Năm 2004, sau khi tốt nghiệp cấp 3, trong một lần được bố cho đi thăm quan làng đá quý Lục Yên, tỉnh Yên Bái, anh Kiên bị những bức tranh đá quý hút hồn và anh đã theo học nghề làm tranh đá quý từ đó. Sau 3 tháng học nghề, để thỏa sự đam mê và sáng tạo, năm 2005, anh Kiên quyết định tạo cho mình “khoảng trời riêng” bằng việc mở một cửa hàng tranh đá quý nhỏ ngay tại nhà mình.
Anh Thân Đức Kiên bên những tác phẩm tranh đá quý của mình
Từ những bức tranh đơn giản, tranh chép như tranh phong cảnh làng quê Việt Nam, tranh tứ bình, thời gian, dần dà anh Kiên đã làm được những bức tranh ngựa, tranh phong cảnh thủy mặc hoặc các bức tranh của các danh họa nổi tiếng thế giới với khổ to, đa dạng về màu đá và cực kỳ tinh xảo hoặc làm các bức tranh theo mẫu của khách hàng và sáng tạo, sáng tác ra những mẫu tranh, bức tranh mới.
Một số bức tranh đá quý của chàng trai trẻ "quê núi"
Mỗi bức tranh đá quý của anh Kiên cỡ trung bình sẽ có giá dao động từ 6-10 triệu. Tuy nhiên, để làm được một bức tranh đòi hỏi rất nhiều thời gian, có thể là 2-3 ngày với bức khổ nhỏ và cũng có thể là cả tuần, cả tháng với những bức cỡ lớn, nhiều họa tiết và qua nhiều giai đoạn với sự kỳ công, tỉ mỉ của người thợ. Trước hết đá được ngâm, rửa, làm sạch, sau đó phân loại, đập nhỏ thành những mảnh, những viên, một phần cho vào cối sắt để giã, rồi sàng ra các kích cỡ khác nhau. Những chi tiết trong tranh cần độ mịn, sắc nét như trời, nước, mặt người… thì đá phải được giã bột sau đó rửa sạch, rang khô. Sau đó, trên chất liệu mica, anh Kiên sẽ ghép đá trên phác thảo bức tranh. Khi đá đã làm thành tranh, người thợ dùng keo 502 để kết dính và cố định tranh.
Anh Kiên chia sẻ: Nghề làm tranh đá quý đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Nếu ai đã vào làm tranh đá quý mà không có tính kiên trì và không chịu đựng được thì sẽ không theo được nghề. Và làm tranh không phải cứ làm một bức tranh cho xong mà mình phải đưa hồn vào trong tranh thì người chiêm ngưỡng mới cảm nhận được và cảm thấy được mức độ nghệ thuật của bức tranh như thế nào?
Tranh đá quý đòi hỏi người thợ phải có “con mắt nghệ thuật” và “tâm hồn nghệ sĩ”
Các sản phẩm của anh cũng đã vượt khỏi thị trường trong huyện, trong tỉnh, đi đến các tỉnh bạn và đặt chân đến thị trường quốc tế. Chị Hồ Thị Vân - một trong những khách hàng của anh Kiên ở xóm Đoàn Kết - xã Nghĩa Xuân cho biết: Nhà tôi rất thích tranh của cháu Kiên vì tranh của Kiên làm hoàn toàn bằng thủ công, làm bằng đá tự nhiên. Tranh rất có hồn, đường nét sắc sảo, chân thực. Tranh nhà tôi treo lâu rồi nhưng cũng không bị bay màu. Khách bạn bè ai đến cũng khen, tranh có hồn và đẹp nên tôi cũng quảng bá cho cháu.
Dù còn khiêm tốn, nhưng có được những thành quả bước đầu như ngày hôm nay là niềm hạnh phúc lớn của anh Kiên và những người thân. Tính về tương lai, anh mong muốn có sự hợp tác và tạo điều kiện từ nhiều phía để phát triển nghề thủ công độc đáo này ở địa phương và dạy nghề cho nhiều bạn trẻ có cùng niềm đam mê.
Tác giả bài viết: Trâm Anh