Họ vẫn còn may mắn hơn muôn vàn những cử nhân Sư phạm khác đang bươn chải kiếm sống ngoài kia và đành “lưu ước mơ” của mình vào ngăn tủ với tấm bằng còn thơm mùi giấy mới, ra trường 5, 7 năm rồi mà vẫn chưa có việc làm ổn định.
Một trong nhiều những cử nhân Sư phạm đó là Thúy Hằng. Tốt nghiệp cử nhân Sư phạm môn Địa lí năm 2013 với bằng loại Giỏi, đi dạy hợp đồng nhiều nơi, với mối quan hệ khá rộng và quen biết khá nhiều, cô gái trẻ tràn đầy nhiệt huyết và niềm đam mê với “phấn trắng bảng đen”. Nhìn em, tôi như nhớ lại một thời mà tôi đã trải qua, cũng yêu đời, yêu nghề như thế.
Tôi biết Hằng qua lời giới thiệu của chồng tôi. Hằng là sinh viên thực tập môn Địa lí do chồng tôi hướng dẫn trong những năm em còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học. Trong thời gian thực tập, Hằng đã rất cố gắng hoàn thành xuất sắc khóa thực tập. Em hy vọng sẽ có việc làm ổn định sau khi rời trường rồi tính đến chuyện lập gia đình sinh con.Với phụ nữ, chỉ cần như vậy là đủ, không cần gì thêm. Em biết tôi là giáo viên nên có ý gặp và trao đổi kinh nghiệm dạy học trong nghề, mặc dù tôi dạy môn Văn.
Còn nhớ, lần đầu tiên gặp em, tôi ngạc nhiên vô cùng với vẻ ngoài già dặn và từng trải, trông em già hơn so với tuổi 22. Qua trò chuyện mới biết em sinh ra ở một vùng quê nghèo khó, vào Sư phạm để ra trường dễ xin việc, không tốn kém tiền của. Hằng để lại ấn tượng trong tôi với một tâm hồn sôi nổi, trẻ trung , nhiều mơ mộng về một tương lai tươi sáng đang đợi em phía trước.
Mới đây gặp tôi, Hằng tâm sự trong tiếng thở dài: “Bảy năm rồi, em thất nghiệp, em có dạy hợp đồng lai rai vài trường nhưng xa nhà quá, lương cũng chỉ đủ đổ xăng mà thôi, em đành ở nhà phụ ba mẹ trồng trọt và chăn nuôi, kiếm cơm ăn hàng ngày chị ạ. Đầu năm vừa rồi, em vừa xin được một công việc ở nhà nghỉ, dọn dẹp phòng cho khách. Công việc này trái ngược hoàn toàn với đi dạy, tiếp xúc với đủ các hạng người, nhưng phải làm chứ biết làm sao.”
Bằng cử nhân Sư phạm vẫn còn thơm tho mùi giấy mới duy chỉ có tâm hồn và nhiệt huyết của cô gái trẻ trở nên cũ kĩ mà thôi. Đáp số nào cho một trong muôn vàn cử nhân Sư phạm đang thất nghiệp ngoài kia?
Còn nhiều nữa những sinh viên Sư phạm gác mộng “gõ đầu trẻ” với nhiều công việc khác nhau như buôn bán lặt vặt ven đường để kiếm sống.
Trên đường đi ngang qua, lòng tôi chùng xuống vì kế sinh nhai bủa vây những cử nhân trẻ tuổi ấy.
Bỏ hàng thuê, làm công việc shipper để tạm sống qua ngày, hay rời quê hương vì miếng cơm manh áo cũng là cách lựa chọn của nhiều cử nhân hiện nay, thậm chí chấp nhận làm phụ thợ nề vào mùa nắng để có thu nhập…
Đáng buồn hơn nữa, cùng khóa Sư phạm với tôi (tốt nghiệp năm 2006), trong khi tôi đã “an phận” với công việc “ người lái đò” ổn định thì một số người bạn của tôi đã, đang thất nghiệp dài dài. Các bạn gái thì lấy chồng rồi sinh con và chờ công việc, các bạn trai thì làm đủ mọi ngành nghề để nuôi thân.
Sư phạm - nghề cao quý trong những nghề cao quý đã - giờ đây đang lấy đi niềm tin, niềm hi vọng của bao tâm hồn tràn đầy nhựa sống và để lại một câu hỏi không lời đáp: Đến bao giờ những cử nhân Sư phạm làm đúng nghề mình đã chọn?
Tác giả: Thanh Thanh
Nguồn tin: Báo Dân trí