Với bệnh nhân, PGS.TS.BS Lê Hoàng như một "người gieo mầm sự sống" bởi ông đã góp phần "ươm mầm sống" cho hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn suốt hơn 20 năm qua. Còn với đồng nghiệp, ông được ví như “chàng hiệp sĩ lãng tử nơi phòng mổ” bởi thói quen nghe một điệu nhạc êm dịu khi tiến hành phẫu thuật. Nhưng người đàn ông nhẹ nhàng, điềm đạm với nụ cười rất hiền ấy chỉ khiêm tốn nhận mình là “hiệp sĩ bóng đêm” như bao thầy cô, đồng nghiệp khác trong ngành y.
Sau khi tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa hệ chính quy Trường Đại học Y Hà Nội năm 1990, bác sĩ Lê Hoàng về làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chuyên ngành Sản phụ khoa.
Và rồi, cơ duyên với những cặp vợ chồng hiếm muộn đến với ông, khi ông là một trong nhóm bác sĩ đầu tiên ở miền Bắc được cử đi đào tạo về kỹ thuật IVF ở nước ngoài. Càng làm càng đam mê và ông được bệnh nhân trân trọng gọi bằng cái danh thân thương “sứ giả IVF” đã mang “lộc” con đến với hàng nghìn gia đình suốt hơn 20 năm qua.
Bác sĩ Lê Hoàng đang phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý trước khi làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) ở Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội. |
Với bề dày thành tích trên các mặt trận nghiên cứu khoa học, hàng chục đề tài cấp Nhà nước và cấp cơ sở được nghiệm thu, cả trăm bài báo khoa học đăng trên các tạp chí y học lớn, bằng khen của Thủ tướng, huân chương lao dộng… nhưng thật bất ngờ khi rất hiếm bài báo viết về cá nhân PGS.TS.BS Lê Hoàng. Phải chăng ông quá bận?
Điều đó đúng bởi ông “chinh chiến” trên cả mặt trận nghiên cứu khoa học, đào tạo và cả trực tiếp khám chữa bệnh ở cả lĩnh vực sản, phụ khoa đến hỗ trợ sinh sản, nên quỹ thời gian không có nhiều. Nhưng vấn đề chính là người đàn ông ấy rất kín tiếng và chưa bao giờ “hào phóng” thời gian để nói về mình.
"Ngày nào cũng tất bật như con thoi nhưng không biết mệt khi đọc tin nhắn thông báo “2 vạch” của bệnh nhân hay được chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc của những bà mẹ nhiều năm mòn mỏi tìm kiếm nay đã được ôm đứa con khỏe mạnh trên tay…là tôi quên hết mệt mỏi", PGS.TS.BS Lê Hoàng nói.
Với ông, đó chính là “liều doping tinh thần” giúp ông luôn tràn trề năng lượng để tiếp tục cuộc hành trình tạo nên hàng trăm câu chuyện hạnh phúc, thắp lửa niềm tin và hy vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn.
Không chỉ đam mê nghề như trung thành với cái nghiệp của bản thân, PGS.TS.BS Lê Hoàng còn luôn trăn trở, mong ước xây dựng một trung tâm hỗ trợ sinh sản cao cấp để phục vụ ngày càng tốt hơn cho bệnh nhân, đó cũng sẽ là nơi các chuyên gia, bác sĩ được thỏa ước mơ học tập, rèn luyện và nâng cao trình độ.
Bác sĩ Lê Hoàng luôn nhiệt huyết trong công tác đào tạo thế hệ trẻ. |
Và tháng 9 năm 2016, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã ra đời, như một "giấc mơ có thật" của chính ông.
Với cơ sở vật chất sang trọng, trang thiết bị đầu tư đồng bộ, hiện đại, đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế được đào tạo chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, IVF Tâm Anh nhanh chóng trở thành địa chỉ tin cậy của hàng nghìn cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Những kỹ thuật cao cấp hàng đầu trong chẩn đoán và điều trị VSHM đều được thực hiện thành công tại đây như: tiêm tinh trùng vào bào tương trứng ICSI, hỗ trợ phôi thoát màng, kể cả những kỹ thuật khó mà trước đây bệnh nhân phải ra nước ngoài thì nay có thể thực hiện ngay tại bệnh viện như sàng lọc di truyền tiền PGS, PGD, kỹ thuật trưởng thành trứng non, chọc hút tinh trùng từ mào tinh… đã góp phần nâng tỉ lệ thành công của các ca IVF trung bình tại Tâm Anh lên đến hơn 50% (ở độ tuổi dưới 30 có thể lên đến 70-80%).
Ngoài ra, các kỹ thuật mới nhất về hỗ trợ sinh sản chỉ có thể thực hiện ở một số nước tiên tiến như đông mô buồng trứng, đông mô tinh hoàn, hỗ trợ hoàn hóa trứng đang được PGS.TS.BS Lê Hoàng nghiên cứu ứng dụng tại trung tâm trong thời gian tới sẽ là “cứu cánh” cho những cặp vợ chồng hiếm muộn đặc biệt.
“Tỉ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại Việt Nam ngày càng tăng (8-15%). Không những thế mô hình và tình trạng bệnh cũng đa dạng và phức tạp hơn khiến phương pháp điều trị cũng khó khăn hơn. Trong khi đó, số lượng các bác sĩ có kinh nghiệm về VSHM chưa nhiều, chi phí điều trị cao (do thuốc và đầu tư trang thiết bị quá đắt tiền) khiến cho khao khát làm cha làm mẹ của nhiều gia đình chưa trở thành hiện thực.”, PGS.TS.BS Lê Hoàng chia sẻ.
Chính vì vậy, bên cạnh việc nỗ lực làm tốt các công việc hiện tại, PGS.TS.BS Lê Hoàng còn thường xuyên tham gia giảng dạy, đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn cho các bác sĩ trẻ tại Hà Nội và các tỉnh thành với mong ước sẽ có được một đội ngũ đông đảo đồng nghiệp giỏi về nghề, nhiệt huyết và có tâm với người bệnh để những người bệnh vốn đã khổ vì bệnh sẽ không còn khổ thêm vì quá trình khám, chữa trị
Tác giả: Xuân Lê
Nguồn tin: Báo Dân trí