Không phải chỉ đến bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, những cảnh quay hùng vĩ về thiên nhiên tuyệt đẹp của Việt Nam mới được khán giả quốc tế biết đến. Nhiều cảnh đẹp của vịnh Hạ Long, hang Én, hang Sơn Đoòng, Tam cốc bích động… đã từng tỏa sáng trên màn ảnh thế giới, làm nức lòng khán giả quê nhà và khiến bạn bè năm châu phải trầm trồ.
Ngắm nhìn cảnh đẹp Việt Nam tuyệt vời trên màn ảnh Mỹ và Pháp:
Trong bộ phim Hollywood mang màu sắc cổ tích Pan và vùng đất Neverland, một số cảnh quay được thực hiện tại Việt Nam. Khung cảnh vùng núi non hùng vĩ và dòng sông hữu tình ở Ninh Bình dưới ánh nắng mang màu sắc lung linh huyền ảo không khác nào thiên đường trên mặt đất.
Hình ảnh vịnh Hạ Long đẹp như chốn tiên bồng được lưu lại trong cảnh nhân vật Tiger Lily ngồi trên núi, phía xa là con thuyền bay trong làn mây kỳ ảo.
Hang Én ở Quảng Bình - hang động lớn thứ 3 trên thế giới - đẹp kỳ ảo, mang màu sắc huyền thoại được xuất hiện trong phần cuối của bộ phim Pan. Đoàn làm phim gồm 12 người đã tới thăm dò và thực hiện cảnh quay tại Việt Nam vào mùa hè 2014. Họ dùng camera bay để thu được trọn vẹn những chi tiết nhỏ nhất cho đến cảnh bao quát nhất của hang động kỳ vĩ này.
Bộ phim được quay dưới định dạng 3D để lấy bối cảnh sau đó làm hậu kỳ. Nhưng những cảnh quay tại Việt Nam không hề cần tới sự can thiệp của kỹ xảo. Điều này được chính nam diễn viên Hugh Jackman, người thủ vai thuyền trưởng Râu Đen, nhấn mạnh.
Ngoài những thước phim, cảnh đẹp Việt Nam còn tỏa sáng trên màn ảnh nhỏ của nước Mỹ thông qua chương trình Good Morning America (Chào buổi sáng nước Mỹ) truyền hình trực tiếp trên đài ABC vào sáng ngày 13.5.2015.
Hai địa điểm được chọn giới thiệu là hang Én và hang Sơn Đoòng. Đây là hai hang động đẹp nhất thế giới nằm trong quần thể vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Hang Én được một đoàn thám hiểm hang động người Anh phát hiện vào năm 2009. Đây là hang động lớn thứ ba thế giới, cao hơn 130m, rộng 150m.
Từ hang Én, khách đi thêm 2km nữa mới tới hang Sơn Đoòng. Hang động này được phát hiện vào năm 1990 bởi một người nông dân tên Hồ Khanh nhưng phải đến gần 20 năm sau mới chính thức được nhiều người biết đến.
Trước khi lên sóng 1 tháng, đoàn làm phim của Mỹ đã cử 4 nhóm đến Quảng Bình để khảo sát và ghi hình. Các khâu từ máy quay camera, flycam, ánh sáng và kỹ thuật vệ tinh được chuẩn bị kỹ lưỡng và chuyên nghiệp. Nhờ đó, hình ảnh về Việt Nam hiện lên tuyệt đẹp dưới ống kính của đoàn Mỹ.
Vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ bên trong hang động khiến đoàn phim ngỡ ngàng khi lần đầu đặt chân đến đây. Sau khi chương trình lên sóng, nhiều khán giả Mỹ đã trầm trồ thán phục cảnh đẹp của Việt Nam và tỏ ý mong muốn một lần được đến chiêm ngưỡng.
Khung cảnh đẹp như truyện cổ tích của hang động kỳ vĩ nhất Việt Nam được phát trên màn ảnh nhỏ nước Mỹ. Nữ MC của chương trình đã phải thốt lên, cô như lạc vào một thế giới khác bên ngoài trái đất và tưởng như đang đứng trước cảnh đẹp như trong phim Avatar.
Trước và sau khi chương trình Chào buổi sáng nước Mỹ phát sóng, hình ảnh hang Én và hang Sơn Đoòng được báo chí nước ngoài đưa tin rầm rộ. Qua đó, khán giả quốc tế được biết đến nhiều hơn về cảnh đẹp thiên nhiên Việt Nam.
Hình ảnh non nước Quảng Bình đẹp tuyệt vời qua ống kính của một nhiếp ảnh trong đoàn phim Mỹ.
Vịnh Hạ Long từng xuất hiện ấn tượng trong bộ phim Indochina (tựa tiếng Việt: Đông Dương) của Pháp, từng giành giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2013.
Bối cảnh non nước mây trời nên thơ với hòn Trống Mái và những con thuyền bồng bềnh trên mặt nước.
Nhìn từ trên cao, vịnh Hạ Long càng trở nên thơ mộng dưới ống kính camera của đoàn làm phim Indochina. Sau khi xem xong bộ phim này, một làn sóng những người du lịch Pháp đã tới Việt Nam để ghé thăm danh lam thắng cảnh nổi tiếng như trên phim.
Bộ phim Đông Dương của đạo diễn người Pháp Régis Wargnier tái hiện hình ảnh đất nước Việt Nam những năm 1930-1950. Ngoài việc khắc họa lại cuộc sống của người dân dưới thời thuộc địa nghèo khổ nhưng anh dũng đứng lên giành lại độc lập, phim còn cho thấy những cảnh đẹp tại đất nước hình chữ S. Vì vậy, bộ phim có nhiều cảnh quay tại khu vực gần Hà Nội, vịnh Hạ Long, Ninh Bình...
"Đông Dương" trở thành bộ phim do nước ngoài sản xuất đầu tiên được phép quay ở lăng Tự Đức (Huế). Đoàn phim được vào bên trong Hoàng thành Huế và còn dựng cảnh trong điện của Vua Bảo Đại.
Kiến trúc lăng tẩm Huế đẹp trong từng đường nét, toát lên vẻ cổ kính, trang nghiêm.
Một khu vực bãi đất trống trong quần thể vịnh Hạ Long được dựng làm bối cảnh phim "Đông Dương".
Nhà thờ Phát Diệm nhìn từ trên cao qua lăng kính của đạo diễn người Pháp.
Tác giả bài viết: Nhi Quỳnh