Pháp luật

Chân dung Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH Đông Đô đang trốn truy nã

Liên quan đến những sai phạm tại trường Đại học Đông Đô, cơ quan điều tra bộ Công an xác định đối tượng chủ mưu là Trần Khắc Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Ttrường Đại học Đông Đô). Hiện Hùng đang bỏ trốn và bị cơ quan chức năng truy nã.

Trần Khắc Hùng, sinh năm 1972, tại Nam Đàn, Nghệ An; là nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường Đại học Đông Đô. Trước khi bỏ trốn, ông Hùng ở tại phòng 908 nhà 24T1, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Ông Trần Khắc Hùng là tiến sĩ Quản trị kinh doanh, từng là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ khóa VII, khóa XIV, và từng được Unesco Việt Nam trao tặng biểu tượng "Rồng thiêng Doanh nhân hiền tài”.

Quá trình học tập, công tác:

Từ năm 1996-1999: Học chuyên môn QL SX và làm việc tại Nhật Bản.

Từ năm 1999-2000: Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Phương.

Từ năm 2000- 2003: Tổng Giám đốc- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thương mại Hùng Phát kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tào và Phát triển nguồn nhân lực- Viện nghiên cứu và Phát triển Nông thôn.

Từ tháng 6/2003-3/2007: Giám đốc Công ty Cổ phần SARA Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT các Công ty thuộc tập đoàn SARA.

Từ tháng 3/2007-2019: Chủ tịch HĐQT tập đoàn SARA. Vào năm 2014, trường Đại học Đông Đô có nhà đầu tư mới là Tập đoàn SARA, ông Trần Khắc Hùng trở thành Chủ tịch HĐQT.

Từ tháng 10/2010-2019: Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Vietnamnet- kiêm Quyền Tổng giám đốc.

Trong diễn biến liên quan đến vụ việc, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vừa đề nghị truy tố bị can Dương Văn Hòa (37 tuổi, nguyên hiệu trưởng), Trần Kim Oanh (42 tuổi, nguyên phó hiệu trưởng kiêm Phó viện trưởng đào tạo liên tục), Lê Ngọc Hà (42 tuổi, cựu phó hiệu trưởng), Trần Ngọc Quang (58 tuổi, nguyên phó Phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên), Nguyễn Thị Huệ (34 tuổi, nguyên trưởng Phòng Tài chính, kế toán) về tội Giả mạo trong công tác, theo khoản 2 điều 359 Bộ luật Hình sự 2015.

Liên quan vụ án, cựu cán bộ của trường là Phạm Vân Thùy, 39 tuổi, Lê Thị Thanh Tâm, 37 tuổi, Nguyễn Thị Ngọc Thái, 32 tuổi, Ngô Quang Hiển, 42 tuổi và Lê Thị Lương, 24 tuổi bị đề nghị truy tố cùng tội danh.

Trần Khắc Hùng bị xác định là chủ mưu nhưng đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đình chỉ điều tra bị can, khi bắt được sẽ xử lý sau.

Trần Khắc Hùng. Ảnh: VnExpress

Kết luận điều tra ra ngày 13/11 xác định, Đại học Đông Đô trong quá trình hoạt động chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh. Tuy vậy từ năm 2015 đến 2017, Đại học Đông Đô đã đăng ký và được Vụ Kế hoạch Tài chính (bộ Giáo dục và Đào tạo) thông báo chỉ tiêu tuyển sinh.

Từ tháng 4/2017, bị can Hùng chỉ đạo hai cấp dưới Trần Kim Oanh và Dương Văn Hòa ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh gửi các cơ sở và hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 với 15 cơ sở đào tạo. Đầu năm 2018, ông Hùng chỉ đạo Ban giám hiệu và nhân viên nhà trường làm các thủ tục cấp bằng cử nhân tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy cho các cá nhân không qua đào tạo.

Tại Viện đào tạo liên tục, ông Hùng giao cho bị can Oanh chỉ đạo nhân viên dưới quyền tiếp nhận hồ sơ học viên nhưng không tổ chức thi đầu vào. Oanh tổ chức hướng dẫn phát đề thi và đáp án cho học viên chép lại. Một số trường hợp cá biệt không cần hợp thức bài thi.

Cuối năm 2018, sau khi thành lập Viện 4.0, Hùng giao Phó viện trưởng Lê Ngọc Hà chỉ đạo cấp dưới nhận hồ sơ học viên, tổ chức hướng dẫn hợp thức các bài thi... Nhóm này sau đó lập và ký danh sách đề nghị in bằng rồi thông qua các khâu để phát cho học viên. Quá trình điều tra đã thu giữ nhiều danh sách đề nghị in bằng, đề nghị xét tốt nghiệp không qua tuyển sinh hoặc không đủ điều kiện.

Để có phôi in bằng giả, tháng 10/2018, bị can Oanh chỉ đạo Trần Ngọc Quang làm giả quyết định về việc công nhận danh sách thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng 2 tiếng Anh. Quang đề xuất để hiệu trưởng Dương Văn Hoà ký văn bản gửi bộ Giáo dục và Đào đề nghị mua 468 phôi bằng.

Kết quả điều tra xác định 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh đào tạo hoặc không đủ điều kiện. Hơn nữa, 23 người tham gia học tại các cơ sở chưa được cấp phép đào tạo nên bằng cũng không có giá trị. Toàn bộ 193 bằng giả đều do bị can Hòa ký với tư cách hiệu trường theo chỉ đạo của Hùng. Hiện cơ quan điều tra đã thu 177 bằng giả trong đó 67 bản chính, 110 bản photo.

Trong 60 người đã sử dụng bằng giả, 55 người dùng xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, một người làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 2 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên và công chức.

Tác giả: Hoàng Yên (T/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.com

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP