Giáo dục

Chất lượng giáo viên là nhân tố quyết định thành bại của đổi mới giáo dục

Phát triển đội ngũ giáo viên luôn là vấn đề chiến lược của mỗi quốc gia vì đội ngũ giáo viên mang yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng giáo dục.

LTS: Tiếp tục trao đổi về vấn đề đổi mới giáo dục, thầy giáo Trần Trí Dũng cho rằng yếu tố trọng tâm là cần nâng cao chất lượng giáo viên.

Theo đó, công tác đào tạo đội ngũ giáo viên cũng cần được chú trọng cả về chất và về lượng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Phát triển đội ngũ giáo viên luôn là vấn đề chiến lược của mỗi quốc gia vì đội ngũ giáo viên mang yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng giáo dục.

Đó là nguồn duy nhất đào tạo nguồn nhân lực có khả năng hiện thực hóa mọi kế hoạch cho tương lai, đặc biệt trong thế kỷ XXI được xem là thế kỷ của công nghệ thông tin và kinh tế tri thức.

Vì thế, nâng cao chất lượng giáo viên được xem là khâu đột phá, trọng tâm của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông.

Giáo viên được coi như yếu tố then chốt của cải cách, đổi mới giáo dục. Bởi lẽ, không có thầy giỏi về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt thì không thể có nền giáo dục chất lượng.

Hiện nay, năng lực của đội ngũ giáo viên phổ thông vẫn để lại những lo ngại cả về lượng và chất trước yêu cầu đổi mới giáo dục.

Điều đó đòi hỏi phải có những giải pháp để tháo gỡ, phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên để đáp ứng tốt nhất chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo một kết đánh giá tổng quát năng lực giáo viên, nếu chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai trong thời gian tới với định hướng và yêu cầu chuyển từ trang bị nội dung kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của người học bằng việc dạy học tích hợp và lồng ghép, dạy học phân hóa, trải nghiệm sáng tạo... thì năng lực của đội ngũ giáo viên phổ thông đang đứng trước những thách thức mới.

Cũng theo một kết quả khảo sát thực trạng năng lực dạy học của giáo viên của trường đại học Sư phạm Hà Nội đã cho thấy, tuy giáo viên đã có những năng lực cần thiết để đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, nhưng số giáo viên có năng lực vững chắc chỉ đạt trên dưới 20%, những giáo viên đã có năng lực nhưng chưa vững chắc chiếm tỉ lệ khá cao.

Tỉ lệ giáo viên chưa có các năng lực dạy học theo yêu cầu đổi mới cũng còn khá nhiều.

Theo đó, xét về các năng lực dạy học tích hợp, lồng ghép, liên môn thì có tới gần 60% giáo viên cho rằng không vững chắc.

Vai trò của giáo viên rất quan trọng trong việc thực hiện đổi mới giáo dục. (Ảnh minh họa trên nld.com.vn)

Những hiện tượng như: giáo viên không giải quyết được hết các bài toán trong sách giáo khoa, rời sách giáo khoa thì không biết lấy gì để dạy và dạy như thế nào đã không còn hiếm.

Có một thí dụ thực tế là, đối với những bài học về thực vật (thân, lá, hoa) hay các loài động vật, gia cầm xung quanh chúng ta đáng lẽ phải dạy ở vườn trường, sân trường, trại chăn nuôi thì tuyệt đại đa số giáo viên chỉ dạy ở trong lớp với quyển sách giáo khoa một cách vô cảm.

Để phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục phổ thông thì hai giải pháp chú trọng được đưa ra là: công tác đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm và công tác bồi dưỡng đào tạo lại giáo viên phổ thông.

Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm

Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo về số lượng và chất lượng là nhiệm vụ cấp thiết của các trường sư phạm, điều đó đòi hỏi các trường sư phạm không ngừng đổi mới nằm nâng cao chất lượng giáo viên.

Một trong những nguyên nhân có tính quyết định chất lượng giáo dục là việc thực thi phương pháp giảng dạy của đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế.

Muốn đổi mới phương pháp giảng dạy có hiệu quả, đòi hỏi phải không ngừng nâng cao năng lự dạy học của người giáo viên, mà năng lực dạy học của người giáo viên trước hết được hình thành và phát triển ở quá trình đào tạo trong trường sư phạm.

Do vậy, đổi mới phương pháp đào tạo giáo viên sẽ tạo ra tiền đề căn bản, vững chắc cho người giáo viên tương lai để có thể đáp ứng yêu cầu của đổi mới phương pháp giảng dạy trong tiến trình đổi mới giáo dục.

Hiện nay đang có nhiều bất cấp trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên. Cụ thể, nhận thức và trách nhiệm của nhiều trường sư phạm chưa thực sự quan tâm đúng mức tới công tác dạy nghề cho sinh viên.

Chưa coi đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kiến tập, thực tập là hoạt động có ý nghĩa quyết định trong việc hình thành phẩm chất và năng lực nghề nghiệp của sinh viên.

Không ít giảng viên còn thờ ơ lãnh đạm với việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên, chưa thực sự lưu tâm và tích cực trong việc kết hợp giảng dạy kiến thức chuyên môn với việc rèn nghề cho sinh viên.

Quá trình thực hiện giáo dục từ nhiều năm qua cũng cho thấy chương trình đào tạo giáo viên đã đạt được những kết quả nhất định song vẫn bộc lộ nhiều bất cập.

Các học phần về phương pháp giảng dạy bộ môn tuy đã cố gắng trang bị cho sinh viên nắm vững được hệ thống các phương pháp dạy học và cập nhật những vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy ở trường phổ thông nhưng vẫn còn một khoảng cách xa giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa đào tạo ở trường sư phạm với thực tế giảng dạy ở trường phổ thông.

Nhiều sinh viên khi thực tập sư phạm rất ngỡ ngàng trước những yêu cầu của giáo viên hướng dẫn.

Vấn đề thiết kế môn học theo hướng tích hợp hiện đang được áp dụng ở nhiều cấp học phổ thông.

Trong khi đó, nhiều trường sư phạm lại chưa chú tâm, nhanh nhạy đổi mới chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tiễn để xứng đáng là chiếc máy cái, là nhiệm vụ đi trước dẫn đường cho việc định hướng đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy ở các bậc học phổ thông.

Nội dung và phương thức đào tạo của nhiều trường sư phạm chưa gắn bó chặt chẽ với nội dung chương trình giáo dục phổ thông, những xu thế thay đổi của giáo dục phổ thông chưa được cập nhật vào chương trình đào tạo.

Vì vậy, sinh viên khi tham gia thực tập, kiến tập ở trường học thường lúng túng, bỡ ngỡ trước nhiều hiện thực của thực tiễn phổ thông luôn đổi mới.

Cách dạy hiện nay ở nhiều trường sư phạm vẫn nặng về cách 'lấy giảng viên làm trung tâm", nặng về thông báo, truyền thụ kiến thức một chiều theo kiểu độc thoại làm sinh viên thụ động trong việc tiếp thu kiến thức bài giảng.

Vì thế, trước hết cần nhận thức đúng về nghề dạy học và coi trọng việc đào tạo kỹ năng dạy học ở các trường sư phạm.

Bởi hiện nay, quan điểm dạy học là một nghề chưa trở thành một nhận thức nhất quán.

Tình trạng coi trọng các môn khoa học cơ bản và xem nhẹ các môn khoa học giáo dục dạy về nghiệp vụ sư phạm đẫ tồn tại trong một thời gian dài ở ngay tại các cơ sơ đào tạo giáo viên.

Việc xây dựng nền tảng tri thức của nghề dạy học và việc rèn luyện để hình thành và phát triển các kỹ năng thực hành nghề dạy học trong một thời dài chưa thực sự được coi trọng đúng tầm.

Cần đổi mới chương trình đạo tạo giáo viên theo hướng coi trọng quá trình hình thành rèn luyện năng lực nghề nghiệp.

Cụ thể, đổi mới việc xây dựng hệ thống mục tiêu đào tạo của trường, khoa, các bộ môn và các hoạt động cấu thành chương trình đào tạo một cách cụ thể, tương thích với mục tiêu đào tạo theo hướng tăng cường năng lực, gắn với chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo và chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Mặt khác, cần coi trọng nội dung đào tạo về khoa học giáo dục và việc hình thành hệ thống các kỹ năng nghề nghiệp.

Chương trình đào tạo giáo viên theo đó cần có sự dịch chuyển trọng tâm vào nội dung đào tạo về khoa học giáo dục, về nghiệp vụ sư phạm theo hướng gia tăng rõ rệt tính thực tiễn của chương trình đào tạo.

Đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo hướng gắn chặt hơn nữa và đáp ứng tốt hơn yêu những yêu cầu của đổi mới giáo dục, để giáo viên đáp ứng tốt các yêu cầu của đổi mới phương pháp giảng dạy.

Đào tạo sư phạm gắn chặt với giáo dục cần được coi là một định hướng có tính nguyên tắc, bởi lẽ sản phẩm đào tạo của trường sư phạm là những giáo viên tương lai có thể đáp ứng yêu cầu nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong xu thế đổi mới liên tục.

Ngoài ra cũng cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp đào tạo giáo viên trong trường sư phạm, nhằm tạo nền tảng vững vàng về phương pháp giảng dạy cho người giáo viên tương lai.

Ở đây, cần tăng cường thực tập sư phạm thường xuyên và có sự gắn kết giữa các trường sư phạm và trường phổ thông trong đào tạo năng lực nghề nghiệp cho giáo viên.

Theo đó, tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống điều kiện phục vụ đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên sư phạm.

Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên là yêu cầu cấp thiết để xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên có chất lượng.

Theo đó, giải pháp được đưa ra là, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng cường công tác thực hành nghề, chú trọng nâng cao chất lượng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên, đổi mới phương thức đào tạo giáo viên theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp, tiếp tục thực hiện các chế độ đãi ngộ giáo viên một cách thỏa đáng.

Thêm vào đó, cần phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên trường sư phạm để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Theo đó, cần năng cao nhận thức, khơi gợi khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

Mặt khác, cần đầu tư về cơ sở vật chất, huy động tăng cường những nguồn lực hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học.

Từ đó, gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học cua sinh viên đối với nhu cầu thực tế từ các địa phương, các trường học, tổ chức và doanh nghiệp, hướng đến phục vụ lợi ích cộng đồng... .

Để thích ứng với sự phát triển nhanh của xã hội hiện đại, ngoài kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, con người cần có kỹ năng mềm.

Vì kỹ năng mềm cùng với các kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ là những kỹ năng giúp con người sống hạnh phúc và thành công. Qua khảo sát cho thấy 60,3% sinh viên hiểu đúng khái niệm kỹ năng mềm.

Kỹ năng mềm của sinh viên ở mức độ trung bình thấp so với kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do chưa có biện pháp phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên một cách phù hợp.

Do đó, việc nghiên cứu thực trạng và đề ra biện pháp phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, hình thành năng lực sáng tạo cho sinh viên trong hệ thống trường sư phạm cũng rất cần thiết.

Bởi lẽ, đối với giáo viên, nhờ năng lực sáng tạo, giáo viên sẽ tự ý thức, chủ động và tích cực tạo nên sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, lợi ích và mục đích đa dạng, ngày càng tăng của sự phát triển con người và xã hội.

Có năng lực sáng tạo, giáo viên dễ dàng tiếp cận và sử dụng các phương pháp dạy học thích hợp để phát triển trí tưởng tượng phong phú của học sinh, giáo viên biết tạo môi trường lớp học thú vị, cung cấp cho học sinh không gian kích thích sự nảy sinh ý tưởng, khám phá và thực hiện việc học tập một cách tốt nhất.

Sinh viên sư phạm là những giáo viên trong tương lai, vì vậy họ không những phải làm tốt vai trò của người truyền thụ tri thức khoa học, cung cấp kiến thức về xã hội, con người cho học sinh mà họ còn phải là những người tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo để đảm bảo các yêu cầu của giáo dục.

Sáng tạo trở thành một trong những năng lực quan trọng nhất đối với sinh viên sư phạm, bởi năng lực sáng tạo không chỉ giúp họ giải quyết những nhiệm vụ học tập trước mắt của ngành học, mà còn giúp họ có khả năng giải quyết những nhiệm vụ mang tính lâu dài của nghề nghiệp trong tương lai.

Có một điểm cần lưu ý là, trong vấn đề đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm, cần đổi mới, thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên theo mục tiêu phát triển năng lực nghề và sự thay đổi của chương trình-sách giáo khoa mới sau năm 2018.

Trên thực tế, chương trình đào tạo sư phạm hiện nay đang trong tình trạng: "giàu tri thức-nghèo kỹ năng".

Sinh viên ra trường chưa đủ năng lực thực hiện các hoạt động giảng dạy cơ bản trong thực tiễn nghề nghiệp và giải quyết tốt các tình huống xảy ra trong bối cảnh cụ thể của thực tiễn đổi mới giáo dục.

Vì thế, chương trình đào tạo giáo viên phải được cấu trúc và thiết kế lại sao cho phát triển được những năng lực nghề cần thiết cho sinh viên để có thể đáp ứng được thực tiễn giáo dục phổ thông.

Cùng với đó, cần thiết kế lại chương trình đào tạo theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với yêu cầu của ngành giáo dục, giảm bớt lý thuyết, tăng phần thực hành, thực tập, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đặc biệt là tăng cường rèn luyện kỹ năng nghề để nâng cao năng lực nghề nghiệp cho sinh viên.

Trong chương trình, cần chú trọng phần kiến thức chuyên ngành và kỹ năng nghề nghiệp. Việc dạy ngoại ngữ và tin học là thiết yếu, song cần theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của người học.

Mặt khác, có một vấn đề cần được lưu ý là, trong vấn đề đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm cần đổi mới công tác công tác tuyển sinh để lựa chọn những thí sinh vào sư phạm có đủ năng lực dạy học tốt.

Những năm gần đây do nhiều thí sinh giỏi quay lưng với ngành sư phạm nên các trường sư phạm đang thiếu dần những thí sinh có đủ tâm, tài và lòng đam mê với "sự nghiệp trồng người".

Để làm được điều này, ngoài chính sách và biện pháp đã được thực hiện từ nhiều năm như tuyển thẳng những học sinh phổ thông có lực học giỏi, miễn giảm học phí... thì biện pháp có ý nghĩa quyết định nhất là Nhà nước và trường Sư phạm phải có chính sách đảm bảo đầu ra cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm (được làm đúng nghề dạy học ở trường phổ thông).

Bởi lẽ, nếu tình trạng thất nghiệp của sinh viên sư phạm mà vẫn kéo dài thì cho dù các trường sư phạm có cố gắng bao nhiêu cũng không thu hút được sinh viên giỏi vào trường sư phạm.

Cùng đó, công tác tuyển sinh cần thực hiện khâu sơ tuyển đầu vào để lựa chọn những thí sinh có năng khiếu và loại bỏ những thí sinh không đủ tâm, tài và lòng đam mê nghề nghiệp.

Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên

Trong công tác bổi dưỡng, đào tạo lại giáo viên, về phía Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục và các trường sư phạm cần chủ động khảo sát, đánh giá lại năng lực của người giáo viên một cách chính xác, khách quan.

Đối chiếu với yêu cầu của chương trình giáo dục mới để thấy rõ cái đang cần và đang thiếu của giáo viên, từ đó xác định nội dung cần bồi dưỡng cho giáo viên và xây dựng chương trình bồi dưỡng cho sát hợp với nhu cầu thực tiễn.

Trên tinh thần đó, tiến hành biên soạn các tài liệu bồi dưỡng giáo viên theo từng nội dung hoặc chủ đề để giáo viên tự học, tự bồi dưỡng tại cơ sở.

Trên cơ sở đó, thiết kế một số giáo án mẫu, các tiết dạy minh họa thể hiện cách thức dạy học theo hướng đổi mới để giáo viên học tập, vận dụng.

Trong công tác bồi dưỡng và đào tạo lại giáo viên, giảng viên các trường Đại học sư phạm trọng điểm phải là lực lượng chủ yếu trong các đợt tập huấn, bồi dưỡng để đảm bảo chất lượng của đội quân "chuyên nghiệp" đi dạy nghề, tránh tình trạng để các trường sư phạm "đứng ngoài cuộc nhìn vào" hoặc chỉ được mời tham gia.

Về phía các Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường phổ thông, cần bố trí, sắp xếp cho giáo viên thay nhau đi bồi dưỡng tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh hoặc tại các trường sư phạm theo nhu cầu bồi dưỡng của từng giáo viên.

Tiến hành liên kết với các trường sư phạm hoặc mời các chuyên gia, các giảng viên có trình độ cao để trực tiếp bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động sinh hoạt chuyên môn (qua dự giờ, thao giảng...) theo cụm trường, liên trường để tạo diễn đàn cho giáo viên chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và tự bồi dưỡng lẫn nhau.

Như thế, muốn thực thi đổi mới phương pháp giảng dạy có hiệu quả, bên cạnh việc đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên đương nhiệm thì đổi mới mạnh mẽ phương pháp đào tạo giáo viên theo tinh thần "đổi mới sư phạm phải đi trước một bước" sẽ là giải pháp có tính chiến lược cho mục tiêu xây dựng đội ngũ nhà giáo cho tương lai, nhằm đáp ứng kịp thời những yêu cầu của tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Giáo viên là những người trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn và truyền thụ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho học sinh.

Bởi vậy, xây dựng được đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất và năng lực sẽ là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của công cuộc cải cách và đổi mới giáo dục.

Tác giả bài viết: Trần Trí Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP