Kinh tế

Cao su, keo đổ rạp sau bão, nông dân “nuốt” nước mắt bán giá rẻ

Hàng ngàn hecta cao su, keo lai bị ngã đổ do bão số 12 vừa qua, sau bão người dân Phú Yên tận thu bán với giá rẻ vớt vát được đồng nào hay đồng đó.

Trắng tay sau bão

Theo thống kê, sau bão có hơn 2.000h cao su của tỉnh Phú Yên bị ngã đổ chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như: Sông Hinh và Sơn Hòa. Đa số người trồng cao su đều thiệt hại từ 50 đến 70%, cá biệt có những hộ bị ngã đổ hoàn toàn.

Nhiều diện tích cây cao su bị ngã đổ sau bão 12 khiến người trồng cao su ở Phú Yên trắng tay

Theo người dân trồng cao su ở Phú Yên, 1ha trồng khoảng 500 cây với chi phí trước khi thu hoạch mủ khoảng 350 triệu đồng. Thế nhưng, giờ đây người dân chỉ biết chặt bán thân cây cao su cho thương lái mong vớt vát lại ít vốn liếng. “Giá một cây cao su hơn 10 năm tuổi, đường kính khoảng 15cm trở lên được thu mua với giá 150.000-200.000 đồng, thì hiện chỉ còn khoảng 90.000 đồng, còn cây cao su nhỏ thì làm củi đốt”, một người trồng cao su cho hay.

Ông Nguyễn Thoại Dũng (ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa), thở dài: “Gia đình tôi trồng 3,5 ha cao su, nhưng do ảnh hưởng của bão 12 bị thiệt hại hoàn toàn. Bình thường mỗi năm gia đình cạo mủ bán được 200 triệu đồng. Bây giờ bán hết cả vườn được có 100 triệu đồng. Cây cao su phải có thân to mới bán khoảng 150.000 còn cây nhỏ thương lái không mua. Những ngày mới sau bão thì còn bán được chứ khoảng 10 ngày trở lại đây cây chất đống mà không có người hỏi mua”.

Người trồng keo cũng khóc ròng

Chung số phận, hơn 20.000 ha rừng, chủ yếu là rừng trồng (chủ yếu cây keo lai) của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Phú Yên bị thiệt hại với nhiều mức độ khác nhau do ảnh hưởng của cơn bão số 12 vừa qua.

Người trồng keo lại cũng điêu đứng sau bão số 12 vì các nhà máy không thu mua giá thấp

Do keo bị ngã đổ buộc phải thu hoạch nếu không sẽ thành củi. Trong khi đó, sản lượng và diện tích quá lớn nên nhiều nhà máy chế biến gỗ dăm đã hoạt động vượt công suất nhưng vẫn không thể mua hết cho nông dân. Kéo theo đó, giá gỗ rừng trồng từ gần 1,1 đến 1,2 triệu đồng/tấn, nay đã giảm xuống còn 600.000 đến 800.000 đồng/tấn.

Chị Lê Thị Kim Thảo (ở xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa) chia sẻ: “Gia đình tôi 6ha nhưng chỉ bán loại keo lớn. Keo nhỏ khoảng 1-2 năm không bán được. Mỗi hecta keo đầu tư từ 20 đến 30 triệu đồng nhưng thương lái mua chỉ độ 6 đến 7 triệu đồng. Các nhà máy bây giờ keo nhiều quá nên họ cũng không mua nữa. Nông dân bây giờ xót của nhưng cũng chỉ biết ngồi chờ thương lái thôi. Nhiều gia đình do đường vận chuyển khó đành ngậm ngùi để keo khô thành củi. Vốn liếng để tái đầu tư trồng lại cũng gặp khó khăn”.

Theo ông Trần Minh Tiên, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), xã Sơn Định là một trong những địa phương có thiệt hại nặng về cao su và rừng trồng với diện tích hơn 1.300 hecta. Hầu hết đều thiệt hại trên 50%.

“Hiện nay, địa phương đang tìm cách kêu gọi các nhà máy chế biến gỗ ở địa phương lân cận thu mua gỗ keo tận thu cho bà con. Bên cạnh đó, vận động bà con sớm phát dọn vườn cao su, vườn keo và giữ lại những cây còn có khả năng sinh trưởng để tiếp tục chăm sóc”, ông Tiên cho hay.

Người trồng cao su chặt cây bán rẻ

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại thống kê dư nợ, theo đó cơ cấu lại nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; xem xét miễn, giảm lãi suất, cho vay mới để đầu tư khôi phục sản xuất…

Trao đổi về vấn đề trên, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “UBND tỉnh đã có đề nghị hỗ trợ cho người sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bị thiệt hại khoảng 162 tỷ đồng. Đồng thời yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên sớm tham mưu những vấn đề cụ thể tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về cơ chế xử lý nợ và có cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai”.

Tác giả: Trung Thi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP