Xã hội

Chăn trâu, bò phải đóng phí đồng cỏ: Giải thích nhiều chiều

'Sắp tới chúng tôi cũng yêu cầu HTX phải kiểm điểm và phải rút kinh nghiệm, để nhân dân có ý kiến là không được', vị cán bộ xã nói.

Theo phản ánh của người dân xã Thiệu Dương (TP.Thanh Hóa), hiện nay người dân địa phương đang phải đóng những khoản phí vô lý nếu muốn đưa trâu, bò ra ngoài đồng thả.

Các hộ dân này sẽ phải nộp tiền cho HTX Dịch Vụ Minh Anh số tiền tùy theo từng mức độ khác nhau.

Sáng 19/4, trao đổi với PV, ông Nguyễn Việt Hùng - Chánh Văn phòng UBND thành phố Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hoá) cho biết, UBND thành phố đã nắm được thông tin phản ánh và đã có chỉ đạo UBND xã Thiệu Dương nắm bắt lại tình hình và xử lý vụ việc.

Mỗi con trâu, bò khi mang ra đồng thả phải đóng 100.000 đồng/năm. Ảnh: VietnamNet

Trước đó, theo phản ánh, mức phí đồng cỏ là 100.000 đồng/con/năm. Đối với khoản tiền thế chấp chăn thả gia súc, gia cầm sẽ tùy theo từng mức độ khác nhau.

Với hộ có 1 đến 3 con trâu, bò thu tiền thế chấp là 300.000 đồng; từ 3 đến 5 con, mức thu 500.000 đồng; từ 5 đến 10 con thu 1.000.000 đồng và hộ từ 10 con trở lên thu 2.000.000 đồng.

Một số người dân cho hay, họ hoàn toàn không biết HTX lấy đâu ra “quy ước đồng điền” để bắt người dân phải đóng phí đồng cỏ, tiền thế chấp chăn thả gia súc. Sự việc vô lý này đang khiến các hộ dân ở đây vô cùng bức xúc.

Tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND xã Thiệu Dương thông tin: "Chúng tôi đã có văn bản báo cáo sự việc lên UBND Thành phố và có văn bản chỉ đạo HTX Minh Anh phải họp dân và thanh toán lại toàn bộ khoản phí đó cho dân".

Ông Tuấn nhận xét, việc thu phí thế chấp nâng cao ý người dân bảo vệ đồng ruộng, đồng tiền nhưng UBND xã yêu cầu HTX phải thanh toán cho dân, không được để dân có ý kiến.

"Chúng tôi đã có chỉ đạo rõ ràng, sắp tới chúng tôi cũng yêu cầu HTX phải kiểm điểm và phải rút kinh nghiệm, để nhân dân có ý kiến là không được", vị cán bộ xã nói.

Theo ông Tuấn, trước khi người dân phản ánh UBND xã đã nắm được thông tin sự việc và ngay lập tức có chỉ đạo, nhắc nhở.

Thông tin thêm, Phó chủ tịch UBND xã Thiệu Dương cho hay, HTX Dịch vụ Minh Anh mới nhận bàn giao từ tháng 12/2017. Họ muốn làm chặt chẽ trong vấn đề bảo vệ đồng tiền cho bà con nhân dân vì trâu, bò hay ra phá lúa.

Ông Tuấn đánh giá, việc thu phí chăn phả trâu, bò là không đúng với quy định của nhà nước nhưng trong "quy ước đồng điền", đến mùa nhân dân cấy lúa thì cấm trâu, bò không cho ra đồng.

Nếu để trâu, bò ra đồng quấy phá thì HTX phải đền nên họ phải cam kết, quản lý chặt. Đến cuối vụ thì HTX sẽ trả lại tiền cho nhân dân, có hóa đơn đoàng hoàng.

Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng làm như vậy là sai. Làm cái gì cũng phải được phép của UBND xã, việc này là HTX tự phép làm".

Nói về "quy ước đồng điền", theo ông Tuấn, ông đã cho kiểm tra biên bản họp và xác định được có 19 hộ chăn nuôi gia súc tham gia dự cuộc họp.

"Các hộ đã đề xuất thu phí mỗi con 100.000 đồng, HTX không đưa ra mức thu bao nhiêu mà chính các hộ đề xuất và đồng tình. Nhưng kể cả người dân đồng tình thì việc thu này cũng là sai", vị lãnh đạo xã đính chính.

Trả lời báo Dân Việt về việc này, ông Dương Đình Minh - Giám đốc HTX Dịch vụ Minh Anh nói việc Hợp tác xã thu phí trên là theo "quy ước đồng điền" và có từ lâu.

"HTX thu tiền thế chấp chăn thả gia súc, gia cầm của những hộ có trâu, bò là trên tinh thần tự nguyện đóng góp và có văn bản họp dân, dựa trên quy ước đồng điền của làng từ xưa đến nay" - ông Minh nói.

“Những năm trước, tình trạng một số hộ dân nuôi thả gia súc bừa bãi phá hoại hoa màu, bờ vùng, bờ thửa của người dân thường xuyên diễn ra.

Tháng 12/2017, HTX tiếp nhận bàn giao từ UBND xã và đã tổ chức họp các hộ chăn nuôi và đưa ra phương án thu 100.000 đồng/con, nộp một khoản tiền thế chấp theo tỉ lệ nhất định.

“Đến cuối năm, chúng tôi sẽ hoàn trả số tiền đã thế chấp nếu hộ đó không để gia súc phá hoại hoa màu của người dân. Tất cả các hộ dân đã đồng ý thống nhất trong hội nghị mà” - ông Minh khẳng định.

Cũng theo vị giám đốc HTX dịch vụ Minh Anh, hiện nay HTX này đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã và được phép thu dịch vụ với 3 khâu: “Bảo vệ đồng điền; khuyến nông và thủy lợi nội đồng” với mức thu là 12kg thóc/sào/năm.

Tác giả: Hoàng Trang

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP