Giáo dục

Cao Bá Quát và chuyện chỉnh sửa hàng loạt bài thi

Cao Bá Quát từng tự ý chỉnh sửa hàng loạt bài thi của sĩ tử. Khi sự việc bại lộ, ông nhận lỗi và bị phạt.

Cao Bá Quát (chưa rõ năm sinh, mất năm 1855), tự là Chu Thần, hiệu Mẫn Hiên, sinh tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Từ khi còn nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, can đảm, giỏi thơ văn, cương trực. Năm 1831, dưới đời vua Minh Mạng, ông thi Hương đỗ Á nguyên tại trường thi Hà Nội. Năm 1841, đời vua Thiệu Trị, khi có quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử, Cao Bá Quát được triệu vào kinh đô Huế làm Hành tẩu ở bộ Lễ.

Nhiều câu chuyện về Cao Bá Quát, trong đó nổi tiếng nhất là việc ông tự ý chỉnh sửa hàng loạt bài thi của sĩ tử.

Theo Đại Nam thực lục, tháng 8/1841, Cao Bá Quát được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với đồng sự là Phan Thời Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại 24 bài.

Khi sự việc bại lộ, Cao Bá Quát nhận tất cả lỗi về mình. Sau khi án được dâng lên vua Thiệu Trị, tất cả các thành viên đều bị xử tội với những mức phạt khác nhau. Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ bị tội tử hình.

Chân dung Cao Bá Quát.

Sau này, thấu hiểu nỗi lòng của cao Bá Quát, vua Thiệu Trị ra lệnh tha tội chết cho ông với lời phán rằng “chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng. Song ta nghĩ do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, còn có thể khoan tha cho tội xử tử…".

Nhờ đó, Cao Bá Quát được giảm án từ “trảm quyết” (chém chết ngay) thành “giảo giam hậu” (giam lại, xử chết sau). Cuối cùng, ông bị tống ngục.

Sau gần 3 năm bị giam, tới năm 1843, ông cùng Đào Trí Phú đi công cán đến Indonesia để lập công chuộc tội. Sau chuyến đi trở về, ông lại được vào Viện hàn lâm để lo việc sưu tầm và xếp đặt văn thư.

Năm 1850, do không được lòng một số quan lớn, Cao Bá Quát bị đày đi làm giáo thụ ở phủ Quốc Oai (Sơn Tây cũ). Đến cuối năm 1850, đời vua Tự Đức, ông lấy cớ về quê chịu tang cha, sau đó xin ở lại nuôi mẹ già để thôi chức.

Năm Giáp Dần 1854, chế độ phong kiến nhà Nguyễn ngày càng trở nên suy yếu, mục nát. Nhiều tỉnh ở miền Bắc gặp đại hạn lại bị nạn châu chấu làm cho mùa màng mất sạch, đời sống người dân cực khổ.

Trong bối cảnh đó, Cao Bá Quát vận động một số sĩ phu yêu nước, các thổ hào ở vùng Quốc Oai, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn... cùng nhau tôn Lê Duy Cự làm minh chủ, Cao Bá Quát làm quốc sư.

Họ cùng thổ mục Sơn Tây là Đinh Công Mỹ và Bạch Công Trân dựng cờ nổi dậy tại Mỹ Lương, thuộc vùng Sơn Tây, chống lại triều đình đương thời. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Cao Bá Quát tử trận năm 1855.

Không chỉ nổi tiếng là người thẳng thắn, chính trực, Cao Bá Quát còn là nhà văn hóa lớn trong thế kỷ XIX. Ông có một sự nghiệp văn chương lừng lẫy, danh tiếng.

Ngay sau khi cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Lương thất bại, nhiều tác phẩm của Cao Bá Quát bị thất lạc do triều đình thu đốt, cấm tàng trữ và lưu hành.

Trước năm 1984, nhóm biên soạn sách Thơ văn Cao Bá Quát đã tìm đến kho sách cổ của Thư viện Khoa học kỹ thuật trung ương (Hà Nội). Sau khi loại trừ những bài chắc chắn không phải của ông, nhóm này sưu tầm được trên nghìn bài được viết bằng chữ Nôm và Hán. Hiện, 1.353 bài thơ và 21 bài văn xuôi của ông vẫn được lưu giữ.

Từ nguyên mẫu Cao Bá Quát, nhà văn Nguyễn Tuân đã xây dựng hình ảnh nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm nổi tiếng “Chữ người tử tù”.

Hình ảnh Huấn Cao trong tác phẩm của Nguyễn Tuân đại diện cho cái đẹp, từ tài viết chữ của một nho sĩ đến cốt cách ngạo nghễ phi thường của bậc trượng phu, tấm lòng trong sáng của người biết quý trọng cái đẹp, tài.

Huấn Cao nổi tiếng là người có tài viết thư pháp. Chữ viết không chỉ là ký hiệu ngôn ngữ mà còn thể hiện tính cách con người.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Điệp

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP