Cây gạo hoa cam này nằm ở thôn 3 - Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) và nằm trong khu bảo tồn cộng đồng voọc gáy trắng Tuyên Hóa.
Chở che, ôm ấp dân làng
Theo các bậc cao niên ở xã Thạch Hóa, cây gạo hoa cam là một nhân chứng lịch sử gắn với thời kỳ mở cõi lập làng của các bậc tiền hiền và họ không rõ có từ đời nào. Chỉ biết, từ nhỏ họ đã thấy cây gạo sừng sững, tỏa bóng mát bên cánh đồng làng, dù trải qua thời kỳ bom đạn ác liệt.
Cây gạo có nhiều nhánh với hình thù độc đáo |
Cụ Mai Xuân Thưởng (92 tuổi) là bậc cao niên khá tỏ tường về cây gạo cổ thụ của làng. Cụ Thưởng nhớ, từ thời ông nội của cụ kể, lúc nhỏ đã thấy cây gạo là cây cổ thụ, nhiều cành sài sà xuống mặt đất và vươn rộng ra xung quanh. Trải qua nhiều đời, cho đến khi cụ lớn lên, cây vẫn vươn mình, nẩy lộc.
Trong thời kỳ chống Pháp, dưới chân cây gạo, dân làng từng xây dựng có lò vôi để cung cấp vật liệu cho việc xây dựng đình chùa, miếu mạo cho cả vùng. Điều kỳ lạ, dù quê hương liên tục bị bom cày đạn xới, mưa bão triền miên khiến nhiều cây cổ thụ ngã đổ vô số, nhưng cây gạo vẫn nguyên vẹn, xanh tốt và hiên ngang đứng vững giữa đất trời.
"Từ xa xưa đến nay, cây gạo là biểu tưởng của quê hương, là bóng mát chở che, ôm ấp dân làng Thạch Hóa nên luôn được bà con yêu quý bảo vệ" - cụ Thưởng tâm sự. Đối với người dân nơi đây, cây gạo không chỉ là biểu tượng cho sự trường tồn và sức sống dẻo dai, mà còn gắn liền với đời sống tâm linh, với hình ảnh làng quê thân thuộc.
"Báu vật" của dân làng
Con đường dẫn vào cây gạo khá hoang vu, còn nguyên lũy tre làng. Từ xa đã thấy bóng cây gạo che mát cả một khoảng trời rộng. Bên cạnh cây gạo là miếu thờ Bà Sơn - một trưởng nữ có công với làng nên được người làng tôn kính và lập miếu thờ tự. Hằng năm, mỗi khi người dân vào cúng bái tại miếu thì thường ghé thăm cây gạo.
Cây gạo hoa cam Thạch Hóa - được công nhận cây Di sản Việt Nam đầu tiên của Quảng Bình |
Cây gạo cao chừng 30m, tán vươn rộng khoảng 20m. Gốc cây rộng lớn, có nhiều rễ lớn bám xung quanh, rộng đến nổi 10 người ôm không xuể. Cây có nhiều nhánh rất to tỏa bóng một vùng, mỗi nhánh được tạo như những hình thù uốn lượn rất độc đáo giữa không trung.
Ông Trần Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa cho biết hiện nay địa phương đang triển khai mở đường vào khu vực cây gạo hoa cam để tổ chức đón nhận bằng di sản của Hội Di sản văn hóa Việt Nam trong năm 2024. Xung quanh cây gạo đã được phát quang, dọn dẹp thực bì để thuận tiện cho người dân và du khách đến tham quan. |
Hoa gạo thường nở vào tháng 3 đến tháng 4 hằng năm, cây ra hoa nhuộm đỏ sắc thắm cả một góc trời, hài hòa với cảnh quan núi rừng xanh thắm đẹp như tranh vẻ. Thời điểm này, các đàn voọc gáy trắng và nhiều loài chim thường tìm đến cây gạo để kiếm ăn, tạo nên khung cảnh yên bình, đẹp mắt giữa cánh đồng xanh ngát.
Ông Nguyễn Thanh Tú - nhân viên Khu bảo tồn voọc gáy trắng Tuyên Hóa - cho biết trong quá khứ, cây gạo cổ thụ không có người bảo vệ nên rất hoang hóa, từng có kẻ xấu lấy cưa đục vỏ cây. Trước nguy cơ xâm hại cây quý, nhiều năm nay, chính ông đã tự mình ra phát quang và bảo vệ cây gạo như một báu vật của quê hương.
Vì muốn gìn giữ cây gạo, ông Tú đã đã tình nguyện bảo vệ và đề xuất với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng làm hồ sơ gửi cho Hội Di sản văn hóa Việt Nam đề nghị công nhận Cây di sản. Khi nghe tin cây gạo hoa cam duy nhất ở xã Thạch Hóa được công nhận Cây di sản đầu tiên của Quảng Bình, ông Tú vô cùng xúc động vì quê hương có một di sản quý giá và những công sức của ông bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng…
Còn ông Trần Văn Bằng - Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa nói cây gạo hoa cam là niềm tự hào của nhân dân Thạch Hóa. Nó là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, tinh thần đoàn kết, yêu nước của người dân nơi đây. Cây gạo đã góp phần tô điểm cho vẻ đẹp của quê hương; giúp mọi người biết đến miền sơn cước này nhiều hơn.
Khung cảnh gây gạo nhìn từ trên cao |
Gốc cây gạo cổ thụ, 10 người ôm không xuể |
Cây gạo bên Khu bảo tồn voọc gáy trắng Tuyên Hóa |
|
Tháng 3-4 hàng năm, cây gạo sẽ nở hoa nhuộm đỏ cả một vùng |
Cây gạo là cây cổ thụ có kích thước lớn nhất còn sót lại ở vùng quê Thạch Hóa |
Khu vực đi vào miếu Bà Sơn - cũng là cánh cổng duy nhất đi vào cây gạo cổ thụ |
Tác giả: HOÀNG PHÚC
Nguồn tin: Báo Người Lao động