Sáng nay, Ban Tổ chức TƯ tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính cho biết, đây là một nội dung rất khó vì chưa làm một cách bài bản, chuyên nghiệp và có quy định rõ ràng bao giờ.
“Khó ở chỗ là vấn đề mới, gây bức xúc trong xã hội, vấn đề thấy cần phải làm nhưng chưa làm được”, ông Chính nói.
Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính |
Theo Trưởng Ban Tổ chức TƯ, qua công tác giám sát, kiểm tra các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ có sai phạm cho thấy việc sử dụng quyền lực chưa bài bản, chưa đúng quy định.
“Nói cách khác, có những đồng chí được giao quyền lực đã lạm quyền, lộng quyền trong việc sử dụng quyền lực, mà chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát. Sử dụng không đúng quyền lực, thẩm quyền, có việc lợi dụng. Từ sử dụng không đúng quyền lực rất dễ dẫn đến chạy chức chạy quyền, hai vấn đề này có quan hệ với nhau”, Trưởng Ban Tổ chức TƯ nhấn mạnh.
Vì vậy, Ban Tổ chức TƯ đề xuất cụ thể hoá một trong những nội dung của Đại hội Đảng toàn quốc. Tình hình thực tiễn đặt ra phải xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
“Ban Tổ chức xin ý kiến để trình các cấp có thẩm quyền sớm ban hành Quy định trong năm 2018, góp phần kiểm soát quyền lực, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền, vấn đề nhức nhối trong xã hội và ngay trong nội bộ Đảng”, ông Phạm Minh Chính cho hay.
Quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn
Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ Trần Văn Túy thông tin, trong 35 năm đổi mới, 20 năm thực hiện chiếc lược cán bộ và nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết 12 của Đảng, công tác cán bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn không ít yếu kém, khó khăn, thách thức.
Phó Ban Tổ chức TƯ Trần Văn Túy |
“Tình trạng lạm quyền, lộng quyền, thao túng trong công tác cán bộ, sử dụng quyền lực được giao để thực hiện mục đích cá nhân, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Nạn chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền còn diễn biến phức tạp, xảy ra tinh vi ở nhiều nơi, nhiều cấp”, ông Tuý nêu rõ.
Nghị quyết TƯ 4 khoá 12 nhấn mạnh phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Nghị quyết TƯ 7 khoá 12 đề ra nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.
“Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ, quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn”, ông Tuý khẳng định.
Ông Tuý thông tin, dự thảo gồm 4 chuơng, 16 điều, trong đó có quy định 8 cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nhận diện 19 hành vi chạy chức, chạy quyền (5 hành vi của người chạy và 14 hành vi của người được chạy, cả hành vi tập thể và cá nhân).
Ngoài ra, dự thảo còn quy định 6 cách thức phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền; việc kiểm tra, kết luận, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền…
Góp ý cho dự thảo, nhiều ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết của quy định này. Đây cũng là vấn đề hết sức bức thiết mà nhân dân và xã hội đang quan tâm để góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lạm quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ.
Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính lưu ý, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền là vấn đề được quan tâm trong Đảng, trong nhân dân, xã hội, cần giải pháp phù hợp, hiệu quả để góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và cũng là để cụ thể hoá Nghị quyết của TƯ.
"Chúng ta chưa làm lần nào nên cũng có cái khó, có vấn đề nhạy cảm, nhưng qua các ý kiến chúng tôi thấy rất tâm huyết, chất lượng, chúng tôi sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện Quy định này cho sát với tình hình thực tế để hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát và kiểm tra", ông Chính nói.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet