Cuộc sống

Chàng trai Việt từ thực tập sinh trở thành giám đốc của P&G

21 tuổi, Trần Khắc Hào là thực tập sinh Việt đầu tiên tại P&G Singapore. 27 tuổi, anh trở thành giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc, bao gồm Rejoice, Pantene, Head & Shoulders.

5 năm trước, khi đang là sinh viên năm thứ ba Đại học Ngoại thương TP.HCM, Trần Khắc Hào là thực tập sinh Việt Nam đầu tiên tại văn phòng châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn P&G đặt tại Singapore.

5 năm sau, anh trở thành giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc của P&G Việt Nam, bao gồm Rejoice, Pantene, Head & Shoulders.

Trở thành thực tập sinh tại nước ngoài

Ngay từ những ngày đầu tiên bước vào trường đại học, chàng sinh viên FTU đã ấp ủ ước mơ được làm việc tại tập đoàn đa quốc gia. Cơ hội đến khi Trần Khắc Hào tham gia P&G ASEAN Business Challenge - cuộc thi do P&G Việt Nam tổ chức.

Khắc Hào (thứ hai từ trái sang) cùng đồng nghiệp tại văn phòng của P&G tại Thái Lan. Ảnh: NVCC.

Nỗ lực chiến thắng tại nhiều vòng thi tại Việt Nam và khu vực, anh trở thành một trong số ít sinh viên được tuyển chọn thực tập tại P&G Singapore trong 2 tháng, có thể xem là một “hub” (trung tâm) của tập đoàn hóa mỹ phẩm hàng đầu của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

"Mỗi năm, P&G nhận hàng nghìn hồ sơ ứng tuyển, nhưng chỉ chọn ra một vài ứng viên có tố chất và tiềm năng phù hợp để đào tạo và phát triển. Chuyến thực tập 60 ngày là trải nghiệm thay đổi cuộc sống của mình", Trần Khắc Hào chia sẻ.

Ngay từ ngày đầu, chàng sinh viên 21 tuổi khi đó đã được công ty giao cho chiến dịch tung thương hiệu chăm sóc tóc cao cấp mới trị giá hàng triệu đô la Mỹ tại thị trường Việt Nam.

"Sếp muốn mình đưa vào Việt Nam dòng sản phẩm cao cấp trong 2 tháng thực tập. Thời điểm ấy, yêu cầu đó với một sinh viên năm 3 chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc gần như bất khả thi. Mình đã phải hết sức cố gắng, phối hợp các đồng nghiệp hoàn thành thử thách này", cựu sinh viên FTU nhớ lại.

Khó khăn khi làm việc nơi đất khách

Kể về những ngày đầu tiên thực tập tại một trong những tập đoàn hóa mỹ phẩm hàng đầu thế giới, Khắc Hào cho biết khối lượng công việc khổng lồ, cường độ làm việc liên tục cùng với kiến thức của tập đoàn lớn gần 180 năm tuổi từng khiến anh gặp không ít áp lực.

Không chỉ thế, những kiến thức, kỹ năng phải học tại môi trường làm việc quốc tế quá nhiều, cộng thêm mục tiêu đặt ra từ công ty cũng khiến anh bị choáng ngợp.

"Trước khi tới Singapore, mình từng có kinh nghiệm… pha cà phê, photo giấy tờ hoặc làm công việc đơn giản. Trái lại, trong 2 tháng thực tập ở Singapore, mình được tham gia dự án thực sự và làm việc trực tiếp với các lãnh đạo kinh doanh đang quản lý thị trường trong khu vực châu Á như một nhân viên chính thức", chàng trai nói thêm.

Chàng trai từng có 5 năm làm việc tại các quốc gia khác nhau khẳng định người trẻ có thể tìm kiếm cơ hội làm việc bên ngoài biên giới Việt Nam. Đồ họa: Sang Ngô.

Cũng như những người trẻ khác lần đầu ra nước ngoài, chàng trai Việt Nam từng lo lắng và bỡ ngỡ khi làm việc và giao tiếp trong môi trường hoàn toàn mới với ngôn ngữ và văn hóa khác biệt.

Nhân viên của P&G trên toàn cầu đến từ nhiều quốc gia. Singapore chào đón hàng trăm người đến từ hàng chục đất nước. Nhóm làm việc của Khắc Hào có đến 11 quốc tịch khác nhau. Điều này khiến anh từng gặp tình huống "sốc" văn hóa khi "dở khóc dở cười".

"Những bạn đến từ Thái Lan ít khi nói không đồng tình mà luôn nói 'It's ok'. Tuy nhiên, câu này có tới 7 ý nghĩa, tùy vào hoàn cảnh. Phải rất hiểu đất nước Chùa Vàng mới biết câu trả lời thực sự là gì", chàng trai Việt từng làm việc với đồng nghiệp Thái Lan giải thích.

Khắc Hào kể những kiến thức mới từ con người, văn hóa, ngôn ngữ; sự khác biệt về suy nghĩ, cách làm việc; hay đơn giản là việc phải thức hàng đêm để hoàn thành deadline, stress vì áp lực, ngã bệnh tại một đất nước xa lạ, sự cô đơn giữa những người không nói ngôn ngữ giống mình,... sẽ đánh gục những ai không có ý chí vững vàng.

Tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài

Từ một thực tập sinh, chàng trai sinh năm 1989 trở thành trợ lý giám đốc thương hiệu toàn cầu (Global Associate Brand Manager), phụ trách nhãn hàng Pantene tại thị trường Singapore khi kỳ thực tập 2 tháng kết thúc thành công.

Năm 2014, sau Singapore và Indonesia, anh chuyển tới Thái Lan, đảm nhiệm vai trò phó quản lý thương hiệu, phụ trách chiến lược phát triển thương hiệu của Pantene, Head & Shoulders và Rejoice cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Thời điểm này, Khắc Hào giúp thị trường đạt được tăng trưởng cao nhất tại châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2016, anh trở về Việt Nam, làm việc với vị trí giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc, phụ trách 3 thương hiệu “gạo cội” Pantene, Rejoice và Head & Shoulders tại Việt Nam.

"Hai đức tính cần thiết khi làm việc là không sợ sai và kiên trì đến cùng; luôn trau dồi ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn, tác phong làm việc chuyên nghiệp, cũng như chuẩn bị tâm lý cho thách thức mới", chàng giám đốc 27 tuổi kết luận.

Kỳ thực tập 60 ngày tại Singapore là trải nghiệm thay đổi cuộc đời cựu sinh viên Đại học Ngoại thương TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Cũng theo Khắc Hào, sinh viên Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực tập và làm việc tại các tập đoàn hoặc công ty lớn trên thế giới. Với sự phát triển của mạng xã hội, sự xuất hiện của các diễn đàn hỗ trợ sinh viên, khả năng người trẻ Việt tìm được việc làm thực tập hấp dẫn tại các quốc gia láng giềng, hoặc những thị trường như châu Âu, châu Mỹ... là hoàn toàn có thể.

Bắt đầu thực tập tại một tập đoàn lớn từ rất sớm, anh chỉ ra điều những người trẻ cần là xác định điều họ mong muốn nhất, khoanh vùng công việc phù hợp với ngoại ngữ, kiến thức và kỹ năng hiện có, sẵn sàng đương đầu những khó khăn khi phải sống tại một đất nước khác.

Hiện nay, có rất nhiều các cuộc thi, học bổng ngắn hạn, kỳ thực tập trao đổi, hoặc tổ chức quốc tế có thể giúp sinh viên Việt Nam vươn ra thế giới, trở thành công dân toàn cầu.

"Nên nhớ rằng, không có biên giới với các các bạn trẻ có đam mê chinh phục và mong muốn thực hiện ước mơ của mình", chàng trai người Việt từng có 5 năm làm việc tại các quốc gia khác nhau khẳng định.

Tác giả: Minh Nam

Nguồn: Zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP