẹ. Người lớn chỉ đóng vai trò định hướng, góp ý chân thành trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng của trẻ, tạo mọi điều kiện động viên các em thực hiện đam mê bằng chính năng lực thực thụ của mình.

Qua nhiều năm theo dõi và tiếp xúc các thế hệ SV trực tiếp hoặc gián tiếp bằng các câu hỏi khảo sát ngắn trong những chuyên đề nghiên cứu khoa học, tôi thấy số SV có tư tưởng “học ngành nào cũng được, miễn sớm kiếm được tiền, thậm chí nhiều tiền là được” khá nhiều. Trong những trường hợp này, tốt nhất gia đình cần bình tĩnh, kiên nhẫn phân tích, khuyên giải, đừng để con em khi chọn nguyện vọng cho tương lai chỉ chăm chăm đến chuyện làm sao kiếm được nhiều tiền mà chẳng để ý đến thực lực của mình. Vì như thế, khi va chạm với thực tế thất bại, các em thường rất dễ chán nản, buông xuôi.

Những năm gần đây có rất nhiều chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT, SV mới ra trường từ các đơn vị truyền thông, tổ chức, doanh nghiệp, hội, Đoàn. Tuy nhiên, phong trào được thực hiện khá rộng rãi này có vẻ như chỉ dừng lại ở bề nổi; chưa có sự giám sát thực tế, tổ chức các chuyên đề cụ thể để tư vấn một cách thiết thực cho phụ huynh, học sinh.

Cần có thống kê

Con số học sinh, SV chọn sai nghề, bỏ học chưa được thống kê đầy đủ ngay trong từng cơ sở giáo dục hay địa phương. Điều đó gây khó khăn cho việc tiếp cận thực tế để giải quyết từng căn nguyên cụ thể, giúp các em sáng suốt trong việc chọn nguyện vọng; đồng thời giúp bạn bè, thế hệ sau của các em nhìn thấy, lấy làm bài học để “xoay chuyển tình huống” cho phù hợp, tránh được những lãng phí không đáng có cho gia đình và xã hội.

Tác giả bài viết: Dương Thành (Giảng viên Trường ĐH Nha Trang)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP