Kinh tế

Chân dung nữ tướng vàng bạc của PNJ Cao Thị Ngọc Dung

36 năm gắn liền với Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, bà Cao Thị Ngọc Dung đã đưa PNJ không ngừng phát triển, doanh thu và lợi nhuận "lớn" lên qua từng năm.

Nữ tướng ngành vàng
Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh năm 1957 tại Quảng Ngãi, trình độ cử nhân Kinh tế thương nghiệp tại Đại học kinh tế Tp.Hồ Chí Minh.

Từ năm 1984-1985, bà Dung là Phó phòng tại Công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp Phú Nhuận. Đến năm 1985, bà chuyển sang công ty Nông sản và thực phẩm quận Phú Nhuận với vai trò trưởng phòng kế hoạch.

Từ năm 1988-2003, bà Dung đảm nhiệm vị trí Giám đốc tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Bà Cao Thị Ngọc Dung được bổ nhiệm giữ chức vụ giám đốc công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận.

Năm 1990, bà Dung kiêm thêm Giám đốc Trung tâm Tín dụng Phú Gia và năm 1991 - 1992, bà là Giám đốc Công ty Thương mại Phú Nhuận.

Từ năm 1992 - 1997, bà còn tham gia vào ban lãnh đạo của Ngân hàng Đông Á (DongABank) với chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Chủ tịch HĐQT PNJ Cao Thị Ngọc Dung.

Vào năm 2003 đến 2013, bà đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Địa ốc Đông Á. Năm 2005 đến năm 2011, bà đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Năng lượng Đại Việt.

Trong khoảng thời gian dài từ năm 2004 đến năm 2018, bà Dung giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PNJ.

Từ tháng 04/2018 đến nay, bà Dung chỉ còn giữ "ghế nóng" Chủ tịch tại PNJ. Ngoài ra, theo báo cáo thường niên của công ty, bà còn là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Chế tác và Kinh doanh Trang sức PNJ (PNJP).

Về doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi bà Dung là CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, năm 1988, cửa hàng Kinh doanh Vàng bạc Phú Nhuận ra đời trực thuộc UBND Quận Phú Nhuận trong thời điểm ngành kim hoàn chưa phát triển và thị trường còn nhiều hạn chế.

Nhóm cổ đông sáng lập của PNJ ngoài bà Cao Thị Ngọc Dung còn có Nguyễn Thị Ngọ, Công ty XNK Vật tư Kỹ thuật (REXCO) với người đại diện là ông Đặng Phước Dừa, bà Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Vũ Phan và 1.270 cổ đông khác.

Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, bà Dung đang sở hữu 9,37 triệu cổ phần, tương đương 2,8% vốn tại doanh nghiệp.

Năm 1992, PNJ chính thức mang tên công ty Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận và xác định chiến lược phát triển trở thành nhà sản xuất kinh doanh trang sức chuyên nghiệp.

Gánh nặng mang tên DongABank

Dưới sự dẫn dắt của bà Dung, PNJ đã không ngừng lớn mạnh, trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về trang sức bán lẻ tại Việt Nam. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, PNJ đang có 8.200 nhân viên.

Đồng thời, công ty sở hữu có tổng cộng 405 cửa hàng tại 57/63 tỉnh thành bao gồm 396 cửa hàng PNJ, 5 cửa hàng Style by PNJ, 3 điểm bán CAO Fine Jewellery và 1 trung tâm kinh doanh sỉ.

Về tình hình kinh doanh, tại báo cáo tài chính của PNJ, một điều đáng lưu ý là là khoản tiền 395 tỷ đồng đang "mắc kẹt" trong thời gian dài.

Cụ thể, PNJ đầu tư góp vốn 395 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), nắm giữ 38,4 triệu cổ phiếu EAB, tương ứng tỉ lệ sở hữu 7,69%. Công ty cũng trích lập hơn 395 tỷ đồng dự phòng đầu tư cho khoản trên.

Thông tin về việc góp vốn vào DongABank trên website PNJ.

Tại ngày 30/6/2023, DongABank vẫn trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước và cổ phiếu EAB không được phép chuyển nhượng. Theo thông tin trên website, năm 1992, PNJ là một trong những cổ đông sáng lập DongABank với tỉ lệ vốn góp 40%.

Đã từng có khoảng thời gian, DongA Bank là một trong những ngân hàng nổi bật tại Tp.HCM. Tuy nhiên sau đó, do sai phạm của Trần Phương Bình (cựu Tổng Giám đốc DongABank, chồng bà Cao Thị Ngọc Dung) và đồng phạm, ngân hàng này đã chịu thiệt hại nặng nề. Khoản đầu tư vào DongABank bỗng trở thành gánh nặng đối với PNJ.

Dù vậy, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, bà Cao Thị Ngọc Dung vẫn khẳng định sự cố tại DongABank không có ảnh hưởng đến PNJ, nếu công ty có liên quan thì đã không thể trụ vững được.

Điều đó cũng phần nào được thể hiện qua sự tăng trưởng trong kết quả kinh doanh của công ty. Năm 2009, tổng doanh thu của PNJ chính thức vượt mốc 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu 10.291 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2008.

Lợi nhuận của công ty cũng tăng 1,7 lần lên 220 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2012, Nghị định 24 của Thủ tướng Chính phủ ra đời quy định về việc Nhà nước độc quyền vàng miếng giáng một đòn mạnh vào PNJ, khiến doanh thu thuần của công ty tụt mạnh từ 17.964 tỷ đồng xuống còn 6.717 tỷ đồng. Lợi nhuận của công ty cũng theo đó trồi sụt thất thường.

Năm 2017, doanh thu của PNJ lần nữa trở lại mức trên 10.000 tỷ đồng và không ngừng phá đỉnh những năm sau đó. Đến năm 2022, doanh thu của PNJ chính thức vượt 30.000 tỷ đồng và kết thúc năm 2023, công ty ghi nhận 33.137 tỷ đồng doanh thu.


Với thế mạnh là bán lẻ, trong cơ cấu doanh thu của PNJ, mảng bán lẻ luôn đóng góp phần lớn. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh giá vàng liên tục lập đỉnh, doanh thu từ kinh doanh vàng 24K của công ty cũng tăng mạnh. Sau nửa đầu năm, doanh thu từ kinh doanh vàng 24K của PNJ đã tăng 80,8% so với cùng kỳ.

Đến năm 2016, lợi nhuận của PNJ mới ổn định và tiến vào quỹ đạo tăng trưởng. Năm 2019, lãi của công ty đạt mốc 1.000 tỷ đồng.

Năm 2023, công ty ghi nhận khoản lãi kỷ lục 1.971 tỷ đồng. Năm 2024, PNJ tiếp tục thể hiện tham vọng của mình khi đặt ra kế hoạch 37.148 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 2.089 tỷ đồng.

Ngày 19/8 vừa qua, cổ phiếu PNJ tăng kịch trần lên 104.900 đồng/cổ phiếu. Qua đó đưa vốn hóa của công ty cao nhất lịch sử lên 35.095 tỷ đồng (cao hơn 23% so với hồi đầu năm).

Cùng với đà tăng, khối lượng khớp lệnh cũng cao kỷ lục ở mức gần 5 triệu đơn vị (kỷ lục gần nhất là 4,3 triệu đơn vị), trong khi đó khối lượng giao dịch trung bình trước đó chỉ khoảng 1,2 triệu đơn vị/ngày.

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hương

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP